Dữ liệu việc làm kém khả quan, vàng, chứng khoán sẽ có biến tuần tới

(ĐTCK) Bảng lương phi nông nghiệp tháng 3 của Mỹ vừa được công bố ở mức thấp nhất 1 năm qua được dự báo sẽ đem đến cho thị trường chứng khoán, vàng những biến động lớn trong phiên giao dịch đầu tuần sau.
Ảnh minh họa: AFP Ảnh minh họa: AFP

Trong ngày thứ Sáu (3/4), dữ liệu quan trọng nhất của kinh tế Mỹ và được giới đầu tư toàn cầu theo dõi sát sao, dù là ngày nghỉ Lễ Phục sinh là bảng lương phi nông nghiệp tháng 3. Theo Bộ Lao động Mỹ, bảng lương phi nông nghiệp tháng 3 của Mỹ chỉ tăng thêm 126.000 việc làm, mức thấp nhát 1 năm và chưa bằng một nửa con số của tháng 2 và thấp hơn rất nhiều so với mức dự báo của các nhà kinh tế là 245.000. Số việc làm của tháng 2 của và tháng Giêng cũng đã được điều chỉnh thấp hơn tổng cộng 69.000 việc làm. Đồng thời, tỷ lệ thất nghiệp vẫn không thay đổi ở mức 5,5%.

Dữ liệu yếu kém trong bảng lương phi nông nghiệp tháng 3 đã được dự báo trước khi bảng lương trong khu vực tư nhân ADP được công bố 2 ngày trước kém khả quan. Tuy nhiên, đứng ở mức thấp như con số vừa công bố thì nằm ngoài dự báo của các nhà kinh tế.

Con số này sẽ đem đến những biến động lớn cho các thị trường khi nhiều khả năng Fed sẽ phải hoãn kế hoạch tăng lãi suẩt của mình tới cuối năm.

"Bây giờ thời gian cho việc tăng lãi suất có thể được trì hoãn đến tháng 9, thậm chí là đến tháng 12. Khả năng tăng lãi suất trong tháng 6 đã bị loại bỏ, trừ khi nền kinh tế và thị trường việc làm có đột biến ", Sung Won Sohn, GS kinh tế tại trường Channel Islands, thuộc Đại học California State nói.

Tuy nhiên, do ngày thứ Sáu, các thị trường nghỉ Lễ Phục sinh, nên thông tin này chỉ có thể tác động vào đầu tuần sau.

Trước đó, trong phiên giao dịch thứ Năm, đúng dư dự đoán của các nhà phân tích, các thị trường đều giao dịch chậm do nhà đầu tư thận trọng trước dữ liệu quan trọng sắp được công bố. Dù vậy, dự báo về bảng lương phi nông nghiệp không khả quan và Fed có thể hoãn kế hoạch tăng lãi suất đã giúp phố Wall hồi phục nhẹ trở lại trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước khi bước vào 3 ngày nghỉ.

Kết thúc phiên 2/4, chỉ số Dow Jones tăng 65,06 điểm (+0,37%), lên 17.763,24 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 7,27 điểm (+0,35%), lên 2.066,96 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 6,71 điểm (+0,14%), xuống 4.880,23 điểm.

Phiên tăng nhẹ cuối tuần đã đủ sức giúp phố Wall có tuần tăng điểm trở lại. Cụ thể, trong tuần, Dow Jone và S&P 500 cùng tăng 0,29%, trong khi Nasdaq vẫn chịu giảm 0,22%.

Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng có phiên giao dịch ít biến động trước kỳ nghỉ lễ.

Kết thúc phiên 2/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 23,96 điểm (+0,35%), lên 6.833,46 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 33,99 điểm (-0,28%), xuống 11.967,39 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 11,92 điểm (+0,24%), lên 5.074,14 điểm.

Trong tuần trong khi chỉ số FTSE 100 tiếp tục giảm 0,31%, thì chỉ số DAX vả CAC 40 đã tăng trở lại với mức tăng lần lượt là 0,83% và 0,8%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản đã hồi phục trở lại nhờ lực cầu bắt đáy sau phiên giảm mạnh trước đó. Tuy nhiên, lực mua vẫn còn thận trọng khi nhà đầu tư đang chờ đợi dữ liệu việc làm của Mỹ. Trong khi đó, vượt qua nỗi lo bội cung từ các đợt IPO sắp tới, chứng khoán Trung Quốc đã tăng mạnh và leo lên mức cao 7 năm mới trong phiên cuối tuần, qua đó kích thích chứng khoán Hồng Kông tăng theo.

Kết thúc phiên 3/4, chỉ số Nikkei 225 tăng 122,29 điểm (+0,63%), lên 19.435,08 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 192,89 điểm (+0,77%), lên 25.275,64 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 38,15 điểm (+1,00%), lên 3.863,93 điểm.

Trên thị trường vàng, sau khi dữ liệu việc làm ADP được công bố, giá vàng đã tăng vọt lên 1.208,8 USD/ounce, nhưng trong phiên thứ Năm, giá kim loại quý này đi ngang và hạ nhiệt trở lại sau khi Bộ Lao động Mỹ cho biết, tỷ lệ thất nghiệp hàng tuần đã giảm xuống 268.000, mức thấp nhất gần 15 năm.

Kết thúc phiên 2/4, giá vàng giao ngay giảm 1,1 USD (-0,09%), xuống 1.202,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 6,7 USD/ounce (-0,55%), xuống 1.201,4 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 0,3%, còn giá vàng giao tháng 4 cũng tăng nhẹ 0,26%. Đây là tuần tăng thứ 3 liên tiếp của giá vàng, bất chấp kim loại quý này có 3 phiên giảm liên tiếp, trong đó có 2 phiên giảm đầu tuần.

Nhận định về xu hướng giá vàng trong tuần mới, các nhà phân tích có cái nhìn khá khác nhau.

Bart Melek, chiến lược gia trưởng bộ phân hàng hóa tại TD Securities cho biết, thị trường đã có phản ứng trước khi bảng lương ADP được công bố, nên giá kim loại quý sẽ ít biết động trước dữ liệu việc làm vừa công bố.

Các nhà phân tích từ HSBC cũng cho rằng, do đã có phản ứng với dữ liệu trước đó, vàng sẽ không thể có được một cú hích từ dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp vừa công bố.

Trong khi đó, các nhà phân tích từ Commerzbank lại hy vọng vàng sẽ tăng trong ngắn hạn khi dữ liệu việc làm yếu kém.

Melek cho rằng, trong ngắn hạn, vàng có thể đấu tranh để phá vỡ mức kháng cự 1.200 USD/ounce như đường trung bình 100 ngày để có thể hướng tới ngưỡng kháng cự mới.

"Trong ngắn hạn, tôi nghĩ rằng, xu hướng của giá vàng là giảm, nhưng nếu nhận được dữ liệu yếu hơn, giá kim loại quý này có thể dễ dàng trở lại ngưỡng 1.200 USD/ounce," ông nói.

Còn theo Preston, bà sẽ xem thị trường chứng khoán và đồng USD để xác định xu hướng của vàng. Trong thời gian gần, bà nhận thấy xu hướng tích cực của giá vàng và giá kim loại quý này có thể tăng cao hơn vào cuối tháng.

"Tôi không nhìn thấy nhiều cơ hội để đồng USD và chứng khoán tăng cao hơn và tôi nghĩ rằng, đó là 2 yếu tố tích cực cho giá vàng", Preston nói.

Trong khi đó, các nhà kinh tế tại Nomura cho biết, họ sẽ chú ý nhiều hơn đến biên bản cuộc họp tháng 3 của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC).

"Biên bản FOMC sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc vào những thay đổi trong báo cáo của FOMC, và dự báo kinh tế, cũng như khả năng tăng lãi suất của Fed. Chúng tôi sẽ tìm kiếm những lý do đằng sau những thay đổi này để cung cấp cho chúng ta cái nhìn sâu sắc thêm về con đường chính sách trong tương lai", các nhà phân tích của Nomura đánh giá.

Trên thị trường năng lượng, thông tin tích cực từ cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân khiến giá dầu giảm mạnh trở lại trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần (thứ Sáu thị trường nghỉ ngày lễ Phục sinh), nhất là giá dầu thô Brent.

Kết thúc phiên 2/4, giá dầu thô Mỹ giảm 0,95 USD/thùng (-1,93%), xuống 49,14 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,15 USD (-3,91%), xuống 54,95 USD/thùng.

Trong tuần, trong khi giá dầu thô theo chuẩn Mỹ tăng 0,55%, thì giá dầu thô Brent giảm 2,59%.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục