VAMC mua nợ xấu không phải để xếp vào kho

Nhiệm vụ của VAMC là phải nhanh chóng xử lý nợ xấu tại TCTD, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hỗ trợ TCTD mà không dùng đến ngân sách nhà nước. Việc xử lý nợ xấu không sử dụng vốn ngân sách nhà nước là mô hình đặc thù chưa có tiền lệ trên thế giới. Sau 2 năm đi vào hoạt động, VAMC đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao,đóng góp trong công cuộc tái cấu trúc các TCTD và xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng. Xung quanh vấn đề này phóng viên trao đổi với TS. Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐTV VAMC.
Ông Nguyễn Quốc Hùng Chủ tịch VAMC Ông Nguyễn Quốc Hùng Chủ tịch VAMC

Thưa ông, có ý kiến cho rằng VAMC mua nợ xấu chỉ để vào kho, quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?

Với đồng bộ các giải pháp xử lý, đến cuối tháng 9/2015 tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD đã giảm về mức 2,9%, trong đó xử lý nợ xấu qua VAMC chiếm 41,3%. Cho nên, nói 226.000 tỷ đồng nợ xấu chuyển sang VAMC đang nằm bất động là thiếu căn cứ và không chính xác.

Với số lượng nợ trên thì giá trị để VAMC quản lý và phát hành trái phiếu đặc biệt (TPĐB) là 191.000 tỷ đồng. Như vậy, 35.000 tỷ đồng đã được các TCTD trích dự phòng rủi ro và xử lý rủi ro.

Nhiều TCTD từ khi bán nợ cho VAMC tới nay tiếp tục phải trích dự phòng rủi ro. Với mức trích 10% hàng năm theo TPĐB của TCTD đãtái cơ cấu, 20% với các TCTD không phải tái cơ cấu, thì mỗi năm có thêm khoảng 20 - 30 nghìn tỷ đồng được các TCTD trích dự phòng để xử lý nợ xấu.

Cộng với phần VAMC tổ chức bán tài sản đảm bảo 10 - 20 nghìn tỷ đồng trong năm nay và sang năm 2016 con số này có thể lên tới 30 - 40 nghìn tỷ đồng thì số nợ xấu giảm đáng kể. Như vậy, một mặt TCTD tự xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro, một mặt VAMC bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ thì không thể nói nợ xấu chỉ được “nhốt” lại mà VAMC không làm gì.

Vấn đề nữa, nếu TCTD không bán nợ xấu cho VAMC thì DN có đến các TCTD khác cũng không ai cho vay. Ví dụ, một DN vay vốn ở 5 TCTD nhưng chỉ có nợ xấu ở 1 TCTD thì các TCTD khác cũng “đóng cửa”, theo quy định tại Thông tư 02/2013/TT-NHNN và Thông tư 09/2014/TT-NHNN của NHNN. Vậy, nếu VAMC không hình thành, không mua lại nợ xấu thì DN đó “chết” và “cục máu đông” nợ xấu khó thoát ra khỏi nền kinh tế.

So với thực trạng nợ xấu,  thì tốc độ xử lý nợ xấu của VAMC còn chậm, kết quả bán nợ, tài sản đảm bảo còn rất khiêm tốn, vậy  đâu là nguyên nhân?

Đúng vậy. Quá trình triển khai xử lý nợ xấu trong thời gian qua VAMC gặp phải một số khó khăn, bất cập.

Thứ nhất, thực tế hiện nay có nhiều doanh nghiệp phát sinh nợ xấu tại một hoặc nhiều TCTD, nợ xấu đã được bán cho VAMC. Tuy nhiên, khi khách hàng đề nghị được cơ cấu nợ, xây dựng phương án để tiếp tục kinh doanh, TCTD không đồng ý cho doanh nghiệp được tiếp tục vay vốn do TSBĐ có giá trị kém, do tâm lý bị xử lý hình sự hóa sau khi cơ cấu nợ khách hàng không trả được nợ.

Thứ hai, TCTD phối hợp với VAMC tiến hành thu giữ, phát mại TSBĐ của khách hàng vay đúng trình tự và thống nhất phương án thu giữ, phát mại TSBĐ, tuy nhiên khách hàng không đồng ý bàn giao tài sản, không có mặt theo thời gian, địa điểm thu giữ, thậm chí có nhiều trường hợp khách hàng đã đi khỏi địa phương... Trường hợp thu giữ được thì việc bán đấu giá gặp phải khó khăn như: Bên bảo đảm không hợp tác trong vấn đề thỏa thuận giá khởi điểm hoặc thuê tổ chức định giá ... dẫn đến VAMC, TCTD không thể xử lý để thu hồi nợ.

Thứ ba, trường hợp TCTD bán nợ cho VAMC sau đó phối hợp tiến hành thu giữ tài sản để phát mại, sau khi thu giữ để tiến hành phát mại thì khách hàng khởi kiện tài sản có tranh chấp từ trước khi bán nợ cho VAMC. Tình huống này đưa VAMC vào tình thế phải xử lý sau khi có bằng chứng TSBĐ có tranh chấp và phải trả lại khoản nợ cho TCTD, ảnh hưởng đến uy tín, vai trò của VAMC.

Thứ tư, khách hàng lợi dụng việc bán nợ cho VAMC để không hợp tác với TCTD, thậm chí có yêu cầu VAMC thực hiện cơ cấu nợ, miễn giảm lãi trong khi không có phương án kinh doanh khả thi, không đáp ứng được điều kiện theo quy định. Điều này gây khó khăn và ảnh hưởng tới công tác thu hồi nợ theo ủy quyền của VAMC đối với TCTD.

Thứ năm, TCTD vẫn phải chịu trách nhiệm như trích DPRR, thu hồi nợ, bán nợ, bán TSBĐ thậm chí gánh chịu hậu quả nếu xảy ra thất thoát. Do vậy TCTD vẫn xác định quyền chủ nợ của họ sau 5 năm sẽ thu hồi, dẫn đến sự hợp tác không chặt chẽ, thậm chí không cần VAMC xử lý nợ xấu đã bán.

Bên cạnh đó còn hàng loạt các khó khăn khác như: Về phía VAMC, không có quyền chủ động để xử lý những khoản nợ xấu mua bằng TPĐB. Do vậy, trên danh nghĩa TCTD vẫn có quyền quyết định đối với tài sản thế chấp của khoản nợ, VAMC không có nhiều vai trò định đoạt TSBĐ các khoản nợ xấu đã mua.Cho dù khách hàng rất muốn bán tài sản để trả nợ TCTD, tuy nhiên sau khi bán tài sản, giá trị thu hồi không đủ trả nợ TCTD, khách hàng không còn nguồn lực để trả nợ TCTD. Vì vậy, khách hàng thường không chấp nhận định giá tài sản theo mức giá thị trường mà luôn yêu cầu phải đủ để trả nợ gốc và lãi.


VAMC mua nợ xấu không phải để xếp vào kho ảnh 1

Xử lý nợ xấu, đừng nhìn vào con số


Tiếp nữa là việc định giá khoản nợ đến nay chưa có quy định cụ thể, cơ sở đánh giá rất phức tạp. Trong khi khả năng của VAMC trong giai đoạn này chưa thể tự định giá để mua bán được khoản nợ. Vì vậy, VAMC sẽ rất khó thực hiện việc bán khoản nợ đảm bảo tiêu chí công khai minh bạch.

Mặt khác nữa, trong thời gian qua, rất nhiều tổ chức quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài đến làm việc với VAMC để tìm hiểu thực tế hoạt động của VAMC, khuôn khổ pháp lý trong việc triển khai xử lý nợ, bán các khoản nợ xấu đã mua bằng TPĐB. Các nhà đầu tư kỳ vọng thực hiện việc mua nợ xấu qua VAMC luôn được đảm bảo về sự minh bạch, thuận lợi đối với các thủ tục pháp lý liên quan đến khoản nợ.

Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu hệ thống pháp luật tại Việt Nam đối với các vấn đề liên quan đến mua bán và xử lý nợ, về sở hữu đất đai, về tái cấu trúc doanh nghiệp, đặc biệt là vai trò còn hạn chế của VAMC trong việc quyết định các vấn đề về bán nợ, bán TSBĐ..., các nhà đầu tư chỉ mới tiếp cận để tìm hiểu bước đầu mà chưa chính thức đặt vấn đề cụ thể.

Một trong những khó khăn vướng mắc quan trọng nữa là hiện nay Việt Nam chưa có thị trường mua bán nợ xấu. Đối tượng được mua bán nợ bị hạn chế theo các quy định pháp luật, cụ thể Luật Đầu tư 2014. VAMC mua nợ xấu của các TCTD nhưng không thể bán được nợ cho bên thứ ba nếu không có giấy phép kinh doanh về ngành nghề mua bán nợ.

Nợ xấu của từng TCTD đã về mức cho phép là 3% và NHNN sẽ không cần phải yêu cầu các TCTD bán nợ xấu cho VAMC, từ năm 2016 VAMC sẽ hoạt động thế nào?

Từ năm 2016, VAMC xác định thực sự phải tự đi trên chính đôi chân của mình, do toàn bộ nợ xấu của từng TCTD đã về mức cho phép là 3% và NHNN sẽ không cần phải yêu cầu các TCTD bán nợ xấu cho VAMC. Vì vậy, quan hệ giữa VAMC và TCTD là bình đẳng giữa hai DN để thực hiện mua và bán nợ.

Như vậy, sau thời gian tập trung mua nợ bằng TPĐB, VAMC đặt mục tiêu hàng đầu trong triển khai công việc từ năm 2016 là tập trung toàn lực vào việc xử lý nợ (bán nợ, bán tài sản...) và mua nợ theo giá thị trường đối với những khoản nợ xấu mới phát sinh, hạn chế dần việc mua nợ bằng TPĐB.

Ở giai đoạn này, bên cạnh việc tiếp tục mua nợ xấu nội bảng và ngoại bảng của TCTD theo giá thị trường, VAMC sẽ xây dựng được chiến lược mua bán nợ xấu trên cơ sở phân loại các khoản nợ xấu đã mua bằng TPĐB để thực hiện mua đứt theo giá trị thực tế. Đồng thời, tổ chức đấu giá phát mại tài sản theo hướng dẫn tại Thông tư 18/2014/TT-BTP của Bộ Tư pháp; Tham gia góp vốn, chuyển nợ thành vốn góp để tái cấu trúc DN có khả năng phục hồi sản xuất; Tiếp tục cơ cấu các khoản nợ có khả năng phục hồi, đồng thời triển khai nghiệp vụ bảo lãnh cho khách hàng được vay vốn tại các TCTD; Đầu tư nâng cấp, cho thuê tài sản. Nếu tiềm lực đủ mạnh, VAMC sẽ hướng đến việc bỏ vốn mua cổ phần của các TCTD để tham gia tái cấu trúc TCTD.

Ngọc Quyết
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục