Chứng khoán bị bán tháo, vàng tăng phiên thứ 6 liên tiếp

(ĐTCK) Chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ do lực bán tháo diễn ra trên diện rộng trong phiên thứ Tư. Trong khi đó, vàng dù có những rung lắc, nhưng vẫn duy trì được đà tăng của mình lên phiên thứ 6 liên tiếp.
Ảnh minh họa: AFP Ảnh minh họa: AFP

Đồng USD tiếp tục giảm khi một báo cáo của Chính phủ Mỹ trước đó cho thấy sự sụt giảm đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền. Việc đồng bạc xanh giảm đã phần nào hỗ trợ cho chứng khoán vì giảm bớt những lo ngại rằng, đà tăng mạnh của USD sẽ làm tổn thương lợi nhuận doanh nghiệp. Tuy nhiên, với những đánh giá dài hạn rằng, phố Wall đang giao dịch ở gần mức cao kỷ lục, cùng khả năng Fed tăng lãi suất còn lớn, khiến giới đầu tư ồ ạt bán ra, đặc biệt là  cổ phiếu công nghệ và công nghệ sinh học bị bán tháo, kéo phố Wall có phiên giảm mạnh. Trong đó, Nasdaq có phiên giảm mạnh nhất trong 1 năm, trong kh S&P 500 đánh mất ngưỡng hỗ trợ gần 2.085, tạo tâm lý bi quan cho giới đầu tư, tiếp tục đẩy chỉ số này giảm mạnh hơn nữa và xuống dưới đường trung bình 50 ngày 2.067 khi đóng cửa phiên.

Kết thúc phiên 25/3, chỉ số Dow Jones giảm 292,6 điểm (-1,62%), xuống 17.718,54 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 30,45 điểm (-1,46%), xuống 2.061,05 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 118,21 điểm (-2,37%), xuống 4.876,52 điểm.

Dữ liệu hôm thứ Tư cho thấy, niềm tin kinh doanh của Đức tăng tháng thứ 5 liên tiếp trong tháng 3, mức cao nhất kể từ tháng 7/2014, trong khi niềm tin kinh doanh của Pháp cũng đứng ở mức cao nhất trong gần 3 năm trong tháng này. Dù nhận được các thông tin khả quan, nhưng áp lực bán tháo cổ phiếu công nghệ sinh học trên thị trường chứng khoán Mỹ đã lây lan sang chứng khoán châu Âu, khiến các thị trường chính của khu vực này cũng quay đầu giảm mạnh cuối phiên.

Bên cạnh đó, vụ tai nạn máy bay A320 của Hãng hàng không Germenwings khiến cổ phiếu của Airbus và Lufthansa giảm mạnh, cũng ảnh hưởng tiêu cực tới chứng khoán khu vực.

Kết thúc phiên 25/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 28,71 điểm (-0,41%), xuống 6.990,97 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 140,37 điểm (-1,17%), xuống 11.865,32 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 67,29 điểm (-1,32%), xuống 5.020,99 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Trung Quốc đã chấm dứt chuỗi 10 phiên tăng liên tiếp, chuỗi tăng điểm dài nhất kể từ năm 1992 do lo ngại đà tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này. Dữ liệu vừa công bố hôm thứ Ba chính là tín hiệu mới nhất báo hiệu điều này. Theo đó, chỉ số PMI trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc trong tháng 3 giảm xuống mức thấp nhất 11 tháng và cũng là mức dưới 50, báo hiệu sự sụt giảm. Nhiều khả năng, Bắc Kinh sẽ đưa ra gói kích thích để hỗ trợ kinh tế và chính kỳ vọng này đã giúp chỉ số Shanghai Composite có chuỗi tăng ấn tượng vừa qua.

Trong khi đó, chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông hồi nhẹ trở lại trong phiên thứ Tư, nhưng rất hạn chế do giới đầu tư lo ngại về mặt kỹ thuật. Trên thị trường Hồng Kông, trong khi nhóm cổ phiếu bất động sản tăng giá, thì nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhất là các ngân hàng Trung Quốc đại lục niêm yết tại đây sụt giảm mạnh khi Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc công bố lợi nhuận sụt giảm 4% trong quý IV/2014, trong khi nợ xấu tăng lên.

Kết thúc phiên 25/3, chỉ số Nikkei 225 tăng 32,8 điểm (+0,17%), lên 19.746,2 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 128,63 điểm (+0,53%), lên 24.528,23 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 30,68 điểm (-0,83%), xuống 3.660,73 điểm.

Trên thị trường kim loại quý, dù có những thời điểm rung lắc, nhưng với dữ liệu về đơn đặt hàng lâu bền của Mỹ không khả quan, đồng USD giảm trở lại đã hỗ trợ để vàng duy trì phiên tăng thứ 6 liên tiếp, dù mức tăng khá khiêm tốn.

Đúng như nhận định của giới phân tích, vàng đang gặp thử thách lớn tại ngưỡng cản 1.200 USD. Trong phiên thứ Tư, giá kim loại quý này khi nhận thông tin hỗ trợ về dữ liệu kinh tế yếu của Mỹ và đồng USD giảm, đã bứt phá, lên sát ngưỡng 1.200 USD/ounce. Tuy nhiên, vàng không thể tiến tiếp mà bị đẩy lùi trở lại đóng cửa ở mức gần thấp nhất trong phiên Mỹ, nhưng may mắn vẫn giữ được đà tăng giá của mình.

Trước đó, với những lo lắng về khả năng Fed tăng lãi suất trong cuộc họp giữa tháng 3, vàng đã có chuỗi 9 phiên giảm liên tiếp và trong 12 phiên giao dịch của mình, giá kim loại quý này đã có tới 11 phiên giảm giá trước khi hồi phục đi lên từ ngày 18/3 sau tuyên bố của Fed chưa tăng lãi suất.

Kết thúc phiên 25/3, giá vàng giao ngay tăng 1,9 USD (+0,16%), lên 1.195,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 5,6 USD/ounce (+0,47%), lên 1.197,0 USD/ounce.

Đồng USD giảm cũng hỗ trợ cho giá dầu trong phiên thứ Tư. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng ở Yemen, làm lo ngại sự an toàn của các chuyến hàng vận chuyển từ Trung Đông, cùng với đó, lực mua đầu cơ giúp giá dầu hồi mạnh hơn 3% trong phiên này.

Kết thúc phiên 25/3, giá dầu thô Mỹ tăng 1,70 USD/thùng (+3,45%), lên 49,21 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,37 USD (+2,43%), lên 56,48 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục