Nợ xấu của nhiều ngân hàng sẽ được môi giới mua bán trên sàn giao dịch nợ VAMC

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là thông tin được lãnh đạo VAMC đưa ra tại Hội nghị “Hợp tác xử lý nợ xấu giữa VAMC với các TCTD” do VAMC tổ chức ngày 22/8.
Ông Lê Văn Hùng, Phó Tổng giám đốc VAMC phát biểu tại Hội nghị. Ông Lê Văn Hùng, Phó Tổng giám đốc VAMC phát biểu tại Hội nghị.

Kết quả thu hồi nợ của VAMC chiếm khoảng 66% tổng giá trị thu hồi nợ

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Văn Hùng, Phó tổng giám đốc VAMC cho biết, trong hơn 10 năm đi vào hoạt động, VAMC đã hợp tác với hầu hết các TCTD để triển khai công tác mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) nhằm thực hiện nhiệm vụ trọng tâm được NHNN giao phó.

Kết quả, lũy kế từ khi thành lập đến 31/7/2023, VAMC đã mua nợ bằng TPĐB được 28.030 khoản nợ, 17.377 khách hàng tại 42 TCTD với tổng dư nợ gốc nội bảng là 413.635 tỷ đồng, giá mua nợ là 380.091 tỷ đồng. Thông qua hoạt động hợp tác mua nợ bằng TPĐB, VAMC cùng với các TCTD đã hoàn thành sứ mệnh được giao với tỷ lệ nợ xấu nội bảng duy trì ở mức dưới 3% từ cuối năm 2015 trở lại đây, phù hợp với tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.

Ông Hùng cho biết: “Hiện tại, có 24 TCTD đã thanh toán hết TPĐB, VAMC đang quản lý 101.105 tỷ đồng mệnh giá TPĐB của 15 TCTD, chiếm 27% tổng mệnh giá TPĐB đã phát hành”.

Theo ông Hùng, năm 2017, VAMC thực hiện mua nợ theo giá thị trường và nhờ hành lang pháp lý thuận lợi (sự ra đời của Nghị quyết 42/2017/QH14) cùng với việc được bổ sung tăng vốn (vốn điều lệ của VAMC tăng từ 500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng năm 2017 và tăng từ 2.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng năm 2019) và thường xuyên nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía các TCTD, luỹ kế từ năm 2017 đến 31/7/2023, VAMC đã mua nợ theo giá thị trường từ 17 TCTD đối với 405 khoản nợ, 206 khách hàng với tổng dư nợ gốc là 12.231 tỷ đồng, giá mua là 12.949 tỷ đồng.

“Nhờ sự phối hợp tích cực, hiệu quả từ các TCTD, hoạt động mua nợ theo giá thị trường tại VAMC ngày càng được tăng cường, góp phần xử lý nhanh nợ xấu và thúc đẩy sự hình thành, phát triển của thị trường mua bán nợ tại Việt Nam”, ông Hùng nói.

Bên cạnh đó, ông Hùng thông tin, công tác xử lý thu hồi nợ được VAMC và các TCTD phối hợp tích cực triển khai với việc triển khai đồng bộ các biện pháp xử lý các khoản nợ đã mua như: đôn đốc thu hồi nợ, cơ cấu lại nợ, bán nợ và bán tài sản bảo đảm (TSBĐ), tổ chức đấu giá tài sản...

Theo đó, lũy kế từ khi thành lập đến 31/7/2023, VAMC đã phối hợp với các TCTD xử lý ước đạt 335.177 tỷ đồng dư nợ gốc (trong đó: xử lý từ khoản nợ mua bằng TPĐB ước đạt 325.836 tỷ đồng dư nợ gốc; xử lý từ khoản nợ mua theo giá thị trường ước đạt 9.341 tỷ đồng dư nợ gốc). Đặc biệt, Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD ra đời ngày 21/6/2017 với nhiều quyết sách ưu việt đã hỗ trợ tích cực hơn nữa cho công tác xử lý nợ xấu, giúp đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ tại VAMC cũng như tại các TCTD.

“Từ thời điểm Nghị quyết 42/2017/QH14 có hiệu lực đến nay, kết quả thu hồi nợ của VAMC chiếm khoảng 66% tổng giá trị thu hồi nợ”, ông Hùng nói.

Liên quan đến việc xử lý nợ đối với khoản nợ mua bằng TPĐB, ông Hùng cho biết, sau khi mua nợ, VAMC đã phối hợp chặt chẽ với các TCTD đôn đốc khách hàng trả nợ, hoàn thiện thủ tục pháp lý liên quan đến TSBĐ và khoản nợ, tìm kiếm nhà đầu tư để bán TSBĐ/khoản nợ, giải quyết các vướng mắc trong quá trình khởi kiện và thi hành án; đánh giá và phân loại các khoản nợ đã mua, trên cơ sở đó, phối hợp với các TCTD lựa chọn khách hàng để triển khai các biện pháp xử lý nợ, ủy quyền cho các TCTD quản lý và chủ động xử lý nợ.

Ông Hùng cho biết: “VAMC giám sát việc thực hiện nội dung uỷ quyền thông qua báo cáo kết quả hoạt động uỷ quyền và kiểm tra hoạt động ủy quyền định kỳ hoặc đột xuất. Luỹ kế đến 31/7/2023, VAMC đã phối hợp với các TCTD xử lý ước đạt 325.836 tỷ đồng dư nợ gốc từ khoản nợ mua bằng TPĐB”.

Đồng thời, để tạo chủ động cho các TCTD trong xử lý nợ thông qua tố tụng, VAMC đã ủy quyền (gần như 100% các khoản nợ mua) cho các TCTD đại diện VAMC thực hiện khởi kiện, thi hành án dân sự. Từ năm 2018 đến năm 2022, VAMC đã phối hợp với các TCTD xử lý gần 2.000 văn bản do Tòa án và cơ quan thi hành án các cấp gửi đến trong quá trình thực hiện tố tụng và thi hành án dân sự, góp phần đẩy nhanh thời gian thực hiện thi hành án. VAMC đã báo cáo và chuyển 800 vụ việc thi hành án dân sự có khó khăn, vướng mắc và đề nghị Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp giải quyết, với tổng số tiền phải thi hành án khoảng 11.191 tỷ đồng.

Gần 9.341 tỷ đồng dư nợ gốc từ khoản nợ mua theo giá thị trường được xử lý

Sau khi mua các khoản nợ theo giá thị trường, VAMC phối hợp với các TCTD triển khai ngay các biện pháp xử lý thu hồi nợ, bao gồm: thu giữ và xử lý TSBĐ; phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ khách hàng mua hoàn thiện thủ tục pháp lý nhằm đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ, bán nợ, bán TSBĐ... Luỹ kế đến 31/7/2023, VAMC đã phối hợp với các TCTD xử lý ước đạt 9.341 tỷ đồng dư nợ gốc từ khoản nợ mua theo giá thị trường.

Xung quanh vấn đề thu giữ TSBĐ, ông Hùng thông tin, từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 có hiệu lực đến nay, VAMC đã phối hợp với các TCTD, cơ quan Công an, chính quyền địa phương thực hiện thu giữ thành công một số TSBĐ có giá trị lớn, góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý các khoản nợ tại TCTD (TSBĐ điển hình như: Dự án đầu tư cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C tại địa chỉ 34 Tôn Đức Thắng, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh của nhóm khách hàng Công ty CP Sài Gòn One Tower với tổng nợ gốc và lãi của khoản nợ đạt gần 7.000 tỷ đồng).

Ngoài ra, VAMC trực tiếp nhận bàn giao/phối hợp với các TCTD nhận bàn giao một số TSBĐ có giá trị lớn từ khách hàng/bên bảo đảm như: Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang (giá trị TSBĐ 2.643 tỷ đồng), Công ty BMC, Lưu Thị Lợi (giá trị TSBĐ 323 tỷ đồng)...

“VAMC phối hợp với TCTD thực hiện cơ cấu nợ nhằm hỗ trợ khách hàng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, thu xếp vốn trả nợ ngân hàng. Đến 31/7/2023, kết quả hoạt động cơ cấu lại của VAMC như sau: Số tiền miễn giảm 5.009 tỷ đồng, dư nợ gốc được điều chỉnh lãi suất 2.971 tỷ đồng, dư nợ gốc được cơ cấu lại thời hạn trả nợ 2.124 tỷ đồng”, ông Hùng nói.

Đối với công tác đấu giá tài sản, từ năm 2018, VAMC đã kết hợp giữa tự tổ chức đấu giá và thuê tổ chức đấu giá, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật và đã đạt được kết quả khả quan, trong đó đáng chú ý là 100% tài sản đấu giá thành đều do VAMC tự tổ chức.

Phó Tổng giám đốc VAMC cho biết: “Luỹ kế đến 31/7/2023, VAMC đấu giá thành công 24/40 tài sản là khoản nợ/TSBĐ với tổng số tiền trúng đấu giá đạt 2.529 tỷ đồng; trong đó: 22 tài sản đấu giá thành là khoản nợ, chiếm 92% tổng số tài sản đấu giá thành của VAMC”.

Đáng chú ý, mặc dù mới đi vào hoạt động trong một thời gian ngắn (từ tháng 10/2021 đến nay), ông Hùng chia sẻ, nhờ sự hỗ trợ, hợp tác tích cực từ phía các TCTD, Sàn giao dịch nợ VAMC đã đạt được nhiều kết quả khả quan với 194 khách hàng đăng ký thành viên (91 tổ chức và 103 cá nhân), trong đó có 41 TCTD và các chi nhánh của TCTD, 09 AMC của TCTD; 20 TCTD và chi nhánh TCTD đã ký Hợp đồng nguyên tắc với Sàn giao dịch nợ VAMC.

Đại diện VAMC cho biết, đến 31/7/2023, có 17 TCTD và chi nhánh TCTD đã phối hợp với VAMC đăng thông tin khoản nợ xấu, TSBĐ của khoản nợ xấu lên website Sàn giao dịch nợ VAMC với số lượng 605 khoản nợ xấu, giá trị 42.408 tỷ đồng; 466 TSBĐ của khoản nợ xấu, giá trị 1.589 tỷ đồng (bao gồm cả các khoản nợ xấu của các TCTD được VAMC mua bằng TPĐB). Ngoài ra, Sàn giao dịch nợ VAMC đã thực hiện 16 hợp đồng tư vấn, trong đó có 10 hợp đồng tư vấn khoản nợ xấu với giá trị tư vấn 376 tỷ đồng, 6 hợp đồng tư vấn TSBĐ với giá trị 408 tỷ đồng, thu phí dịch vụ 527 triệu đồng.

“Sàn giao dịch nợ VAMC đang phối hợp với TCTD và các nhà đầu tư để thực hiện môi giới mua bán khoản nợ xấu tại một số TCTD như Nam A Bank, NCB...”, ông Hùng tiết lộ.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục