Chứng khoán Mỹ tiếp tục có phiên giao dịch tích cực đầu tuần khi đồng USD giảm tiếp so với các loại tiền tệ mạnh khác. Tuy nhiên, về cuối phiên, áp lực chốt lời và lo ngại về việc đồng USD giảm chỉ mang tính ngắn hạn khiến các chỉ số chính của phố Wall đảo chiều và đóng cửa trong sắc đỏ, trong đó, chỉ số Nasdaq chấm dứt chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp.
Kết thúc phiên 23/3, chỉ số Dow Jones giảm 11,61 điểm (-0,06%), xuống 18.116,04 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,68 điểm (-0,17%), xuống 2.104,42 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 15,44 điểm (-0,31%), xuống 5.010,97 điểm.
Chứng khoán châu Âu đã giảm trở lại trong phiên đầu tuần khi giới đầu tư chốt lời do lo ngại đồng euro tăng trở lại sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp và kinh tế khu vực. Ngoài ra, tình hình Hy Lạp cũng khiến giới đầu tư châu Âu có lý do để lo lắng. Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cho biết, sức ép tiền mặt đối với chính phủ của ông là rất lớn, nên ông đã bắt đầu cuộc gặp với người đồng cấp của Đức, bà Angela Merkel để đàm phán về gói cứu trợ. Trong khi đó, chứng khoán Anh tiếp tục kéo dài chuỗi tăng điểm liên tiếp của mình với những triển vọng tích cực của kinh tế Anh được đưa ra trước đó.
Kết thúc phiên 23/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 75,35 điểm (+1,08%), lên 7.037,67 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 143,53 điểm (-1,18%), xuống 11.895,84 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 32,97 điểm (-0,65%), xuống 5.054,52 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, phiên giao dịch tích cực cuối tuần trước của phố Wall giúp chứng khoán Nhật Bản tăng lên mức cao mới của 15 năm trong phiên đầu tuần mới. Trong khi đó, ngoài ảnh hưởng tích cực của chứng khoán Âu, Mỹ cuối tuần trước, chứng khoán Hồng Kông còn được hưởng lợi từ chứng khoán đại lục để đảo chiều tăng trở lại trong phiên đầu tuần mới. Chứng khoán Trung Quốc đại lục có phiên tăng thứ 9 liên tiếp với kỳ vọng về gói kích thích kinh tế sắp được Bắc Kinh công bố.
Kết thúc phiên 23/3, chỉ số Nikkei 225 tăng 194,14 điểm (+0,99%), lên 19.754,36 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 119,27 điểm (+0,49%), lên 24.494,51 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 70,41 điểm (+1,95%), lên 3.687,73 điểm.
Vàng tiếp tục có phiên tăng thứ 4 liên tiếp sau tuyên bố của Fed hôm thứ Tư tuần tước (18/3) và lên mức cao nhất 2 tuần. Đồng USD giảm chính là yếu tố chính giúp kim loại quý này hồi phục tốt và đang hướng đến các ngưỡng hỗ trợ mạnh được giới phân tích chỉ ra là 1.195 và 1.200 USD/ounce.
Ngoài sự hỗ trợ từ đồng USD giảm, thì tình hình Hy Lạp cũng làm gia tăng vai trò trú ẩn an toàn của vàng. Hiện Chính phủ Hy Lạp đang đối mặt với khả năng thiếu tiền mặt để chi tiêu nếu không đạt được thỏa thuận với các nhà tài trợ. Đức là nước lớn nhất trong khối và cũng là nước có tiếng nói trọng lượng nhất vẫn giữ thái độ nghiêm khắc với Athens. Hôm thứ Hai, để gỡ nút thắt cho tình hình hiện nay và tránh tình trạng vỡ nợ, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã có cuộc gặp với Thủ tước Đức, bà Angela Markel.
Kết thúc phiên 23/3, giá vàng giao ngay tăng 6,9 USD (+0,58%), lên 1.189,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 6 USD/ounce (+0,51%), lên 1.187,7 USD/ounce.
Đồng USD giảm giúp giá dầu thô tiếp tục tăng trong phiên đầu tuần, bất chấp lo ngại về dư cung. Cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran đang có những tiến triển tích cực, nếu các bên đạt được thỏa thuận và phương Tây dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Iran, lượng cung dầu sẽ tăng mạnh. Ngoài ra, Ả Rập Saudi, nước sản xuất dầu lớn nhất trong OPEC cho biết, sẽ tăng sản lượng khai thác lên để giữ thị phần, lên khoảng 10 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu thô lớn thứ 2 thế giới dường như đã mua tích trữ đủ kho dự trữ vào cuối năm ngoái khi giá dầu thô giảm mạnh, vì vậy, nước này cũng sẽ giảm dần đơn đặt hàng, khiến lo ngại về dư thừa nguồn cung càng gia tăng và sức ép khiến giá dầu thô giảm vẫn còn lớn.
Kết thúc phiên 23/3, giá dầu thô Mỹ tăng 0,88 USD/thùng (+1,85%), lên 47,45 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,60 USD (+1,07%), lên 55,92 USD/thùng.