Sự phục hồi của đồng đô la đã đạt được những kỷ lục liên tiếp khiến các loại tiền tệ trên toàn thế giới rơi vào vòng xoáy diệt vong. Tuy nhiên, chỉ số đo lường tỷ giá hối đoái ở thị trường mới nổi chỉ giảm bằng một nửa so với các nước phát triển. Và một cách khác thường, sự vượt trội này vẫn tiếp tục ngay cả khi giá hàng hóa đang tiếp tục giảm.
Dirk Willer, người đứng đầu thị trường mới nổi tại Citigroup cho biết: “Trong vài tháng qua, giá hàng hóa giảm trở lại so với mức cao hồi đầu năm nhưng các nhà sản xuất hàng hóa vẫn hoạt động tương đối tốt so với khu vực đồng euro hoặc các quốc gia G10”.
Thành công của các quốc gia đang phát triển trong việc vượt qua một số biến động liên quan đến xu hướng thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã đặt ra câu hỏi về giả định rằng liệu họ sẽ là tâm điểm của bất kỳ cuộc suy thoái thị trường nào hay không do lợi suất cao hơn của Mỹ.
Nhưng trên thực tế, phần lớn nỗi đau đang diễn ra ở Anh và châu Âu, trong khi các quốc gia như Brazil và Mexico đang chứng kiến đồng tiền của họ thu hút các nhà đầu tư nhờ vào lợi suất hấp dẫn, đây cũng là kết quả của một số đợt tăng lãi suất mạnh mẽ nhất trên thế giới.
“Chúng tôi đang thấy ở các thị trường phát triển, các lực lượng tương tự như các thị trường mới nổi đã phải vật lộn trong vài thập kỷ qua với áp lực lạm phát và thâm hụt tài chính. Và với tất cả sự biến động đang diễn ra, các nhà đầu tư buộc phải tìm kiếm lợi nhuận cao hơn và đó là ở các thị trường mới nổi”, Simon Harvey, trưởng bộ phận phân tích tiền tệ của Monex Europe cho biết.
Xu hướng tăng giá của thị trường hàng hoá diễn ra từ đầu năm đến hết ngày 9/6 đã giúp chỉ số tiền tệ của các quốc gia đang phát triển của MSCI chỉ giảm 2,5%, trong khi khi chỉ số đại diện cho các quốc gia phát triển giảm 7,4%. Kể từ đó, giá nguyên liệu thô đã giảm xuống, nhưng các thị trường mới nổi vẫn vượt trội hơn các quốc gia G7 là 2%.
Nhìn chung, trong số 23 đồng tiền đang phát triển được Bloomberg theo dõi, 21 đồng tiền có hiệu suất cao hơn đồng bảng Anh, 19 đồng tiền vượt trội hơn so với đồng euro và tất cả 23 đồng tiền này đều hoạt động tốt hơn đồng yên Nhật.
Nguyên nhân do đâu
Khi thế giới chao đảo từ cuộc khủng hoảng này sang cuộc khủng hoảng khác - từ cuộc xung đột ở Ukraine đến sự siết chặt năng lượng ở châu Âu và bất ổn chính trị ở Anh - danh tiếng của các quốc gia phát triển là điểm đến đầu tư an toàn hơn đã không còn nữa.
Sau đó đến sự khác biệt lãi suất. Không có đồng tiền nào trong G10 có lãi suất chính sách trên 3%, trong khi các quốc gia đang phát triển đưa ra mức lãi suất cao hơn nhiều, trong đó mức lãi suất 4,25% của Indonesia là một trong những mức lãi suất thấp nhất và lãi suất chính sách của Brazil vượt quá 13%.
Lin Jing Leong, chiến lược gia về lãi suất tại Columbia Threadneedle Investments cho biết: “Một số ngân hàng trung ương ở thị trường mới nổi đã tăng lãi suất chính sách khá sớm, bắt đầu từ giữa năm 2021 và hiện đang được hưởng lợi từ điều đó. Đây là một ví dụ tuyệt vời về cách một số chủ động sớm có thể đi một chặng đường dài trên thị trường”.
Theo Citigroup, sự vượt trội của tiền tệ ở Mexico và Brazil được thúc đẩy bởi lãi suất thực dương. Citigroup còn gọi đồng peso là “con cưng của các thị trường mới nổi”.
Alvin Tan, người đứng đầu chiến lược tiền tệ châu Á tại RBC Capital Markets cho biết: “Các vấn đề vĩ mô ở châu Âu và sự phân hóa chính sách ở Nhật Bản khó có thể sớm được giải quyết. Vì vậy, tôi không cho rằng sự hoạt động kém hiệu quả của đồng tiền của họ sẽ sớm được giải quyết”.
Nhưng tất cả những lời bàn tán về sự hoạt động tốt hơn này đều được làm dịu đi bởi thực tế là hầu hết các loại tiền tệ của thị trường mới nổi vẫn đang giảm giá. Goldman Sachs và Societe Generale nhận định rằng, các đồng tiền này sẽ tiếp tục giảm giá cho đến khi Fed tạm dừng tăng lãi suất.
Marek Drimal, chiến lược gia của Societe Generale cho biết: “Các loại tiền tệ của thị trường mới nổi sẽ vẫn vững chắc trong thời gian còn lại của năm. Mặc dù rẻ, nhưng chúng sẽ trở nên hấp dẫn chỉ sau khi Fed bước tới giai đoạn cuối cùng của chu kỳ thắt chặt và nếu cùng lúc đó, nền kinh tế toàn cầu hoặc Mỹ tránh được kịch bản hạ cánh khó khăn”.