Đồng USD hồi phục trở lại khiến dầu và các loại hàng hóa khác định giá bằng đồng bạc xanh giảm, qua đó tác động đến thị trường chứng khoán. Phố Wall cũng đảo chiều giảm, mất đi khoảng 50% những gì đã có được trong phiên trước sau tuyên bố của Fed về việc chưa tăng lãi suất trong tháng 6.
Các nhà phân tích cho rằng, lãi suất sẽ tăng chậm hơn dự kiến và thị trường đã phản ứng tích cực trong phiên trước đó, hiện giới đầu tư đang tự hỏi điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Theo dữ liệu vừa công bố trong phiên thứ Năm, thất nghiệp của Mỹ lần đầu tăng nhẹ trong tuần qua, cho thấy thị trường lao động vẫn vững chắc. Tăng trưởng của Mỹ đã chậm lại trong quý I, chủ yếu do ảnh hưởng bởi mùa Đông khắc nghiệt và đồng USD mạnh, nhưng nhiều nhà phân tích nhìn thấy một triển vọng lạc quan trong quý II. Triển vọng kinh tế Mỹ tốt hơn sẽ hỗ trợ cho đồng USD và quyết định tăng lãi suất không phài là lý do duy nhất khiến đồng USD tăng giá.
Kết thúc phiên 19/3, chỉ số Dow Jones giảm 117,16 điểm (-0,65%), xuống 17.959,03 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 10,23 điểm (-0,49%), xuống 2.089,27 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 9,55 điểm (+0,19%), lên 4.992,38 điểm.
Chứng khoán châu Âu tiếp tục lình xình trong phiên thứ Năm. Trong khi chứng khoán Anh duy trì đà tăng với triển vọng tích cực của kinh tế Vương quốc Anh, nhưng mức tăng của chỉ số FTSE 100 chỉ còn mức tăng khiêm tốn. Chứng khoán Đức tiếp tục giảm điểm do chịu ảnh hưởng của một vài bluechip sau khi dự báo triển vọng kinh doanh kém khả quan.
Kết thúc phiên 19/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 17,12 điểm (+0,25%), lên 6.962,32 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 23,37 điểm (-0,20%), xuống 11.899,40 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 3,76 điểm (+0,07%), lên 5.037,18 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản điều chỉnh từ mức cao hơn 15 năm do áp lực chốt lời. Kỳ vọng vào triển vọng của nền kinh tế trong nước giúp chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh trong tuần, lên mức cao nhất hơn 15 năm trong phiên 18/3. Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài cũng mua ròng lớn nhất trên thị trường chứng khoán Nhật Bản trong 3 tháng, với giá trị mua ròng 306,2 tỷ yên trong tuần từ 9-13/3.
Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông có phiên tăng mạnh với các tin tốt liên tiếp như kỳ vọng gói kích thích của Trung Quốc và thông tin tích cực từ chứng khoán Mỹ phiên trước đó, trong khi chứng khoán Trung Quốc đại lục đã hãm bớt nhiệt sau chuỗi tăng mạnh liên tiếp với kỳ vọng sẽ có gói kích thích kinh tế.
Kết thúc phiên 19/3, chỉ số Nikkei 225 giảm 67,92 điểm (-0,35%), xuống 19.476,56 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 348,81 điểm (+1,45%), lên 24.468,89 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 4,97 điểm (+0,14%), lên 3.582,27 điểm.
Trên thị trường vàng, thông tin từ cuộc họp của Fed đưa ra trước đó tiếp tục có tăng động tích cực tới giá kim loại quý. Dù không còn tăng mạnh như phiên thứ Tư, nhưng vàng tiếp tục có phiên tăng thứ 2 liên tiếp, vượt qua ngưỡng 1.170 USD/ounce, bất chấp đồng USD hồi phục trở lại.
Kết thúc phiên 19/3, giá vàng giao ngay tăng 4,1 USD (+0,35%), lên 1.171,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 17,7 USD/ounce (+1,54%), lên 1.169,0 USD/ounce.
Đồng USD hồi phục trở lại sau phiên giảm mạnh nhất hơn 6 năm, cũng như phát biểu về việc OPEC không giảm sản lượng để giữ thị phần khiến giá dầu giảm trở lại sau phiên tăng mạnh trước đó.
Kết thúc phiên 19/3, giá dầu thô Mỹ giảm 0,7 USD/thùng (-1,59%), xuống 43,96 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,48 USD (-2,72%), xuống 54,43 USD/thùng.