Tiếp nối những đóng góp từ trước, Thuỵ Sĩ bổ sung thêm 30 triệu USD để hỗ trợ nỗ lực của IFC giúp cải thiện tiếp cận tài chinh và giảm thiểu trở ngại trong kinh doanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp do phụ nữ đứng đầu, thúc đẩy đầu tư bền vững và tăng trưởng việc làm toàn diện ở các nền kinh tế mới nổi, các nước có thu nhập thấp và chịu ảnh hưởng từ các cuộc xung đột.
Được biết, Cục Kinh tế Liên bang Thuỵ Sĩ (SECO) sẽ cung cấp 20 triệu USD cho IFC trong vòng 6 năm tới để hỗ trợ thiết lập các hành lanh pháp lý cho các giao dịch đảm bảo, thông tin tín dụng, tình trạng mất khả năng thanh toán và các hệ thống điện tử liên quan. Chương trình Hạ tầng Tài chính Toàn cầu này được phát triển trên cơ sở các tiến bộ và kết quả đã đạt được từ quan hệ đối tác giữa IFC và Thuỵ Sĩ trong giai đoạn 2016 - 2021.
Chương trình này đã giúp bổ sung thông tin của thêm 40,8 triệu cá nhân và doanh nghiệp vào hệ thống thông tin tín dụng và tạo điều kiện để 1,4 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận tài chính với tài sản đảm bảo là động sản. Sáng kiến mới này sẽ hỗ trợ thiết lập và mở rộng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các doanh nghiệp do phụ nữ đứng đầu và cá nhân đang gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng.
SECO và IFC cũng đã ký một thoả thuận về khoản đóng góp 10 triệu USD cho Quỹ Dịch vụ Tư vấn Môi trường Đầu tư (Facility for Investment Climate Advisory Service –FIAS) do IFC quản lý. FIAS là quỹ hợp tác giữa IFC, Ngân hàng Thế giới và 12 đối tác phát triển để hỗ trợ các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển – nhất là các nước có thu nhập thấp và bị tác động của các cuộc xung đột – nhằm kiến tạo thị trường, thu hút đầu tư bền vững và thúc đẩy tăng trưởng việc làm toàn diện. SECO là một đối tác dài hạn của IFC và đã đóng góp cho chương trình FIAS từ năm 1996.
Tổng giám đốc điều hành IFC Makhtar Diop cho biết, đầu tư của khu vực tư nhân có ý nghĩa quyết định vì các thị trường mới nổi cần phục hồi sau đại dịch COVID-19 và giảm thiểu tác động của các cuộc khủng hoảng đang diễn ra, từ các cuộc xung đột và biến đổi khí hậu đến gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ủy viên Hội đồng Liên bang, Bộ trưởng Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Thuy Sĩ, Guy Parmelin chia sẻ, đại dịch toàn cầu và khủng hoảng năng lượng đã ảnh hưởng đến mọi thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ - khu vực tạo việc làm chính của hầu hết các quốc gia. Trong bối cảnh khó khăn này, những người làm chính sách cần nỗ lực tạo cân bằng giữa thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo ổn định tài chính.