So với luật hiện hành, Dự thảo bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân, nội dung được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm.
Khi lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật cũng như thảo luận tại Quốc hội, vấn đề này vẫn có 2 luồng ý kiến. Nhìn chung, nhiều ý kiến đồng tình với việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân, nhưng vẫn có ý kiến cho rằng, đây là vấn đề mới, cần có bước đi phù hợp. Trước mắt, chỉ nên tập trung vào 15 tội danh thuộc nhóm tội phạm về kinh tế, môi trường, rửa tiền, tài trợ khủng bố. Đáng chú ý, có ý kiến cho rằng, cần mở rộng nhóm tội danh mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự.
Cho rằng việc quy định này đã được cân nhắc kỹ trên tình trạng pháp nhân vi phạm phổ biến và mức độ vi phạm nghiêm trọng, do đó, cần chọn lựa những hành vi vi phạm cần phải bị xử lý về hình sự, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, trên cơ sở ý kiến của đa số nhân dân và đại biểu, qua rà soát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến quy định phạm vi trách nhiệm của pháp nhân gồm 40 tội danh như quy định tại Điều 76, trong đó có tội buôn lậu, tội sản xuất, buôn bán hàng giả, tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ.
Pháp nhân cũng phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 3 tội danh trên thị trường chứng khoán, gồm tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán; tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; tội thao túng thị trường chứng khoán.
Ủng hộ việc quy định pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự, đại biểu Thân Đức Nam (TP. Đà Nẵng) nhấn mạnh sự cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phòng, chống vi phạm pháp luật của pháp nhân, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc áp dụng chế tài.
“Quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân sẽ là công cụ hữu hiệu để pháp nhân không ngừng giữ gìn uy tín của pháp nhân hoạt động hợp pháp, tôn trọng lợi ích hợp pháp của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Bên cạnh đó, cũng để những người đại diện pháp nhân, người quản lý điều hành pháp nhân, nhân viên của pháp nhân nêu cao trách nhiệm đối với pháp nhân nhằm đảo bảo sự tồn tại và phát triển của pháp nhân”, đại biểu Thân Đức Nam nói.
Ông Nam cũng cho rằng, theo Điều 76 của dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, các tội mà pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự là các tội thuộc lĩnh vực kinh tế, môi trường, phần lớn do các pháp nhân kinh tế thực hiện. Vì vậy, để đảm bảo tính khả thi, tính cụ thể, tránh bỏ lọt tội phạm, đề nghị quy định rõ những pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự là doanh nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu.
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), đại biểu Nguyễn Thành Bộ (Thanh Hóa) cũng tán thành việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, nhưng còn băn khoăn về quyền lợi người lao động khi pháp nhân phải giải thể, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, do đó, cần có quy định để bảo vệ người lao động. Cũng có đại biểu đề nghị cần xác định rõ phạm vi tổ chức có thể phải chịu trách nhiệm hình sự cũng như điều kiện phạm vi các tội phạm mà pháp nhân có thể phải chịu trách nhiệm hình sự và đề nghị chú trọng hình phạt tài sản đối với pháp nhân.
Dù vậy, tại phiên thảo luận hội trường ngày 30/10, một số đại biểu vẫn có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định buộc pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự. Đại biểu Nguyễn Minh Khai (Cần Thơ) đề nghị xem xét lại vấn đề này, từ trước đến nay, việc xử lý vi phạm của pháp nhân bằng các biện pháp hành chính dân sự cơ bản đảm bảo phòng chống tội phạm như tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn, bồi thường toàn bộ thiệt hại.
Theo đại biểu công tác phòng chống tội phạm pháp nhân thời gian qua chưa cao là do thi hành pháp luật chưa nghiêm, vì vậy, cần khắc phục ở chỗ tăng cường hiệu quả công tác thi hành án. Cùng một vụ án, có thể cả pháp nhân và cá nhân đều phải chịu trách nhiệm hình sự, vậy phạm vi, mức độ chịu trách nhiệm như thế nào, tòa án phán quyết ra sao, trong dự thảo chưa giải quyết thỏa đáng. Nếu tố tụng phức tạp kéo dài sẽ ảnh hưởng đến nhiều vần đề hoạt động của pháp nhân doanh nghiệp, xã hội và nền kinh tế.
Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) thì cho rằng, đúng là cần quy định việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, không loại trừ trách nhiệm hình sự cá nhân, nhưng lo ngại trong xử lý tội phạm cụ thể vẫn có thể có vướng mắc. Dự thảo quy định khi có đủ 3 điều kiện: hành vi phạm tội nhân danh pháp nhân được thực hiện vì lợi ích pháp nhân có sự chỉ đạo điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân. Như vậy, nếu đã thỏa mãn 3 điều kiện này thì truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, còn cá nhân có thẩm quyền trong pháp nhân phạm tội sẽ được truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào?
Dự kiến ngày 25/11 tới đây, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự luật này.