VAMC: Chặng đường không trải bước trên hoa hồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Đoàn Văn Thắng, Phụ trách Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) có những chia sẻ với Đặc san Ngân hàng về quá trình hoạt động của VAMC hơn một thập niên qua.
Ông Đoàn Văn Thắng, Phụ trách Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) Ông Đoàn Văn Thắng, Phụ trách Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC)

Là lãnh đạo cao cấp, đồng hành với VAMC từ những ngày đầu thành lập, nhìn lại chặng đường hơn 10 năm qua, ông có nhận định gì?

Trở lại giai đoạn 2008 - 2012, chúng ta đều chứng kiến bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, cùng với những yếu kém nội tại tích tụ qua nhiều năm, tăng trưởng kinh tế suy giảm, kinh tế vĩ mô xuất hiện nhiều yếu tố bất ổn, tỷ lệ lạm phát cao. Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, dẫn đến không trả được nợ vay ngân hàng đúng hạn. Mặc dù các tổ chức tín dụng (TCTD) đã nỗ lực xử lý nợ xấu, song nợ xấu vẫn tăng lên nhanh chóng trong năm 2012 và những tháng đầu năm 2013, đe doạ đến an toàn hệ thống. Yêu cầu đặt ra là phải có một công cụ đặc biệt để xử lý nhanh, dứt điểm, đưa tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD về mức an toàn, khơi thông dòng tín dụng cho nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD”, Đề án “Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC)” và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013. Chính phủ đã ban hành Nghị định 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC, sau đó được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 34/2015/NĐ-CP ngày 31/3/2015 và Nghị định 18/2016/NĐ-CP ngày 18/03/2016. Dấu mốc là ngày 27/6/2013, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 1459/QĐ-NHNN về việc thành lập VAMC.

Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động (VAMC hoạt động chính thức từ 1/10/2013), được sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội, Chính phủ và sự chỉ đạo sát sao của Ngân hàng Nhà nước, các vấn đề vướng mắc về pháp lý của ngành ngân hàng nói chung và VAMC nói riêng liên quan đến xử lý nợ xấu về cơ bản đã dần được tháo gỡ. Đặc biệt, nhằm đẩy nhanh và có hiệu quả quá trình cơ cấu lại các TCTD, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020” và Quyết định 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2022 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025”.

Theo đó, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, từ khi thành lập đến nay, VAMC đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm xử lý nhanh, dứt điểm, có hiệu quả nợ xấu, từng bước khẳng định vai trò quan trọng của VAMC trong công tác xử lý nợ.

Bức tranh nợ xấu đã có thay đổi lớn sau hơn 10 năm xuất hiện VAMC

Bức tranh nợ xấu đã có thay đổi lớn sau hơn 10 năm xuất hiện VAMC

Chặng đường dường như không “trải bước trên hoa hồng”?

Mặc dù nguồn lực còn hạn chế, không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu, nhưng VAMC đã mang lại hiệu quả thiết thực và khẳng định được VAMC là công cụ đặc biệt hữu hiệu để xử lý nhanh, dứt điểm, đưa tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD về mức an toàn, đồng thời khơi thông dòng tín dụng cho nền kinh tế, bảo đảm an toàn, hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những tồn tại như kết quả thực hiện hoạt động mua nợ theo giá trị thị trường chưa đạt mục tiêu đề ra tại Đề án cơ cấu lại và nâng cao năng lực của VAMC giai đoạn 2017 - 2020 và hướng tới năm 2022 (kết quả mua nợ theo giá trị thị trường giai đoạn 2017 - 2020 chỉ đạt 49% so với mục tiêu được giao 20.000 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, VAMC đóng vai trò là trung tâm thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ cũng còn hạn chế. Dù đã tích cực triển khai các giải pháp như đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ theo giá trị thị trường, thành lập và vận hành Sàn giao dịch nợ, thúc đẩy hoạt động của Câu lạc bộ AMC…, nhưng kết quả bước đầu còn khiêm tốn. Thị trường mua bán nợ tại Việt Nam hiện vẫn còn sơ khai, chưa thu hút được sự tham gia của nhiều chủ thể, hoạt động mua bán nợ chủ yếu thực hiện đơn lẻ, rời rạc, chưa thực sự sôi động và chưa tạo được một cộng đồng có sức ảnh hưởng đến công tác xử lý nợ xấu.

VAMC chưa triển khai đầy đủ các hoạt động được quy định tại Nghị định 53/2013/NĐ-CP (và các văn bản sửa đổi, bổ sung liên quan), cụ thể: Chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phần của khách hàng vay; Đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, khai thác, sử dụng, cho thuê tài sản bảo đảm (TSBĐ) đã được VAMC thu nợ; Đầu tư tài chính, góp vốn, mua cổ phần; Bảo lãnh cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vay vốn của TCTD.

Hay như hoạt động đấu giá khoản nợ/TSBĐ mặc dù được VAMC tích cực triển khai từ năm 2018 và đã đạt được một số kết quả bước đầu, tuy nhiên tổng giá trị khoản nợ/TSBĐ được đấu giá còn khiêm tốn (tổng số tiền trúng đấu giá đạt 2.529 tỷ đồng trong giai đoạn 2018 - 2023).

Cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về mua bán nợ xấu, xử lý nợ xấu

Cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về mua bán nợ xấu, xử lý nợ xấu

Chắc hẳn Ban lãnh đạo VAMC đã nhận diện được nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại trên?

Nguyên nhân khách quan đến từ hệ luỵ của đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến nguồn thu và dòng tiền của khách hàng, các nhà đầu tư quan tâm khoản nợ chuyển hướng đầu tư do giảm sút nguồn tài chính mua nợ/TSBĐ. Nhiều khoản nợ đã được VAMC dự kiến phương án thu hồi nhưng chưa thể thực hiện theo kế hoạch do đối tác mua nợ/TSBĐ gặp khó khăn về tài chính, ảnh hưởng đến kết quả mua và xử lý nợ mua theo giá trị thị trường của VAMC.

Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ xấu đã hình thành nhưng chưa đồng bộ, nằm rải rác tại nhiều văn bản và các quy định về xử lý nợ xấu chưa được luật hoá. Nghị quyết 42/2017/QH14 mang tính thí điểm đến 31/12/2023, qua quá trình triển khai đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc, trong khi đó, một số quy định cần phải tiếp tục hoàn thiện để phù hợp với thực tiễn. Chẳng hạn, về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ, về việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến TSBĐ tại Tòa án, về hoàn trả vật chứng là TSBĐ… Ngoài ra, hoạt động đấu giá tài sản của VAMC bị giới hạn đối tượng, phạm vi hoạt động đấu giá theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, bởi VAMC hiện chỉ được đấu giá các khoản nợ xấu và TSBĐ của khoản nợ xấu VAMC đã mua của các TCTD.

Đối với nguyên nhân nội tại, mặc dù cán bộ nghiệp vụ được tuyển dụng tại VAMC hầu hết đều đã có kinh nghiệm làm việc trong công tác tín dụng và xử lý nợ tại các TCTD, nhưng do hoạt động tại VAMC là các nghiệp vụ mới, mang tính đặc thù và chưa có tiền lệ, vì vậy trong quá trình triển khai công việc, các cán bộ VAMC phải đồng thời vừa học vừa làm, hoàn thiện và nâng cao kỹ năng nghiệp vụ. Số lượng cán bộ tại VAMC trong một số lĩnh vực nghiệp vụ mới còn khá mỏng dẫn đến hiệu quả công tác xử lý nợ tại VAMC bước đầu còn hạn chế.

Hàng năm, ngay từ đầu năm, VAMC xây dựng kế hoạch kinh doanh trên cơ sở kết quả đạt được năm trước, nắm bắt nhu cầu mua bán nợ của TCTD, đánh giá tình hình chung của nền kinh tế…, nhưng trong quá trình làm việc với các TCTD/khách hàng không thống nhất được phương án mua bán, xử lý nợ do TCTD đã có phương án xử lý nợ khác nên ảnh hưởng tới kết quả thực hiện hoạt động mua bán, xử lý nợ của VAMC.

Trong giai đoạn vừa qua, thực hiện nhiệm vụ được giao, VAMC tập trung nguồn lực để thực hiện hoạt động mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB), mua nợ theo giá trị thị trường và hỗ trợ thúc đẩy phát triển thị trường mua bán nợ, nhưng vẫn còn một số vướng mắc về cơ chế, vì vậy VAMC chưa triển khai được các nghiệp vụ như đầu tư góp vốn, bảo lãnh, khai thác TSBĐ đã được thu nợ. Bên cạnh đó, hệ thống công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý đối với các khoản mua nợ theo giá trị thị trường, xây dựng, quản lý danh mục khoản nợ, TSBĐ nhằm cung cấp thông tin tới các nhà đầu tư, góp phần hình thành thị trường mua bán nợ.

Nhận diện được nguyên nhân, vậy giải pháp thực hiện sẽ như thế nào, thưa ông?

Trước tiên, Ban lãnh đạo VAMC đã nghiên cứu, đề xuất cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về mua bán nợ xấu, xử lý nợ xấu. Kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định về mua bán, xử lý nợ xấu trong quá trình thực hiện. Cụ thể, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm mở rộng phạm vi hoạt động đấu giá tài sản của VAMC; kịp thời sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Thông tư 19/2013/TT-NHNN để phù hợp với Nghị định 53/2013/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung liên quan nhằm tăng thêm tính chủ động trong hoạt động của VAMC cho phù hợp với Luật Các TCTD 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024).

Tiếp tục hoàn thiện quy chế nội bộ của VAMC phù hợp với các quy định mới của pháp luật để triển khai nhanh và có hiệu quả hoạt động mua nợ và xử lý nợ. Kiến nghị các cơ quan, các cấp có thẩm quyền hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện để khuyến khích các chủ thể (đặc biệt là các TCTD) tích cực tham gia Sàn giao dịch nợ, đảm bảo tính công khai, minh bạch, góp phần đẩy nhanh tiến độ thu hồi, xử lý nợ xấu.

Thứ hai, đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ theo giá trị thị trường: Ưu tiên chuyển các khoản nợ xấu đã mua bằng TPĐB sang mua theo giá trị thị trường đúng quy định. Bên cạnh đó, rà soát danh sách khoản nợ đang hạch toán nội, ngoại bảng tại TCTD, lựa chọn các khoản nợ có tính khả thi trong việc xử lý sau khi mua để có cơ sở đề xuất mua nợ theo giá trị thị trường. Tiến hành rà soát, phân loại, đánh giá thực trạng các khoản nợ xấu, TSBĐ, đánh giá khách hàng vay để xây dựng phương án xử lý nợ cụ thể; phối hợp với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và khách hàng vay để hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ pháp lý liên quan đến khoản nợ xấu, TSBĐ.

Phối hợp với TCTD, khách hàng triển khai phương án xử lý nợ xấu đã thỏa thuận; thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả xử lý, những tồn tại, vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ, xử lý thu hồi nợ có hiệu quả theo kế hoạch được giao. Theo dõi, đôn đốc các TCTD tích cực thu hồi nợ, xử lý TSBĐ đã được VAMC ủy quyền. Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với khách hàng vay và TSBĐ của các khoản nợ đã mua.

Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động của Sàn giao dịch nợ VAMC nhằm quản lý, khai thác thông tin về khoản nợ/tài sản. Duy trì hoạt động Câu lạc bộ AMC nhằm tạo diễn đàn trong công tác mua bán và xử lý nợ; trên cơ sở đó đề xuất các kiến nghị, giải pháp nhằm hoàn thiện thị trường mua bán nợ ở Việt Nam. Chủ động tìm kiếm và mở rộng đối tác, các nhà đầu tư để thực hiện tư vấn, môi giới mua bán nợ xấu và TSBĐ của khoản nợ trên cơ sở danh mục nợ xấu đã mua được phân loại. Kịp thời công khai hoạt động mua bán và xử lý nợ xấu: Công bố danh mục TSBĐ do VAMC đang quản lý, thông báo bán đấu giá tài sản/khoản nợ, thông báo thu giữ TSBĐ... lên cổng thông tin của VAMC (www.sbvamc.vn).

Thứ tư, nâng cao năng lực tài chính để bổ sung nguồn vốn mua nợ xấu theo giá trị thị trường theo Quyết định 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao năng lực tài chính và hiệu quả hoạt động của VAMC. Hợp tác với các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia tái cấu trúc doanh nghiệp, mua bán doanh nghiệp theo quy định pháp luật trong quá trình xử lý nợ xấu.

Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động để phát triển VAMC thực sự trở thành trung tâm trong hoạt động xử lý nợ xấu. Nâng cao năng lực hoạt động của các ban nghiệp vụ, ban đấu giá, ban công nghệ thông tin. Tập trung sắp xếp cán bộ, người lao động theo hướng tăng cường cho hoạt động xử lý nợ, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tuyển bổ sung cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ cao trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng, mua bán và xử lý nợ/TSBĐ, tập trung cho các đơn vị nghiệp vụ để thúc đẩy việc mua bán theo cơ chế thị trường và xử lý nợ xấu…

Ông có kiến nghị, đề xuất gì để hoàn thành nhiệm vụ được giao?

VAMC đề xuất tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành về phạm vi, điều kiện mua nợ nêu tại Nghị định 53/2013/NĐ-CP của Chính phủ (và các văn bản sửa đổi, bổ sung liên quan). Đồng thời, bổ sung quy định: “Các TCTD có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% có thể bán nợ xấu cho VAMC khi có nhu cầu”. Bên cạnh đó, đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 53/2013/NĐ-CP, Thông tư 19/2013/TT-NHNN và các văn bản sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Luật Các TCTD 2024.

Kết quả hoạt động kinh doanh của VAMC năm 2023

VAMC mua nợ xấu bằng TPĐB được 1.193 khoản nợ của 769 khách hàng tại 9 TCTD với tổng dư nợ gốc nội bảng 13.662 tỷ đồng, tổng giá mua nợ 11.646 tỷ đồng, đạt 97,05% chỉ tiêu kế hoạch năm 2023. Lũy kế từ khi thành lập đến hết 31/12/2023, VAMC đã thực hiện mua nợ xấu bằng TPĐB đạt 425.904 tỷ đồng tổng dư nợ gốc nội bảng, 390.563 tỷ đồng tổng giá mua nợ.

VAMC mua nợ theo giá trị thị trường được 50 khoản nợ của 21 khách hàng/nhóm khách hàng tại 8 TCTD với tổng dư nợ gốc 1.720 tỷ đồng, tổng giá mua 1.755 tỷ đồng (tăng gần 70% so với năm 2022), đạt 65,02% chỉ tiêu kế hoạch năm 2023. Lũy kế từ năm 2017 đến hết 31/12/2023, VAMC đã mua nợ theo giá trị thị trường với tổng dư nợ gốc 13.607 tỷ đồng, tổng giá mua 13.720 tỷ đồng.

VAMC đã xử lý, phối hợp TCTD xử lý thu hồi nợ xấu 16.109 tỷ đồng dư nợ gốc (tăng 49% so với năm 2022), đạt 116,73% chỉ tiêu kế hoạch năm 2023. Trong đó, đối với các khoản nợ đã mua bằng TPĐB, VAMC đã phối hợp với các TCTD xử lý thu hồi nợ xấu đạt 14.697 tỷ đồng dư nợ gốc (tăng 49% so với năm 2022), đạt 122,48% chỉ tiêu kế hoạch năm 2023. Đối với các khoản nợ đã mua theo giá trị thị trường, VAMC xử lý thu hồi nợ xấu đạt 1.412 tỷ đồng dư nợ gốc (tăng 52% so với năm 2022), đạt 78,44% chỉ tiêu kế hoạch năm 2023. Lũy kế từ khi thành lập đến 31/12/2023, VAMC đã xử lý, phối hợp với TCTD xử lý thu hồi nợ đạt 349.081 tỷ đồng dư nợ gốc.

Năm 2023, Sàn giao dịch nợ đã thực hiện đăng ký thành viên và cấp quyền truy cập website cho 62 khách hàng; thực hiện 3 hợp đồng nguyên tắc môi giới bán khoản nợ xấu, TSBĐ; cung cấp thông tin các khoản nợ của các TCTD trên website của Sàn giao dịch nợ với tổng giá trị là 22.896 tỷ đồng; thông tin TSBĐ của các TCTD trên website của Sàn giao dịch nợ với tổng giá trị là 1.623 tỷ đồng; qua đó giúp TCTD xử lý thành công 330 khoản nợ, TSBĐ với giá trị 1.040 tỷ đồng; ký kết và triển khai 13 hợp đồng tư vấn và môi giới khoản nợ, TSBĐ với tổng phí dịch vụ là 177 triệu đồng; giá trị khoản nợ, TSBĐ xử lý qua nghiệp vụ tư vấn, môi giới của Sàn là 1,641 tỷ đồng.

Luỹ kế từ khi thành lập đến 31/12/2023, Sàn giao dịch nợ VAMC thực hiện đăng ký thành viên và cấp quyền truy cập website cho 216 khách hàng; ký kết và thực hiện 21 hợp đồng nguyên tắc môi giới bán khoản nợ xấu, TSBĐ; cung cấp thông tin các khoản nợ của các TCTD trên website của Sàn giao dịch nợ với tổng giá trị là 59.831 tỷ đồng; thông tin TSBĐ của các TCTD trên website của Sàn giao dịch nợ với tổng giá trị là 1.829 tỷ đồng; qua đó giúp TCTD xử lý thành công 333 khoản nợ, TSBĐ với giá trị 1.061 tỷ đồng; triển khai 23 hợp đồng tư vấn và môi giới khoản nợ, TSBĐ với tổng phí dịch vụ là 622 triệu đồng; giá trị khoản nợ xử lý thành công qua nghiệp vụ tư vấn, môi giới của Sàn giao dịch nợ là 1,843 tỷ đồng.

Hồng Dung thực hiện.
Theo Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2024

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục