Cần cơ chế thông thoáng cho NĐT nước ngoài mua - bán nợ xấu

(ĐTCK) Trao đổi với ĐTCK, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng, Nghị định 34/2015 của Chính phủ đã mở hướng đi cho VAMC mua nợ theo giá thị trường và việc mua bán nợ theo giá thị trường có thể được VAMC thực hiện trong 6 tháng cuối năm nay. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, cần phải có cơ chế thông thoáng cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua - bán nợ.
Ông Phạm Hồng Hải Ông Phạm Hồng Hải

Các ngân hàng đang đẩy mạnh bán nợ xấu cho VAMC, song đầu ra vẫn khó. Điều đó sẽ ảnh hưởng ra sao tình hình tăng trưởng tín dụng của ngành năm nay, thưa ông?

VAMC hiện vẫn chưa bán được nhiều nợ xấu ra thị trường do các quy định pháp luật về phát mãi tài sản còn rất phức tạp, mất nhiều thời gian và cơ chế cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua nợ xấu có tài sản đảm bảo vẫn cần được thay đổi theo hướng thông thoáng hơn. Nghị định 34/2015 đã mở hướng đi cho VAMC mua nợ theo giá thị trường và tôi kỳ vọng, VAMC sẽ bắt đầu mua nợ theo giá thị trường trong 6 tháng cuối năm.

Số lượng nợ xấu mua theo giá thị trường có thể không lớn trong giai đoạn đầu, nhưng là một hướng đi đúng để xử lý nợ xấu. Tôi tin rằng, tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục tăng do các tín hiệu lạc quan của nền kinh tế và nợ xấu các ngân hàng cũng đã giảm nhiều thông qua việc bán nợ xấu cho VAMC và tự xử lý.

Dự kiến, năm 2016, VAMC sẽ xây dựng chiến lược mua bán nợ xấu trên cơ sở phân loại nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt để có thể mua đứt theo giá thị trường và tổ chức đấu giá phát mại, chuyển nợ thành góp vốn để tái cấu trúc doanh nghiệp. 

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17% trong năm nay, theo ông, liệu có quá tham vọng khi nợ xấu trong ngành vẫn cao và nhu cầu vốn của doanh nghiệp chưa cao?

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng được NHNN đặt ra năm nay ở mức 13-15% và có thể được điều chỉnh lên 17% nhằm đáp ứng tốt nhu cầu vốn của nền kinh tế. Hiện một số ngân hàng có ý định xin tăng “room” tín dụng mở dư địa cho vay. Tuy nhiên, yêu cầu của NHNN đặt ra là các ngân hàng phải xử lý tốt nợ xấu trước khi xin tăng thêm “room” tín dụng.

Yêu cầu này hoàn toàn hợp lý để khuyến khích các ngân hàng giải quyết nợ xấu. Bởi nếu ngân hàng chỉ say sưa với việc tăng trưởng tín dụng, nhưng không thực sự giải quyết nợ xấu thì nợ xấu sẽ quay trở lại trong tương lai.

Theo tôi, mức tăng trưởng tín dụng 15-17% sẽ đáp ứng đủ nhu cầu vốn của nền kinh tế. Ngoài nguồn vốn tín dụng trong nước, một số khách hàng hiện đang vay vốn từ nước ngoài, đặc biệt cho các dự án lớn có kỳ hạn vay dài.

Việt Nam vẫn cần tập trung nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, tiếp tục cải cách mạnh khu vực kinh tế Nhà nước và các doanh nghiệp quốc doanh sẽ tạo được tốc độ tăng trưởng kinh tế lành mạnh, nhưng không đòi hỏi phải duy trì tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cao. 

Theo ông, hoạt động của ngành ngân hàng đã “dễ thở” hơn trong nửa cuối năm 2015?

Nửa cuối năm nay vẫn tiếp tục là thời kỳ đầy thử thách với ngành ngân hàng, khi các ngân hàng cần tiếp tục tập trung giải quyết nợ xấu, làm sạch bảng tổng kết tài sản. Cạnh tranh giữa các ngân hàng trong việc giữ thị phần vẫn hết sức căng thẳng dẫn đến giảm lợi nhuận biên.

Các quy định của NHNN nhằm minh bạch hóa tình hình tài chính của các ngân hàng, phân loại nợ một cách chính xác và trung thực tiếp tục tạo sức ép phải cải cách lên các ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, cơ hội vẫn còn rất nhiều cho các ngân hàng biết tạo sự khác biệt bằng nâng cao chất lượng dịch vụ, cung cấp các giải pháp phù hợp với khách hàng. Tăng trưởng GDP của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2015 đã vượt kỳ vọng và dự báo tiếp tục khả quan trong nửa năm còn lại.

Theo dự báo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo, GDP 9 tháng đầu năm có thể đạt 6,3% và cả năm là 6,5%. Đây thực sự là con số ấn tượng và hỗ trợ rất nhiều cho tăng trưởng tín dụng.

Làn sóng FDI từ các nước trong khu vực châu Á sẽ tiếp tục trong vài năm tới  tạo cơ hội rất lớn cho các ngân hàng có thế mạnh về mạng lưới trên toàn cầu để phục vụ các khách hàng này. Ngoài ra, khi Hiệp định TPP được ký kết trong tương lai, Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều từ hiệp định này đặc biệt trong lĩnh vực dệt may. Niềm tin của người tiêu dùng được cải thiện và điều này đang mở ra nhiều cơ hội cho dịch vụ ngân hàng bán lẻ. 

Mặt bằng lãi suất đầu vào đang tăng nhẹ, ông dự báo thế nào về xu hướng lãi suất cho vay trong thời gian tới?

Các ngân hàng hiện đang có nguồn vốn khá dồi dào và đều muốn tăng thị phần tín dụng khi nền kinh tế đang có các dấu hiệu phục hồi tích cực. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong cuộc họp thường kỳ của Chính phủ vào cuối tháng 6, tín dụng tăng 6,28% so với cuối năm 2014, cao hơn nhiều so với mức 3,52% cùng kỳ năm ngoái. Vì thế, các ngân hàng sẽ tự chủ động điều chỉnh lãi suất cho vay trung và dài hạn ở mức cạnh tranh nhất.

Tuy nhiên, lãi suất cạnh tranh sẽ tập trung vào một nhóm khách hàng có chất lượng tín dụng tốt. Để có thể giảm được lãi suất cho vay, các ngân hàng có thể tiết giảm chi phí hoạt động, tập trung vào khách hàng có chất lượng tín dụng tốt có tiềm năng tăng trưởng, xem xét cơ cấu lãi suất thả nổi hay cố định để phù hợp với xu hướng lãi suất trong thời gian tới, cơ cấu khoản vay để nâng khả năng an toàn của khoản vay nhằm giảm lãi suất vay.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục