Đồng đô la tăng giá khiến giá hàng hoá tiếp tục suy yếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá cả hàng hóa tiếp tục sụt giảm do triển vọng kinh tế xấu đi và đồng đô la Mỹ tăng mạnh đang gây áp lực lên giá nguyên liệu thô trên toàn cầu.
Đồng đô la tăng giá khiến giá hàng hoá tiếp tục suy yếu

Hôm thứ Tư (28/9), tất cả mọi thứ hàng hoá từ đồng đến vàng và bông đều giao dịch thấp hơn trong bối cảnh đồng bạc xanh tiếp tục tăng trở lại và triển vọng kinh tế toàn cầu trở nên u ám.

Chỉ số giao ngay hàng hóa Bloomberg cũng đang ở mức thấp nhất kể từ ngày 24/1/2022 và đã giảm khoảng 22% kể từ khi đạt mức cao nhất vào tháng 6/2022 và đã xóa sạch tất cả những mức tăng kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra.

Diễn biến chỉ số giao ngay hàng hóa Bloomberg

Diễn biến chỉ số giao ngay hàng hóa Bloomberg

Trong khi tồn kho toàn cầu đối với nhiều nguyên liệu thô vẫn khan hiếm khi đối mặt với nhu cầu mạnh mẽ, nhưng ngày càng có nhiều lo ngại về khả năng giảm giá của hàng hoá sẽ còn tiếp tục. Các đợt tăng lãi suất chưa từng có của các ngân hàng trung ương nhằm ngăn chặn lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ đang làm dấy lên lo ngại rằng các biện pháp thắt chặt sẽ đẩy các nền kinh tế trên thế giới vào suy thoái. Sự suy giảm sẽ ảnh hưởng đến triển vọng về nhu cầu năng lượng và làm suy giảm khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư.

Đồng đô la đã đạt mức cao kỷ lục khi được thúc đẩy bởi quỹ đạo tăng lãi suất nhanh nhất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) kể từ những năm 1980. Một quan chức cấp cao của chính quyền Biden đã bác bỏ quan điểm cho rằng có thể có một nỗ lực toàn cầu phối hợp để kiềm chế đồng bạc xanh và việc Fed tăng lãi suất hơn nữa đang nằm trong tầm ngắm.

Đó là một triển vọng đã thay đổi bức tranh cho thị trường hàng hóa trong những tháng gần đây.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết: “Việc định giá lại giá hàng hoá rõ ràng là do triển vọng chu kỳ yếu hơn khi đối mặt với việc Fed tăng lãi suất, nền kinh tế EU đang thu hẹp trong cuộc khủng hoảng năng lượng và các đợt đóng cửa của Trung Quốc. Trong suốt quý III năm nay, thanh khoản thị trường đã giảm, biến động gia tăng và niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng hàng hóa tăng giá đã bốc hơi”.

Vàng đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm do chính sách thắt chặt hơn của Fed và cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng của châu Âu đã đẩy đồng tiền của Mỹ lên giá, gây áp lực lên giá kim loại vì chúng được định giá bằng đồng đô la. Lợi suất trái phiếu kho bạc cao hơn cũng đang làm tổn hại đến vàng thỏi và dẫn đến việc các nhà đầu tư từ bỏ kim loại này hàng loạt.

Nhôm - một trong những kim loại cơ bản bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong những tháng gần đây – đã giảm xuống mức thấp nhất trong 19 tháng, với việc cắt giảm đáng kể các nhà máy luyện kim ở châu Âu không bù đắp được nhu cầu sụt giảm.

Dầu thô đang trên đà ghi nhận mức giảm trong quý đầu tiên trong hơn hai năm do lo ngại rằng suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến tiêu thụ năng lượng khi các ngân hàng trung ương tăng chi phí đi vay để kiềm chế lạm phát. Sự sụt giảm của giá dầu đã làm dấy lên suy đoán rằng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) sẽ cắt giảm sản lượng để ngăn chặn đà sụt giảm của giá dầu.

Trên thị trường nông sản, mùa màng của người Mỹ đang gần đến mùa thu hoạch và đồng đô la mạnh có nguy cơ làm suy yếu đơn đặt hàng nông sản trong thời kỳ bán hàng cao điểm, vì ngũ cốc của Mỹ trở nên tương đối đắt hơn ở các quốc gia nhập khẩu. Báo cáo mới nhất của Chính phủ Mỹ cho thấy, doanh số xuất khẩu lúa mì hàng tuần của Mỹ gần đây đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5, trong khi doanh số ngô và đậu nành giảm một nửa.

Giá đậu tương tương lai của Chicago đã giảm phiên thứ 6 liên tiếp vào thứ Tư (28/9), đây là chuỗi giảm giá dài nhất trong hơn một năm qua.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục