Bên cạnh đó là sự ấm dần của thị trường bất động sản, giúp các ngân hàng phát mại tài sản thu hồi nợ, hoàn nhập dự phòng.
Kết quả kinh doanh quý III/2015 vừa được các nhà băng công bố cho thấy, bức tranh lợi nhuận bắt đầu có gam màu sáng khi quá trình xử lý, thu hồi nợ ngày càng có sự cải thiện. Đáng chú ý, sự ấm lên của phân khúc căn hộ nhà ở đã tác động tích cực lên quá trình phát mại tài sản đảm bảo thu hồi nợ xấu - vốn dĩ gặp khó khăn trước đây khi thị trường nhà đất đóng băng.
Tổng giám đốc ACB, ông Đỗ Minh Toàn cho biết, sự hồi phục của thị trường bất động sản, cho dù trước mắt chỉ ở phân khúc mua nhà, đã tác động tích cực đến việc thu hồi nợ và tăng trưởng tín dụng. ACB đã thu hồi được hơn 900 tỷ đồng nợ xấu kể từ đầu năm đến nay và triển vọng sẽ tốt hơn trong thời gian tới. Cùng với sự hồi phục của nền kinh tế, hoạt động ngân hàng được cải thiện khi tín dụng tăng trưởng tốt hơn, ACB dự kiến đặt kế hoạch tăng trưởng 25% cho năm 2016.
Ông Võ Văn Châu, Tổng giám đốc Kienlongbank chia sẻ, tính đến 30/9/2015, huy động vốn thị trường 1 của Kienlongbank đạt 19.894 tỷ đồng, tăng 18,84% so với cùng kỳ năm ngoái; dư nợ cho vay đạt 15.144 tỷ đồng, tăng 11,96%. Dư nợ cho vay tăng chủ yếu là nhờ Ngân hàng nỗ lực giảm lãi vay cho khách hàng. Thời gian qua, Ngân hàng quyết liệt thực thi các giải pháp để tăng dư nợ cho vay và xử lý nợ xấu.
Ông Châu cho rằng, việc xử lý thu hồi nợ xấu sẽ dần tốt hơn trong năm tới, khi thị trường bất động sản đang từng bước phục hồi, nhất là với phân khúc nhà ở.
Tại Eximbank, trong gần 4.000 tỷ đồng nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) năm 2014, Eximbank xử lý thu hồi được khoảng 500 tỷ đồng. Năm 2015, Eximbank đưa ra kế hoạch sẽ xử lý khoảng 2.000 tỷ đồng nợ xấu; trong đó, 6 tháng đầu năm đã thu hồi gần một nửa. Ngân hàng kỳ vọng, bất động sản hồi phục sẽ là cơ hội để xử lý nợ xấu.
Trao đổi với ĐTCK về vấn đề này, lãnh đạo các nhà băng khác cũng kỳ vọng, sự hồi phục của thị trường bất động sản sẽ tác động tích cực đến quá trình xử lý, thu hồi nợ xấu trong năm tới. Khi đó, lợi nhuận ngân hàng sẽ khả quan hơn nhờ hoàn nhập dự phòng và thu hồi nợ.
Đặc biệt, Thông tư số 14 của Ngân hàng Nhà nước nêu trên có những sửa đổi, bổ sung quan trọng liên quan đến hoạt động mua bán và xử lý nợ xấu qua VAMC. Trong đó, tăng thêm lựa chọn cho các tổ chức tín dụng (TCTD) bán lại nợ xấu, để họ cân nhắc các phương án xử lý nợ xấu và tái tạo, sử dụng nguồn vốn và lợi ích liên quan.
Cụ thể, Thông tư 14 quy định việc VAMC mua lại nợ xấu theo giá trị thị trường bằng phát hành trái phiếu trực tiếp cho TCTD bán nợ xấu, bên cạnh trái phiếu đặc biệt với cơ chế đã có. Với hình thức mới đó, trái phiếu phát hành qua việc mua theo giá trị thị trường thực sự là một tài sản gắn với các lợi ích cụ thể để các TCTD cân nhắc bán lại nợ xấu cho VAMC, dĩ nhiên phải được tổ chức này chấp thuận mua, xác định giá mua…
Dự kiến, từ nay đến cuối năm, VAMC sẽ thí điểm phương án mua lại nợ xấu theo giá trị thị trường với mục tiêu đạt ít nhất 500 - 700 tỷ đồng, tạo đà xử lý nợ xấu cho năm 2016.
TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định, với Thông tư 14, việc xử lý nợ xấu sẽ phần nào bớt khó khăn. Hiện Chính phủ đang chỉ đạo, yêu cầu chỉnh sửa các thủ tục để có thể sớm xử lý các vướng mắc trong quá trình phát mại tài sản đảm bảo bằng bất động sản. Thực tế, muốn xử lý được nợ xấu thì cần đẩy mạnh khâu phát mại tài sản và bán nợ theo giá thị trường. Đây cũng là một cách để tạo thanh khoản cho thị trường bất động sản, luân chuyển được tài sản và xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng nhanh hơn.
Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu vẫn còn có những khó khăn nhất định. Thị trường bất động sản có dấu hiệu ấm lên, nhưng chỉ diễn ra ở một số dự án có đầu ra và phân khúc nhà ở có mức giá phù hợp. Vì thế, việc chuyển nhượng các dự án bất động sản, qua đó đẩy nhanh xử lý và thu hồi nợ xấu chưa diễn ra trên diện rộng.
Trong khi đó, dù tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng đã được kiểm soát dưới 3% và con số nợ xấu VAMC “gom” từ các TCTD đến nay đạt gần 200.000 tỷ đồng, nhưng đầu ra cho nợ xấu chưa được khơi thông. VAMC vẫn loay hoay với bài toán xử lý các khoản nợ mua về.