Vẫn còn những lực cản lớn với kinh tế Mỹ

(ĐTCK) “Giá khí đốt rẻ có thể giúp tăng chi tiêu tiêu dùng”, “Tỷ lệ thất nghiệp giảm có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, “Lãi suất vay thế chấp thấp sẽ khuyến khích hoạt động mua nhà”…
Vẫn còn những lực cản lớn với kinh tế Mỹ

Những yếu tố giả định trên đã không thể giúp kinh tế Mỹ phát triển trong 3 tháng đầu năm 2015 như nhiều chuyên gia nhân định, bởi nền kinh tế này đang phải đối mặt với nhiều lực cản lớn.

Trên thực tế, kinh tế Mỹ chỉ tạo được thêm 126.000 việc làm mới trong tháng Ba vừa qua, bằng một nửa so với dự báo trước đó và là số liệu thấp nhất kể từ tháng 12/2013. Nhiều nhà hàng ăn vẫn giảm thuê mướn nhân viên khi doanh số đặt bàn không tăng nhiều, ngay cả khi giá khí đốt rẻ. Trong khi đó, các hãng chế tạo và xây dựng cũng cắt giảm hàng nghìn nhân công do hoạt động xây dựng yếu và các đơn đặt hàng “trầm lắng”.

Người đứng đầu bộ phận kinh tế vĩ mô tại Oxford Economics, Gregory Daco cho rằng, nếu báo cáo việc làm nói trên được công bố sớm hơn vài ngày, thì có thể nó đã được coi là câu chuyện đùa trong ngày Cá Tháng Tư.

Tuy nhiên, những gì đang diễn ra lại cho thấy một thực tế đáng lo ngại đang hiện diện. Không thể phủ nhận thời tiết khắc nghiệt là nguyên nhân ảnh hưởng đáng kể tới tăng trưởng kinh tế quý I vừa qua, song một số nhà phân tích đã ghi nhận các lực cản khác có thể tác động tới kinh tế Mỹ trong năm nay.

Theo đó, có 5 lực cản khiến kinh tế Mỹ không tăng tốc như kỳ vọng trong 3 tháng đầu năm. 

1. Thời tiết khắc nghiệt

Tại nhiều khu vực của nước Mỹ, người ta cảm thấy mùa Đông như đang kéo dài bất tận. Tuyết rơi và nhiệt độ thấp kéo dài tới cuối tháng Ba vừa qua có thể “đóng băng” tăng trưởng kinh tế. Theo số liệu điều chỉnh theo mùa, tỷ lệ nhà xây mới giảm 17% trong giai đoạn từ tháng 1-3/2015. Người tiêu dùng cũng hạn chế tới các trung tâm mua sắm và đại lý kinh doanh ô tô. Hệ quả là, doanh số bán lẻ giảm trong quý I vừa qua.

Nếu thời tiết là “thủ phạm” chính, thì đó cũng là một lý do để phấn khởi, bởi nó đồng nghĩa với việc nền tảng kinh tế vẫn khỏe mạnh và Mỹ sẽ phục hồi khi mây đen tan và Mặt Trời lại tỏa nắng khi mùa Xuân về. Đây chính xác là những gì đã từng xảy ra đầu năm 2014. 

2. Đồng USD mạnh

Nhiều nhà máy tại Mỹ sản xuất hàng hóa và phân phối chúng khắp thế giới. Tuy nhiên, do kinh tế Mỹ mạnh hơn các đối tác thương mại của mình, xuất khẩu của các công ty Mỹ lại gặp bất lợi khi đồng USD tăng giá. Hàng hóa Mỹ hiện đắt hơn khoảng 20% tại châu Âu so với một năm trước đây, và điều này đã tác động mạnh lên doanh số bán hàng của Mỹ.

Chính vì thế, sức mạnh của kinh tế Hoa Kỳ lại tạo ra một điểm yếu đáng kể cho nước này. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều công ty trì hoãn kế hoạch tuyển dụng thêm nhân công, đặc biệt là các công ty xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu. 

3. Giá dầu biến động

Giá dầu hiện dao động quanh ngưỡng 50 USD/thùng, giảm trên 50% kể từ tháng Sáu năm ngoái. Điều này có nghĩa là lợi nhuận của các doanh nghiệp dầu mỏ bị co lại, nếu không muốn nói là thua lỗ. Trước tình hình này, các tập đoàn dầu khí phản ứng lại bằng cách thu hẹp sản xuất.

Theo công ty cung cấp dịch vụ dầu khí Baker Hughes, số dàn khoan hoạt động tại Mỹ đã giảm một nửa kể từ tháng 10/2014. Hàng loạt công ty dầu mỏ sa thải nhân công, thắt chặt ngân sách và đặt hàng mua sắm ít hơn. Tất cả những nhân tố này ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế nói chung.

Tuy nhiên, giá xăng dầu sụt giảm lại có lợi cho người tiêu dùng. Trưởng nhóm kinh tế tại Northern Trust, Carl Tannenbaum cho rằng, cuối cùng thì người tiêu dùng cũng phản ứng tích cực khi giá khí đốt thấp và đẩy mạnh chi tiêu nhiều hơn. Khi điều này xảy ra, nền kinh tế sẽ khả quan hơn. 


Vẫn còn những lực cản lớn với kinh tế Mỹ ảnh 1

 Số dàn khoan hoạt động tại Mỹ đã giảm một nửa kể từ tháng 10/2014

4. Lương tăng chậm

Người tiêu dùng Mỹ khó có thể chi tiêu mạnh tay nếu lương tăng chậm. Mức tăng lương trung bình năm hiện chỉ ở mức 2,1%. Thêm vào đó, số giờ lao động bình quân cũng giảm trong tháng Ba vừa qua, khiến người lao động nhận lương ít hơn so với tháng Hai.

5. Xu hướng tự động hóa

Nước Mỹ đang trải qua giai đoạn chuyển đổi công nghệ quan trọng. Theo khảo sát của Harvard Business School, gần một nửa công ty được hỏi cho biết, họ sẵn sàng đầu tư vào công nghệ hơn là thuê mướn công nhân. Thậm chí một số nhà tuyển dụng nhỏ cũng chuyển hướng sang công nghệ. Sự thay thế công nghệ có thể phá vỡ liên kết giữa tỷ lệ thất nghiệp giảm và tăng lương cho người lao động tại nước này.       

Việt Khoa (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục