"NHNN xử lý VNCB dựa trên 4 Luật: Luật NHNN, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật phá sản và Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Việc NHNN mua lại VNCB không phải là "quốc hữu hóa" ngân hàng mà thực chất là một hình thức phá sản, phá sản về mặt cổ đông, còn người gửi tiền vẫn được đảm bảo quyền lợi. NHNN chỉ không để xảy ra ngân hàng phá sản để không ảnh hưởng tới quyền lợi của người gửi tiền, tới an ninh tiền tệ, an toàn hệ thống. Điều này là hợp lý bởi các cổ đông, lãnh đạo ngân hàng phải chịu trách nhiệm vì đã để xảy ra tình trạng thất thoát vốn tại ngân hàng của mình".
Với việc NHNN trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của VNCB, 551 cổ đông hiện hữu của ngân hàng này bị chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông. Có ý kiến băn khoăn về việc toàn bộ cổ đông của ngân hàng này bỗng nhiên "tay trắng" sau khi bán cho NHNN. Tuy nhiên, theo thông tin của Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, trên thực tế, các cổ đông của VNCB đã mất hết vốn từ lâu. Không chỉ có thế, ngoài việc "trắng tay", mỗi cổ đông của ngân hàng này còn "gánh" thêm một đống nợ.
Chính vì vậy, TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng, việc NHNN đứng ra mua toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng là may mắn với cổ đông VNCB. Bởi khi mua lại VNCB, NHNN còn phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ liên quan đến VNCB, đặc biệt là nghĩa vụ trả tiền cho người gửi tại ngân hàng này.
Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, sau 3 lần ĐHCĐ bất thường, nghe báo cáo chi tiết về tổng tài sản, tổng nợ của ngân hàng này, các cổ đông của VNCB đã phải ngậm ngùi chấp nhận bán cổ phần 0 đồng cho NHNN.
Nhiều chuyên gia ngân hàng cho biết, trên thực tế, với tình trạng mất hết vốn chủ sở hữu như VNCB, có thể nói ngân hàng này đã ở trong trạng thái phá sản về mặt kỹ thật. Việc NHNN mua lại là nhằm đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền, không gây bất ổn tới hệ thống.
"VNCB phải bán với giá 0 đồng vì nợ xấu của ngân hàng này đã lớn hơn vốn điều lệ. Lẽ ra, với ngân hàng này, NHNN có thể cho phá sản. Song NHNN mua lại là không để cho người dân chịu thiệt", chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long giải thích.
Trao đổi với báo Đầu tư, Phó Tổng Giám đốc một ngân hàng TMCP cũng cho rằng, ở các nước, tình trạng quốc hữu hóa ngân hàng yếu kém, không có khả năng tự phục hồi diễn ra khá nhiều. Và đối với trường hợp đã âm vốn chủ sở hữu, thì giá trị cổ phiếu thường là 0 đồng.
"Tôi cho rằng, việc NHNN mua lại VNCB mà không cho phá sản là một quyết định thận trọng và hợp lý. Bởi phá sản ngân hàng thời điểm này có thể gây xáo trộn tới cả hệ thống", vị lãnh đạo này nói.
Vị Phó tổng Giám đốc trên cũng cho rằng, đây là trường hợp quốc hữu hóa ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam nên NHNN đang vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, trường hợp này cũng là đòn "cảnh báo" cho cổ đông các ngân hàng yếu kém khác nếu không tích cực khắc phục hậu quả.
Trước khi VNCB bị quốc hữu hóa, nhiều chuyên gia kinh tế trong đó có TS. Trần Du Lịch cho rằng, phải quốc hữu hóa những ngân hàng có hệ số vốn chủ sở hữu so với tổng tài sản dưới 8%, mà nợ xấu lên tới trên 10%, tức là đã mất hết vốn. TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, đây là một trong những giải pháp xử lý ngân hàng yếu kém. Tuy nhiên, quốc hữu hóa là một giải pháp khá "tốn kém" vì chi phí xử lý nợ xấu sẽ rất khổng lồ, vì vậy, NHNN sẽ phải cân nhắc và lựa chọn.
Liên quan đến "số phận" của VNCB sau khi được NHNN mua lại, TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng, NHNN đã giao cho Vietcombank điều hành, Vietcombank sẽ "mổ xẻ" sức khỏe của ngân hàng này để có những quyết định tiếp theo.
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng, giải pháp tốt nhất sau khi mua lại là NHNN bơm tiền, thay đổi toàn bộ nhân sự chủ chốt, mô hình quản lý, quản trị DN... của ngân hàng, làm ngân hàng này hồi phục. Một khi ngân hàng hồi phục, NHNN có thể bán ra để thu hồi vốn, thậm chí là có lời.
TS. Nguyễn Đức Kiên nói thêm, qua sự việc của VNCB, có thể thấy vai trò của ĐHCĐ, HĐQT và Ban kiểm soát tại mỗi DN là hết sức quan trọng. Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã được sửa đổi dựa trên tinh thần này: DN nói chung, ngân hàng nói riêng lãi thì hưởng, lỗ phải chịu, không thể bắt người dân và xã hội gánh chịu. Nói cách khác, tình trạng ngân hàng lỗ vẫn chia thưởng, bắt cả xã hội "làm con tin" như trước đây sẽ phải chấm dứt.
Trong khi đó, trả lời báo Đầu tư chứng khoán, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh khẳng định: "Trong giai đoạn hiện nay, để ổn định chính trị - xã hội của đất nước, Chính phủ yêu cầu trị bệnh phải trị cho hết chứ không để cho chết. Đây là yêu cầu của Bộ Chính trị, Chính phủ nên NHNN thực hiện đúng chỉ đạo đó", Phó Thống đốc cho biết.
Cũng theo Phó Thống đốc, đối với các công ty tài chính, nếu cần thiết NHNN sẽ cho giải thể đúng theo luật định vì tác động đến dân chúng không nhiều. Nhưng đối với hệ thống ngân hàng, NHNN sẽ cố gắng để làm sao không tuyên bố phá sản, vì nếu tuyên bố phá sản, người dân mất tiền từ đó ảnh hưởng lớn đến tình hình chính trị, xã hội.
"Thà mất tiền (nhà nước chi trả-pv) để có sự bình ổn trong xã hội sẽ tốt hơn nếu người dân mất tiền sẽ dẫn đến niềm tin mất, bất ổn xã hội rồi dẫn đến nhiều vấn đề khác mà mức chi phí đó còn lớn hơn rất nhiều. Do đó, NHNN đang và sẽ tiếp tục chọn phương án trên đối với ngân hàng thương mại", Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Lãnh đạo NHNN cho biết thêm, trong trường hợp của VNCB, NHNN mua Ngân hàng để củng cố, phục hồi lại hoạt động, nhưng trước tiên và quan trọng nhất đó là nhằm mục tiêu có tiền trả cho người dân.