Vàng, dầu tăng vọt, chứng khoán tràn ngập sắc xanh

(ĐTCK) Báo cáo việc làm thất vọng cuối tuần trước của Mỹ làm khả năng Fed lùi thời gian tăng lãi suất là rất cao, khiến đồng USD giảm mạnh và qua đó hỗ trợ cho các thị trường trong phiên đầu tuần. Dầu còn nhận được tin tích cực khi Ả Rập Saudi chính thức tăng giá bán.
Ảnh minh họa: AFP Ảnh minh họa: AFP

Sau báo cáo việc làm thất vọng được công bố hôm thứ Sáu tuần trước, ngay khi bước vào tuần mới, thị trường lại nhận thông tin không mấy tích cực về kinh tế Mỹ. Theo công của Viện Quản lý nguồn cung Mỹ (ISM), tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ của Mỹ giảm trong tháng 3, xuống mức thấp nhất trong 3 tháng.

Chính các dữ liệu trên khiến giới đầu tư cho rằng, khả năng cao Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không tăng lãi suất trong tháng 6, mà sẽ phải hoãn tới cuối năm nay.

Thêm thông tin nữa để nhận định này càng có cơ sở là Chủ tịch Fed New York, ông William Dudley cho biết, Fed sẽ cần phải xác định xem liệu rằng, báo cáo việc làm vừa công bố có phải là một dấu hiệu cho thấy thị trường lao động đang chậm lại đáng kể và ông hy vọng khả năng tăng lãi suất là "tương đối thấp".

Với kỳ vọng này, phố Wall đã tăng điểm khá mạnh ngay khi bước vào tuần giao dịch mới. Ngoài ra, phố Wall còn được hỗ trợ bởi nhóm cổ phiếu năng lượng khi giá dầu thô trong phiên tăng gần 6%.

Kết thúc phiên 6/4, chỉ số Dow Jones tăng 117,61 điểm (+0,66%), lên 17.880,85 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 13,66 điểm (+0,66%), lên 2.080,62 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 30,38 điểm (+0,62%), lên 4.917,32 điểm.

Chứng khoán châu Âu vẫn đang trong thời gian nghỉ lễ.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, báo cáo việc làm kém khả quan của Mỹ cuối tuần trước khiến giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Nhật Bản thận trọng hơn và qua đó khiến chỉ số Nikkei 225 giảm điểm trong phiên đầu tuần. Tuy nhiên, đà giảm được hãm bớt nhờ sự hỗ trợ của Sharp Corp khi hãng này có thông tin hỗ trợ.

Kết thúc phiên 6/4, chỉ số Nikkei 225 giảm 36,5 điểm (-0,19%), xuống 19.398,58 điểm. Chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục nghỉ.

Đúng như dự đoán, việc bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ được công bố hôm thứ Sáu tuần trước thất vọng đã hỗ trợ cho giá vàng. Ngay khi bước vào tuần giao dịch mới, giá kim loại quý này đã tăng vọt hơn 1%, sau đó tiếp tục nới rộng đà tăng, vượt qua ngưỡng 1.200 USD/ounce, lên mức cao nhất gần 1.214 USD/ounce trước khi hạ nhiệt trở lại vào cuối phiên, đóng cửa dưới 1.215 USD/ounce, nhưng vẫn giữ được mức tăng 1% so với phiên đóng cửa hôm thứ Năm tuần trước. Đây cũng là mức đóng cửa cao nhất 6 tuần của kim loại quý này.

Kết thúc phiên 6/4, giá vàng giao ngay tăng 12 USD (+1,00%), lên 1.214,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 17,2 USD/ounce (+1,43%), lên 1.218,6 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 tăng 17,8 USD/ounce (+1,48%), lên 1.218,6 USD/ounce.

George Gero, nhà phân tích kim loại quý thuộc RBC cho biết, dữ liệu viẹc làm yếu hôm thứ Sáu đã hỗ trợ cho đà tăng của vàng.

"Bây giờ, với rất nhiều dữ liệu yếu kém, thực tế là Fed dường như sẽ hoãn thời gian tăng lãi suất vào tháng 9 thay vì tháng 6, qua đó hỗ trợ rất nhiều cho giá vàng", Gero nói.

Trong khi đó, Todd Gordon, nhà phân tích của TradingAnalysis.com cho rằng, vàng đã phá vỡ mức kháng cự quan trọng và đây là nhờ đồng USD yếu.

"Thực sự, giá vàng hôm nay đã xác định xu hướng tăng dài hạn. Mục tiêu tăng tối thiểu của kim loại quý này là lên ngưỡng 1.256 USD/ounce, hơn 3% so với mức hiện nay”, Gordon nhận định.

Trên thị trường dầu mỏ, một báo cáo mới cho biết, Ả Rập Saudi đã nâng giá bán chính thức của mình trên thị trường thế giới. Thông tin này giúp giá dầu thô thế giới tăng vọt gần 6% trong phiên đầu tuần. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, đà tăng của giá dầu không vững, bởi nỗi lo Iran sẽ gia nhập vào nguồn cung thế giới khi nước này được dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận sau thỏa thuận về hạt nhân.

Kết thúc phiên 6/4, giá dầu thô Mỹ tăng 3 USD/thùng (+5,75%), lên 52,14 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 3,17 USD (+5,45%), lên 58,12 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục