Lo sợ Fed, chứng khoán, vàng cùng giảm điểm

(ĐTCK) Mọi con mắt hiện đang hướng vào cuộc họp của Fed đang diễn ra. Chính những lo lắng về khả năng tăng lãi suất của cơ quan này, nên phố Wall đảo chiều giảm trở lại, vàng có phiên giảm thứ 3 liên tiếp, nhưng may mắn thoát mức thấp nhất 4 tháng.
Ảnh minh họa: AFP Ảnh minh họa: AFP

Theo dữ liệu mới công bố, nhà mới xây dựng của Mỹ giảm mạnh trong tháng 2 do ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt của mùa Đông ở vùng Đông Bắc và Trung Tây. Bộ Thương mại Mỹ cho biết, các nhà xây dựng đã xây dựng số lượng căn nhà mới được điều chỉnh theo mùa là 897.000 căn nhà trong tháng 2, giảm 17% so với tháng Giêng.

Hiện Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang trong cuộc họp kéo dài 2 ngày, kết thúc vào thứ Tư (18/3) để bàn về chính sách tiền tệ. Với dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp khả quan được công bố trước đó, nhiều người dự báo rằng, Fed sẽ bỏ từ “kiên nhẫn” để tăng lãi suất lần đầu tiên sau gần 7 năm vào tháng 6 này.

Chính lo ngại này, cùng với giá dầu thô tiếp tục giảm đã khiến phố Wall đảo chiều sau phiên khởi sắc hôm thứ Ba. Giới đầu tư đang dồn sự chú ý vào cuộc họp báo của Chủ tịch Fed, Janet Yellen vào chiều thứ Tư (18/3) theo giờ Mỹ để công bố về kết quả cuộc họp của Fed.

Kết thúc phiên 17/3, chỉ số Dow Jones giảm 128,34 điểm (-0,71%), xuống 17.849,08 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 6,91 điểm (-0,33%), xuống 2.074,28 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 7,93 điểm (-0,16%), lên 4.937,43 điểm.

Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng rút lui từ mức cao nhất 7 năm rưỡi trong phiên thứ Tư khi doanh số bán thấp và cuộc khảo sát niềm tin người tiêu dùng của Đức đáng thất vọng.

Số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô châu Âu (ACEA) cho biết, số xe đăng ký mới ở châu Âu tăng 7% trong tháng 2, chủ yếu được thúc đẩy với mức tăng 2 con số ở Ý và Tây Ban Nha. Tuy nhiên, theo số liệu vừa công bố, doanh số bán xe của Peugeot chỉ tăng 1,1% trong tháng 2, thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng. Sau khi con số này được công bố, cổ phiếu của Peugeot giảm mạnh, phần nào tác động tới chứng khoán khu vực.

Thêm vào đó, chứng khoán châu Âu còn chịu tác động tiêu cực từ niềm tin tiêu dùng của Đức. Cuộc khảo sát của Viện ZEW cho biết, chỉ số niềm tin tiêu dùng của Đức trong tháng 3 tăng lên mứ 54,8 từ mức 53 của tháng 2, thấp hơn rất nhiều so với mức dự báo 58,2 của Reuters. ZEW cảnh báo, sự thiếu tiến bộ trong các cuộc đàm phán giải quyết khủng hoảng nợ của Hy Lạp và căng thẳng Ukraine chính là yếu tố khiến giảm niềm tin người tiêu dùng Đức.

Kết thúc phiên 17/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 33,53 điểm (+0,49%), lên 6.837,61 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 186,87 điểm (-1,54%), xuống 11.980,85 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 32,23 điểm (-0,64%), xuống 5.028,93 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, nhờ ảnh hưởng tích cực từ chứng khoán Mỹ và châu Âu phiên thứ Ba và kỳ vọng vào việc tăng lợi tức từ các công ty của Nhật, chứng khoán Nhật Bản đã tăng mạnh trong phiên thứ Tư, đóng cửa ở mức cao nhất 15 năm.

Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông đảo chiều giảm trở lại khi những lo ngại về khả năng Fed tăng lãi suất lấn át lạc quan từ đại lục. Chứng khoán Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh với kỳ vọng về khả năng nước này tung gói kích thích kinh tế theo thông điệp của Thủ tướng Lý Khắc Cường đưa ra trước đó.

Kết thúc phiên 17/3, chỉ số Nikkei 225 tăng 190,94 điểm (+0,99%), lên 19.437 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 48,06 điểm (-0,20%), xuống 23.901,49 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 53,54  điểm (+1,55%), lên 3.502,85 điểm.

Giá vàng chịu tác động từ cuộc họp của Fed. Sau khi giảm mạnh xuống thấp nhất 4 tháng vào buổi sáng trong phiên Mỹ, lực cầu bắt đáy giúp giá vàng hồi mạnh trở lại sau đó, nhưng cũng rất nhanh chóng, giá kim loại quý này đảo chiều trở lại và đóng cửa với phiên giảm thứ 3 liên tiếp.

Kết thúc phiên 17/3, giá vàng giao ngay giảm 5,7 USD (-0,49%), xuống 1.148,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 5 USD/ounce (-0,43%), xuống 1.148,2 USD/ounce.

Trong khi đó, dầu tiếp tục giảm sau khi cố gắng hồi phục trở lại từ mức thấp nhất 6 năm khi áp lực bội cung vẫn còn bám theo nhà đầu tư.

Kết thúc phiên 17/3, giá dầu thô Mỹ giảm 0,42 USD/thùng (-0,97%), xuống 43,46 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,01 USD (-0,02%), xuống 53,43 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục