Nới lỏng cơ chế
Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc EY Việt Nam nhận định, sau một thời gian vận hành, thực tế cho thấy, việc thành lập VAMC là hướng đi đúng khi tách biệt được những ngân hàng tốt và xấu (good and bad bank), thị trường có một cơ quan chuyên tâm hơn cho việc xử lý nợ xấu...
Nhưng bên cạnh đó phải thừa nhận VAMC là mô hình chưa có tiền lệ tại Việt Nam, nên những bước đi thận trọng của cơ quan hoạch định chính sách trong thiết kế khuôn khổ cho định chế này là điều dễ hiểu.
“Để ‘con cá’ này ‘thơm, ngon’ hơn cần bổ sung thêm một chút ‘gia vị’ như chuyển nhượng, trích lập dự phòng, trái phiếu mua nợ xấu theo giá trị thị trường…”, bà Dương nói.
Con cá ở đây chính là nợ xấu ngân hàng, để VAMC đủ sức giải quyết rốt ráo, cần thêm nhiều điều kiện khác kể cả về mặt thị trường lẫn khung khổ luật pháp và sự đồng thuận của xã hội. Điều này, phần nào đã được đề cập trong Thông tư 14, dù chưa phải tất cả như mong muốn.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho biết, điểm nhấn trong Thông tư 14 chính là cho phép VAMC mua nợ theo giá thị trường và phát hành trái phiếu phổ thông (thay vì trái phiếu đặc biệt) để có thể giao dịch trên thị trường tự do.
Điều này cụ thể hóa quy định trong Nghị định 34/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 53/2013/NĐ-CP, cho phép VAMC được phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu theo giá trị thị trường. Trái phiếu này có thể dùng để tham gia nghiệp vụ thị trường mở (OMO) và tái cấp vốn tại NHNN. Trái phiếu đặc biệt được phát hành bằng đồng Việt Nam, có thời hạn tối đa 5 năm và lãi suất bằng 0%; được sử dụng để vay tái cấp vốn của NHNN.
Và tại Thông tư 14 vừa ban hành, Điều 1 khoản 3 nêu rõ, trái phiếu phát hành trực tiếp cho TCTD bán nợ để mua nợ xấu theo giá trị thị trường (gọi tắt là trái phiếu) là giấy tờ có giá có thời hạn do VAMC phát hành trực tiếp cho TCTD bán nợ khi mua nợ xấu theo giá trị thị trường.
VAMC phát hành trái phiếu, trái phiếu đặc biệt để thanh toán cho các TCTD bán nợ khi mua nợ xấu của các TCTD. Việc phát hành trái phiếu, trái phiếu đặc biệt để thanh toán cho TCTD bán nợ được thực hiện riêng lẻ, căn cứ nhu cầu thực tế và kế hoạch phát hành trái phiếu trong Phương án mua nợ xấu theo giá trị thị trường, Phương án phát hành trái phiếu đặc biệt đã được NHNN chấp thuận.
Trái phiếu, trái phiếu đặc biệt được phát hành bằng VND. Trong đó, trái phiếu được chuyển nhượng giữa NHNN với các TCTD và giữa các TCTD với nhau, còn trái phiếu đặc biệt không được chuyển nhượng.
Trái phiếu, trái phiếu đặc biệt có lãi suất 0%/năm. Thời hạn của trái phiếu được xác định theo thỏa thuận giữa VAMC và TCTD bán nợ, tối thiểu là 1 năm. Trái phiếu có mức dự phòng bằng 0 nhưng các ngân hàng phải chịu mức xóa nợ lớn hơn khi bán nợ thấp hơn giá trị sổ sách.
Thông tư 14 cũng nới lỏng quy định về thời hạn của trái phiếu đặc biệt tối đa là 5 năm nhưng được gia hạn tối đa không quá 10 năm đối với trường hợp phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu của các TCTD đang thực hiện phương án tái cơ cấu hoặc gặp khó khăn về tài chính. Hệ số rủi ro của trái phiếu là 0 và trái phiếu đặc biệt là 20% khi tính tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của các TCTD.
Liên quan đến hoạt động dự phòng, theo quy định của Thông tư 14, TCTD được quyền quyết định chi phí dự phòng hàng năm đối với trái phiếu đặc biệt với điều kiện dự phòng được trích lập đầy đủ trong vòng 5 ngày trước khi trái phiếu đặc biệt đáo hạn.
Nếu các TCTD đang thực hiện phương án tái cơ cấu hoặc gặp khó khăn về tài chính mà không đủ năng lực trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro hàng năm đối với trái phiếu đặc biệt, phải báo cáo NHNN để có thể được xem xét, xử lý cụ thể, đảm bảo TCTD bán nợ có đủ nguồn dự phòng để xử lý toàn bộ khoản nợ xấu sau khi thanh toán trái phiếu đặc biệt với VAMC.
Độ mở cần rộng hơn
TS. Hiếu nêu quan điểm, mua bán nợ xấu cần 3 tiêu chí: thứ nhất, mua bán với giá thị trường thì Thông tư 14 đã giải quyết được vấn đề trước kia là mua theo giá trị sổ sách; thứ hai, mua đứt bán đoạn, nghĩa là VAMC sẽ là chủ nợ mới và chủ cũ không còn quyền hạn gì nữa nhưng vẫn phải đợi xem sự phối hợp ở góc độ pháp lý; thứ ba, mua với tiền tươi thóc thật là điểm vẫn chưa được xử lý trong Thông tư mới ban hành.
“Nợ xấu được mua bằng trái phiếu, giao dịch rộng rãi hơn trên thị trường nhưng chủ yếu vẫn chỉ là các NHTM với nhau, bên cạnh đó, việc chuyển nhượng có lẽ là mang tính thế chấp nhiều hơn. Trong khi đó, trái phiếu được chứng khoán hóa sẽ có tính thanh khoản cao, mua bán một cách rộng rãi hơn. Đặc biệt, một câu chuyện chúng ta đã đề cập đến nhiều nhưng vẫn chưa được giải quyết rốt ráo đó là tăng vốn, nhân sự cho VAMC”, TS. Hiếu nói.
Một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho rằng, thông tư này sẽ hoàn thiện hơn nếu giúp các TCTD xóa bỏ một số câu hỏi đã được đặt ra trước đây. Chẳng hạn, sự khác biệt trong việc trích lập dự phòng sẽ như thế nào cho thỏa đáng khi chi phí dự phòng và lợi nhuận ròng tương ứng nằm trong quyền của TCTD? Các ngân hàng có được chuyển đổi trái phiếu đặc biệt sang trái phiếu, đồng thời, cơ chế nào để chuyển đổi? Nếu các TCTD quyết định mua lại toàn bộ danh mục đầu tư đã bán cho VAMC và sau đó chuyển lại thành trái phiếu thì sao? Trái phiếu đã đủ hấp dẫn so với trái phiếu đặc biệt chưa bởi thống kê cho thấy, chưa có ngân hàng nào mang trái phiếu đặc biệt đi chiết khấu?