Sớm cán đích bán nợ xấu
Trả lời ĐTCK, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc Viet Capital Bank cho biết, Ngân hàng xác định xử lý nợ xấu là nhiệm vụ hàng đầu trong năm 2015. Từ đầu năm đến nay, Viet Capital Bank đã áp dụng nhiều biện pháp để thu hồi nợ.
Tính đến ngày 31/8, Viet Capital Bank đã thu hồi được khoảng 73% nợ xấu so với kế hoạch thu hồi nợ đặt ra trong năm 2015. Tỷ lệ nợ xấu của Viet Capital Bank cuối năm 2014 là 2,3% (tính trên thị trường 1) và là 1,57% tính trên thị trường 1 và 2 theo Thông tư 02 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành.
Từ đầu năm 2015 đến nay, số nợ xấu Viet Capital Bank đã bán cho VAMC vào khoảng 500 tỷ đồng. Số lũy kế bán nợ xấu cho VAMC từ trước đến nay đạt 800 tỷ đồng, sớm hoàn tất kế hoạch bán nợ cho VAMC do NHNN giao trong 2 năm 2014 và 2015. Tỷ lệ nợ xấu của Viet Capital Bank hiện chỉ còn 1,2% (tính trên thị trường 1) và chỉ còn 0,88% tính trên thị trường 1 và 2 theo Thông tư 02.
MB cũng cho hay, đã hoàn thành chỉ tiêu bán nợ xấu cho VAMC trước thời hạn ngày 30/9. Lãnh đạo MB cho biết, năm 2015, NHNN đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu toàn ngành về dưới 3%, mục tiêu này đòi hỏi sự quyết tâm lớn của tất cả các tổ chức tín dụng.
Với MB, thực tế, chưa năm nào Ngân hàng có mức nợ xấu vượt 3%, nhưng thực hiện chỉ đạo của NHNN, MB quyết tâm đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu xuống mức thấp hơn vào cuối năm 2015. 6 tháng đầu năm 2015, chỉ số nợ xấu của MB được đưa về mức 2,04%, thấp hơn mục tiêu đặt ra dưới 2,5%, trích dự phòng đầy đủ.
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng Nam A Bank 6 tháng đầu năm 2015 chiếm hơn 55 tỷ đồng, mức thấp hơn nhiều so với các ngân hàng cùng quy mô, tuy nhiên vẫn gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. 6 tháng đầu năm nay, Nam A Bank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 187 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 144 tỷ đồng, đều tăng 96% so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ nợ xấu của Nam A Bank tăng từ 1,47% tại thời điểm đầu năm lên 2,23%, chủ yếu do nợ nghi ngờ tăng từ gần 22 tỷ đồng lên 196 tỷ đồng. Về việc bán nợ cho VAMC, Ngân hàng cho biết đã hoàn thành 100% kế hoạch.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết, chỉ tiêu về nợ xấu của Ngân hàng đã giảm xuống dưới 3%, cụ thể là 2,7%. Theo ông Tùng, trong các quý đầu năm, OCB đã xử lý nợ xấu khá tốt, bao gồm cả nợ xấu đã bán cho VAMC.
“OCB đã triển khai những giải pháp thu hồi nợ bắt đầu từ những năm 2012 – 2013. Khi triển khai chiến lược kinh doanh mới, chúng tôi cũng xác định xử lý nợ xấu, cũng như giải quyết những tồn tại sau khủng hoảng ngành ngân hàng là một vấn đề quan trọng của OCB. Và chúng tôi xem điều này là mục tiêu ưu tiên để giải quyết. Khả năng đến cuối năm nay, tỷ lệ nợ xấu của OCB sẽ giảm từ 2,7% xuống mức xung quanh 1%”, ông Tùng cho biết.
Thị trường mua – bán nợ
Theo mục tiêu của NHNN đưa ra đến cuối tháng 9/2015, các NHTM phải hoàn tất việc bán nợ xấu cho VAMC theo chỉ tiêu đã áp xuống đầu năm, đưa nợ xấu toàn ngành ngân hàng về dưới 3% vào cuối năm nay.
Mới đây, tại buổi tiếp ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, đến thời điểm này, Việt Nam đã thành công trong việc giảm nợ xấu từ mức 17% xuống còn 3% và cơ bản xử lý xong các ngân hàng yếu kém.
Điều này cho thấy, nợ xấu đã được xử lý quyết liệt và giảm nhanh chóng, khi chỉ trong vòng 3 năm, nợ xấu đã chính thức giảm từ 17% (9/2012) về còn 3% (9/2015). Trong 3 năm, gần như tất cả các ngân hàng phải dồn toàn lực để xử lý nợ xấu và mục tiêu 3% từng được cho là một thách thức đến nay đã về đích.
Trả lời ĐTCK, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM cho hay, tính đến cuối tháng 8/2015, nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn Thành phố là 52.529 tỷ đồng, chiếm 4,6% tổng dư nợ. Tuy nhiên, nếu trừ nợ xấu của 3 NHTM đã bán lại cho NHNN với giá 0 đồng (VNCB, OceanBank, GBank) là 20.500 tỷ đồng thì nợ xấu trên địa bàn TP. HCM còn 32.029 tỷ đồng, chiếm 3,8% tổng dư nợ.
Tính từ đầu năm đến nay, tổng nợ xấu của các NHTM trên địa bàn TP. HCM đã bán cho VAMC là 21.400 tỷ đồng, so với tổng chỉ tiêu nợ xấu phải bán cho VAMC được NHNN giao là 22.200 tỷ đồng, hoàn thành 96,7%. Nợ xấu tự xử lý của các ngân hàng trên địa bàn Thành phố tính từ đầu năm đến nay là 5.731 tỷ đồng, so với chỉ tiêu NHNN phân giao là 3.100 tỷ đồng, đạt 182%. Theo đánh giá của ông Minh, khả năng đưa nợ xấu về 3% cuối năm là có cơ sở.
Theo số liệu mà lãnh đạo VAMC cung cấp, tính từ đầu năm đến ngày 15/9/2015, VAMC đã thực hiện mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng đạt 82.208 tỷ đồng dư nợ gốc, với giá mua 73.367 tỷ đồng, phát hành tài sản đảm bảo là 69.069 tỷ đồng. Đồng thời, trong hơn 9 tháng đầu năm 2015, VAMC cũng đã thu hồi nợ, bán nợ, bán tài sản đảm bảo đạt tổng giá trị 8.299 tỷ đồng, gần gấp đôi số nợ thu hồi được trong năm 2014.
Thông tư 14/2015/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC vừa được NHNN ban hành sẽ giúp VAMC có thêm lựa chọn và lợi ích mới trong xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính - tiền tệ, điều cần thiết hơn là cần có một thị trường mua - bán nợ để có thể giải quyết được tận gốc nợ xấu ngành ngân hàng.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, Thông tư 14 của NHNN về cách xử lý nợ xấu của VAMC đã cụ thể hóa Nghị định 34 của Chính phủ, trong đó, VAMC từ nay có thể mua nợ xấu bằng giá thị trường và từ đó phát hành trái phiếu bên cạnh trái phiếu đặc biệt trước đó.
Cơ chế này tuy đã tháo gỡ một số vấn đề qua việc xử lý nợ của VAMC, nhưng theo TS Hiếu, vẫn chưa đáp ứng những yêu cầu của thị trường, bởi việc mua - bán trên cơ sở mua đứt bán đoạn thì quy định của Thông tư 14 dường như chưa đạt yêu cầu.
Một NHTM khi bán nợ xấu cho VAMC theo cơ chế mới, VAMC đương nhiên trở thành chủ nợ mới, với toàn bộ trách nhiệm và quyền lợi của chủ nợ. Tuy nhiên, Thông tư 14 vẫn chưa đưa ra cơ sở để xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, đồng thời các quy định khác của luật pháp chưa được tu sửa để trao cho chủ nợ mới quyền lực cần thiết để xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo như tại các nước tiên tiến.
Trong khi, Thông tư 14 cho phép các tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu để trả cho các khoản nợ xấu mua từ các tổ chức tín dụng, nhưng trái phiếu này chưa được giao dịch một cách rộng rãi trên thị trương chứng khoán mà chỉ được chuyển nhượng giữa các tổ chức tín dụng và giao dịch với các ngân hàng để tái cấp vốn. Trái phiếu theo cơ chế Thông tư 14 vẫn chưa thể hoán đổi ra tiền mặt một cách nhanh chóng và vì thế chưa có tính thanh khoản cao.
Việc xử lý nợ xấu đã được cải thiện, nhưng để thực hiện một cách hiệu quả hơn, việc thay đổi quy định pháp luật liên quan đến quyền của chủ nợ và thanh lý tài sản bảo đảm là cần thiết. Bên cạnh đó, việc tăng vốn cho VAMC cần tiếp tục xem xét.
“Cuối cùng, một thị trường mua - bán nợ quốc gia phải được thiết lập thì mới có thể giải quyết được tận gốc nợ xấu”, TS Hiếu nói.