Bài học tăng trưởng cho vay nóng
Giai đoạn 2007 - 2008, dư nợ tín dụng toàn ngành đã tăng lên mức quá cao, bất bình thường. Cơn sốt bất động sản giai đoạn đó cùng sức nóng từ thị trường chứng khoán khiến cho nền kinh tế rơi vào khủng hoảng và khó khăn. Từ mức 20 - 30%, tăng trưởng dư nợ tín dụng của ngành tăng lên tới 57% vào năm 2007, trong đó có đóng góp phần rất lớn từ các ngân hàng thương mại, nhất là những ngân hàng quy mô vừa và nhỏ đã đổ vốn vào bất động sản, chứng khoán.
Nguồn tín dụng của các ngân hàng thương mại không được kiểm soát chặt chẽ, con số dư nợ tín dụng cho vay bất động sản báo cáo thấp hơn nhiều so với thực tế dư nợ các ngân hàng cho vay. Điều đó phần nào nói lên rằng, các ngân hàng không kiểm soát được nguồn vốn chảy vào bất động sản. Trong thời gian giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp giai đoạn 2012 - 2013 đã bộc lộ thêm nhiều khoản vay của doanh nghiệp chảy vào bất động sản, dù mục đích vay ban đầu không phải là vào bất động sản.
Qua đó cho thấy, một trong những yếu kém của các ngân hàng thương mại Việt Nam là không kiểm soát được dòng tín dụng hoặc kiểm soát rất lỏng lẻo, nên đã dẫn đến hậu quả nợ xấu như ngày hôm nay. Trong khi đó, nguyên tắc quan trọng trong cho vay là phải kiểm soát được nguồn tiền và dòng tín dụng.
Hậu quả bong bóng tín dụng bất động sản và chứng khoán cũng đã khiến một số doanh nghiệp ở các lĩnh vực, ngành nghề khác “chết oan”, thậm chí vướng vào vòng lao lý. Nguyên nhân, một phần do ở giai đoạn trên, các dự án bất động sản tăng giá quá cao và nhiều chủ đầu tư thu lợi nhuận siêu ngạch đã tạo được sức hút đối với các doanh nghiệp ở các ngành khác “nhảy” vào bất động sản.
Tuy nhiên, ngay sau giai đoạn tăng nóng, thị trường “xì hơi” và nhiều doanh nghiệp đã không kịp trở tay. Vì thế, không khó để nhận thấy, trong số nợ xấu của hệ thống ngân hàng, nợ xấu tập trung vào lĩnh vực bất động sản, với tài sản bảo đảm là bất động sản.
TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn
chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia
Gỡ dần điểm nghẽn
Theo Thông tư số 14/2015/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2013/TT-NHNN của Thống đốc NHNN quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), bên cạnh việc mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt, VAMC được mua nợ xấu của TCTD theo giá thị trường. Với hình thức này, trái phiếu phát hành qua việc mua theo giá trị thị trường thực sự là một tài sản gắn với các lợi ích cụ thể để các TCTD cân nhắc bán lại nợ xấu cho VAMC, dĩ nhiên phải được tổ chức này chấp thuận mua, xác định giá mua…
Song song với đó, Chính phủ đang có chỉ đạo, yêu cầu sửa đổi một số quy định pháp lý để có thể sớm tháo gỡ những khó khăn trong quá trình phát mại tài sản. Đây cũng là một cách để tạo thanh khoản cho thị trường bất động sản, luân chuyển được tài sản và xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng được nhanh hơn.
Trên thực tế, hiện vẫn còn 2 vướng mắc lớn trong quá trình xử lý nợ xấu, đó là xử lý phát mại tài sản bảo đảm và hình thành thị trường mua - bán nợ. Vì thế kỳ vọng, khi cơ chế mua bán nợ theo cơ chế thị trường được triển khai trong thời gian tới sẽ thu hút vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, tạo động lực trong xử lý nợ và việc mua, bán nợ xấu tốt hơn.
Các ngân hàng phải cùng chung sức xử lý nợ xấu mới có thể giải quyết được bài toán vốn cho các doanh nghiệp
Nợ xấu vẫn chưa giảm
Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm nợ xấu của ngành ngân hàng, VAMC không thể giải quyết được tất cả, mà đòi hỏi có sự nỗ lực từ cả ngân hàng và khách hàng. Mặc dù không còn căng thẳng và có phần giảm so với trước đây, song về bản chất, nợ xấu vẫn chưa giảm và chỉ mới giãn được thời gian xử lý cho ngân hàng trong vòng 5 năm sau khi bán nợ cho VAMC.
Thời gian qua, các ngân hàng vẫn tích cực trong việc giải quyết nợ xấu, nhưng chủ yếu thông qua trích lập dự phòng. Việc xử lý nợ qua phát mãi tài sản bảo đảm không có tiến triển nhiều, nếu không muốn nói đang giậm chân tại chỗ. Vì thế, điều quan trọng là đòi hỏi con nợ và cả chủ nợ phải “hy sinh” để phát mãi được tài sản theo giá thị trường, mới xử lý được nợ xấu.
Khó khăn này sẽ được gỡ bỏ trong thời gian tới khi Chính phủ ra nghị quyết yêu cầu sớm giải quyết tắc nghẽn trong việc xử lý các thủ tục hành chính về phát mãi tài sản bảo đảm. Theo đó, tài sản bảo đảm phát mãi phải là tài sản thực, được định giá thực với mặt bằng giá thị trường, thay vì giá ảo khi con nợ và chủ nợ không chịu giảm giá bán khi thị trường đi xuống, nên dù thủ tục có được tiết giảm cũng không thể phát mãi tài sản.
Do đó, không chỉ con nợ, mà chủ nợ (ngân hàng) cũng phải tính đến chuyện hy sinh, giảm giá bán để phát mãi được tài sản, thu hồi nợ. Chẳng hạn, với khoản vay rơi vào nợ xấu, nhưng ngân hàng đã trích lập dự phòng được 40%, thì khi phát mãi tài sản bảo đảm, có thể chấp nhận bán lỗ 40% mới kỳ vọng thu hồi được nợ xấu.
Thực tế hiện nay, vướng mắc lớn nhất trong việc xử lý tài sản bảo đảm là quyền của con nợ. Nếu con nợ không hợp tác, chủ nợ cũng không xử lý được tài sản bảo đảm đó. Vì vậy, trước mắt, phải xử lý được vấn đề này và đưa ra quyền xử lý đối với chủ nợ. Nếu khoản nợ đến kỳ đáo hạn mà khách hàng không trả được nợ, chủ nợ sẽ có quyền đem khoản nợ đó ra đấu giá. Có như vậy thì mới thị trường hóa được tài sản khoản nợ.
Khách hàng và ngân hàng cũng phải hy sinh lợi ích để phát mãi tài sản theo giá thị trường, thay vì “neo” giá như hiện nay. Tuy nhiên, điều cần giải quyết tiếp theo đó là cần sự hợp tác của con nợ trong việc tiếp tục trả phần thiếu hụt của khoản nợ, nếu tài sản bảo đảm đó bán đi không đủ để trả hết cho khoản nợ vay. Khoản nợ được bán công khai và khách hàng phải hợp tác để trả hết nợ, nếu vấn đề này được làm quyết liệt sẽ thành công trong xử lý nợ xấu như các nước trên thế giới lâu nay.
Nhìn lại lịch sử xử lý nợ xấu của các nước trên thế giới cũng như tại Việt Nam có thể thấy, nợ xấu của ngân hàng không thể giải quyết trong một sớm một chiều, mà cần có thời gian dài. Do đó, đòi hỏi các ngân hàng phải cùng chung sức xử lý cục máu đông này mới có thể giải quyết được bài toán vốn, giảm tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành và đẩy mạnh cho vay.
Nợ xấu tuy là vấn đề của hệ thống ngân hàng, nhưng hiện nó không còn giới hạn ở đó mà đã trở thành bài toán đối với cả nền kinh tế và chúng ta đang phải cố gắng làm sao để giảm bớt cái xấu, tạo cơ hội cho nền kinh tế. Tỷ lệ nợ xấu đã được kiểm soát ở mức 3% trên tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Dĩ nhiên con số này cũng còn nhiều nghi ngờ từ nhiều cá nhân và tổ chức khác nhau, nhưng lại là con số thực trong hệ thống ngân hàng.