Cổ phiếu ngân hàng kéo chứng khoán tăng mạnh trở lại

(ĐTCK) Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh đã giúp phố Wall hồi phục mạnh trong phiên thứ Năm, trong khi vàng vẫn chưa thể có được phiên phục hồi đúng nghĩa. Giá dầu lại giảm mạnh trở lại do lực bán tháo diễn ra trong phiên thứ Năm.
Ảnh minh họa: AFP Ảnh minh họa: AFP

Trong tuần này, phố Wall không có thông tin kinh tế nào quá quan trọng tác động như dữ liệu việc làm công bố cuối tuần trước. Dù vậy, vẫn có những thông tin kinh tế được công bố trong tuần. Theo dữ liệu vừa được Bộ Thương mại Mỹ công bố, doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 2 giảm 0,6% sau khi đã giảm 0,8% trong tháng trước, nhưng tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Mức giảm này đến từ việc doanh số bán xe giảm mạnh nhất trong vòng 1 năm, bất chấp giá xăng dầu giảm. Người Mỹ cũng tiết kiệm hơn khi đã dành nhiều thời gian ăn uống ở nhà hơn là đến đến nhà hàng, cửa hàng như trước.

Đây là dữ liệu kinh tế quan trọng cuối cùng trước cuộc họp chính sách của Fed. Trong phiên thứ Năm, đồng euro đã tăng lại 0,5% so với đồng USD lên mức hơn 1,06 USD, trong khi đồng USD giảm xuống 121,37 JPY.

Diễn biến trên giúp phố Wall hồi phục trở lại trong phiê thứ Năm. Tuy nhiên, lý do giúp phố Wall bùng nổ trong phiên này lại đến từ nhóm cổ phiếu tài chính sau khi một số ngân hàng được Fed cho phép tăng cổ tức trả cho cổ đông và mua lại cổ phiếu. Cụ thể, Citigroup sẽ mua lại 7,8 tỷ USD cổ phiếu và tăng cổ tức từ 1 cent lên 5 cent/cổ phiếu. Morgan Stanley mua lại 3,1 tỷ USD cổ phiếu và tăng cổ tức từ 10 cent lên 15 cent/cổ phiếu. Sau thông tin này, giá cổ phiếu của Citigroup tăng 1,57% và Morgan Stanley tăng 6%, châm ngòi cho sự bùng nổ của cổ phiếu tài chính, qua đó giúp phố Wall hồi phục mạnh mẽ.

Kết thúc phiên 12/3, chỉ số Dow Jones tăng 259,83 điểm (+1,47%), lên 17.895,22 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 25,71 điểm (+1,26%), lên 2.065,95 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 43,35 điểm (+0,89%), lên 4.893,29 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, mùa công bố kết quả kinh doanh khả quan tiếp tục tiếp sức mạnh cho thị trường, giúp chứng khoán châu Âu lên mức cao nhất 7 năm. Theo dữ liệu của Thomson Reuters, các công ty có sự gia tăng 15,9% trong lợi nhuận hàng quý nhờ được hưởng lợi từ việc đồng euro yếu, mức lớn nhất kể từ giữa năm 2011 và vượt xa mức tăng 6,8% của các doanh nghiệp Mỹ.

Tuy nhiên, dữ liệu kinh tế trái chiều được công bố khiến áp lực chốt lời diễn ra, kéo chứng khoán Đức và Pháp điều chỉnh. Theo dữ liệu vừa được công bố, sản lượng sản xuất công nghiệp của EU giảm 0,1% trong tháng 1 so với tháng 12/2014, nhưng tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước.

Kết thúc phiên 12/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 39,56 điểm (+0,59%), lên 6.761,07 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 6,6 điểm (-0,06%), xuống 11.799,39 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 10,42 điểm (-0,21%), xuống 4.987,33 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản có phiên tăng mạnh nhất trong tháng khi hy vọng Toyota Corp sẽ tăng lương, khi đó sẽ giúp lan tỏa sang các công ty khác. Tăng lương chính là một trong những chiến lược của Chính phủ Nhật Bản để kích thích tiêu dùng, giúp nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này thoát khỏi thập kỷ giảm phát.

Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông cũng đã hồi phục trở lại sau chuỗi phiên giảm liên tiếp. Chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng có phiên tăng mạnh. Đà tăng của 2 thị trường này cũng nhờ sự hỗ trợ của nhóm ngân hàng, khi nhà đầu tư hy vọng kế hoạch của Bắc Kinh cho phép chính quyền địa phương hoán đổi những khoản nợ lãi suất cao sẽ cải thiện chất lượng tài sản cho vay tại Trung Quốc.

Kết thúc phiên 12/3, chỉ số Nikkei 225 tăng 267,59 điểm (+1,43%), lên 18.991,11 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 79,99 điểm (+0,34%), lên 23.797,96 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 58,42  điểm (+1,78%), lên 3.349,32 điểm.

Vàng có sự hồi phục khá tốt trong đầu phiên châu Á và châu Âu nhờ lực cầu bắt đáy, tuy nhiên giá kim loại quý này đã điều chỉnh và có phiên giảm thứ 9 liên tiếp khi bước vào phiên giao dịch Mỹ do đồng USD hồi dần vào cuối phiên, cũng như dữ liệu doanh số bán lẻ của Mỹ được công bố.

Kết thúc phiên 12/3, giá vàng giao ngay giảm 1,2 USD (-0,1%), xuống 1.152,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 1,3 USD/ounce (+0,11%), lên 1.151,9 USD/ounce.

Giá dầu thô lại chứng kiến đợt bán tháo trong phiên thứ Năm, kéo giá dầu thô Mỹ mất gần 2,4% và dầu thô Brent cũng giảm gần 1%.

Kết thúc phiên 12/3, giá dầu thô Mỹ giảm 1,12 USD/thùng (-2,38%), xuống 47,05 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,46 USD (-0,81%), xuống 57,08 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục