Chứng khoán khởi sắc, vàng giảm mạnh phiên đầu tuần

(ĐTCK) Các thị trường chứng khoán từ Âu sáng Mỹ và tới Á đều tăng mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần mới, trong khi đó, sau 2 tuần tăng giá, vàng đã có phiên giảm thứ 2 liên tiếp đầu tuần.
Ảnh minh họa: AFP Ảnh minh họa: AFP

Sau tuần giảm trước đó, phố Wall đã tăng mạnh ngay khi bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới do ảnh hưởng tích cực từ thông tin mua bán sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực dược và sự trở lại của cổ phiếu năng lượng, bất chấp giá dầu tiếp tục giảm giá.

Theo thông tin mới công bố, OptumRx Corp, một đơn vị của UnitedHealth Group đã đồng ý mua lại công ty quản lý dược Catamaran Corp trong một thỏa thuận trị giá 12,78 tỷ USD. Sau thông tin này, cổ phiếu của UnitedHealth, một thành phần của Dow, tăng 2,5%, lên 121 USD, trong khi cổ phiếu của Catamaran tăng 23,8%, lên 59,83 USD.

Toàn bộ 10 chỉ số thành phần của S&P đều tăng điểm, trong đó, chỉ số năng lượng tăng tới 2,1%, bất chấp giá dầu thô giảm nhẹ trong phiên đầu tuần.

Bên cạnh đó, những dấu hiệu chậm lại của nền kinh tế Mỹ trong quý I/2015 cũng khiến giới đầu tư kỳ vọng, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ không sớm tăng lãi suất. Điều này cũng hỗ trợ tâm lý rất lớn cho thị trường.

Kết thúc phiên 30/3, chỉ số Dow Jones tăng 263,65 điểm (+1,49%), lên 17.976,31 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 25,22 điểm (+1,22%), lên 2.086,24 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 56,22 điểm (+1,15%), lên 4.947,44 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, thông tin về M&A cũng giúp chứng khoán khu vực tăng mạnh. Trong khi phố Wall hưởng lợi từ M&A trong lĩnh vực dược, thì chứng khoán châu Âu lại được hưởng lợi từ M&A trong lĩnh vực công nghệ.

Theo thông tin đưa ra, Intel đang đàm phán để mua lại nhà sản xuất chip đồng Altena trong một thỏa thuận có giá trị 10 tỷ USD.

Ngoài ra, Yoox và Richemont của Net-a-Porter cũng khẳng định, họ đang trong cuộc đàm phán để tạo thành công ty dẫn đầu trong ngành công nghiệp thời trang trực tuyến.

Chính các thông tin M&A, cùng gói kích thích kinh tế của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khiến đồng euro giảm trở lại và đẩy chứng khoán khu vực này tăng mạnh trong phiên đầu tuần, lên mức cao mới trong năm, bất chấp nỗi lo về tình hình của Hy Lạp.

Kết thúc phiên 30/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 36,41 điểm (+0,53%), lên 6.891,43 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 217,68 điểm (+1,83%), lên 12.086,01 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 49,46 điểm (+0,98%), lên 5.083,52 điểm.

Trên thị trường châu Á, những động thái từ Trung Quốc giúp chứng khoán khu vực tăng mạnh. Trong một thông báo phát đi hôm đầu tuần, Bắc Kinh tuyên bố các bước cắt giảm thuế nhà ở và các quy định về cho vay để ngăn cản sự sụt giảm trong giá nhà, gây nguy hiểm cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.

Còn cuối tuần trước, Trung Quốc đề xuất hình thành “con đường tơ lụa” mới, kết nối châu Á đến châu Âu và châu Phi, một sáng kiến đầy tham vọng nhằm tạo thành một làn sóng đầu tư mới.

Với các thông tin này, chứng khoán Trung Quốc đại lục đã kéo dài mạnh tăng của minh, thậm chí là tăng rất mạnh trong phiên thứ Hai, lên mức cao nhất 7 năm. Trong đó, nhóm cổ phiếu hạ tầng tăng mạnh nhất khi được kỳ vọng sẽ được hưởng lợi lớn từ sáng kiến đầy tham vọng về “con đường tơ lụa” mới.

Chứng khoán Hồng Kông cũng được hưởng lợi từ các thông tin từ Trung Quốc đại lục và tăng hơn 1,5%, mức tăng trong ngày lớn nhất trong vòng 2 tháng.

Trong khi đó, chứng khoán Nhật Bản cũng bật trở lại trong phiên đầu tuần nhờ lực mua bắt đáy kỹ thuật của các nhà đầu tư sau tuần giảm cuối tuần trước.

Kết thúc phiên 30/3, chỉ số Nikkei 225 tăng 125,77 điểm (+0,65%), lên 19.411,40 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 368,92 điểm (+1,51%), lên 24.855,12 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 95,47 điểm (+2,59%), lên 3.786,57 điểm.

Việc thị trường chứng khoán tăng mạnh đã khiến cho sự hấp dẫn của vàng giảm đi. Dòng tiền đã được rút ra khỏi thị trường kim loại quý để chuyển sang kênh đầu tư hấp dẫn hơn là chứng khoán, khiến vàng có phiên giảm thứ 2 liên tiếp sau mạch tăng 7 phiên liên tiếp trước đó.

Kết thúc phiên 30/3, giá vàng giao ngay giảm 13,4 USD (-1,12%), xuống 1.185 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 13,5 USD/ounce (-1,13%), xuống 1.184,8 USD/ounce.

Dầu có phiên giảm thứ 2 liên tiếp trong phiên đầu tuần khi cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran và 6 cường quốc đang có những tiến bộ. Các bên đang cố gắng để đạt được một thỏa thuận về vấn đề này. Nếu thỏa thuận về vấn đề hạt nhân của Iran được ký kết, lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đạt vào quốc gia hồi giáo này cũng sẽ được gỡ bỏ. Khi đó, lượng cung dầu lớn từ Iran sẽ được bơm vào thị trường, vốn đang đối mặt với nỗi lo dư cung.

Kết thúc phiên 30/3, giá dầu thô Mỹ giảm 0,19 USD/thùng (-0,39%), xuống 48,68 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,12 USD (-0,21%), xuống 56,29 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục