Ông Dũng cho biết, cách đây tròn một thập kỷ, nền kinh tế Việt Nam gặp khó khăn và suy thoái do chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh khiến nợ xấu tại các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng lên nhanh chóng.
Trước bối cảnh này, Ban Lãnh đạo NHNNVN thấy rằng cần phải có một công cụ đặc biệt hữu hiệu để xử lý nợ nhanh nhằm đưa tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD về mức an toàn, khơi thông dòng tín dụng cho nền kinh tế, bảo đảm an toàn, hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng trong điều kiện nguồn vốn ngân sách hạn hẹp.
“Theo đó. Ngày 27/6/2013, VAMC chính thức được thành lập tại Quyết định số 1459/QĐ-NHNN của NHNNVN theo Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/05/2013 của chính phủ phê duyệt “đề án thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam”, ông Dũng nói.
Cũng theo Phó Thống đốc, nhìn lại chặng đường 10 năm qua, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt giai đoạn 2020-2022 dịch bệnh Covid-19 lan rộng đã tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội nước ta. Song, với sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ và NHNN sự nỗ lực quyết tâm của Ban Lãnh đạo và cán bộ VAMC đã thích ứng linh hoạt với tình hình thực tế, vượt qua những khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả khả quan, toàn diện trên các mặt công tác.
Tại sự kiện, ông Đoàn Văn Thắng, Tổng Giám đốc VAMC đã chia sẻ kết quả hoạt động của Công ty trong 10 năm. Cụ thể, lũy kế từ khi thành lập đến 31/5/2023, VAMC đã mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) được 27.891 khoản nợ, 17.269 khách hàng tại 42 TCTD với tổng dư nợ gốc nội bảng là 412.242 tỷ đồng, giá mua nợ là 378.917 tỷ đồng. Luỹ kế đến 31/5/2023, VAMC đã mua nợ theo giá trị thị trường (GTTT) được 400 khoản nợ, 203 khách hàng với tổng dư nợ gốc là 12.216 tỷ đồng, giá mua là 12.934 tỷ đồng, góp phần xử lý nhanh nợ xấu và thúc đẩy sự hình thành, phát triển của thị trường mua bán nợ tại Việt Nam.
Cũng theo ông Thắng, VAMC xác định việc xử lý nợ xấu là nhiệm vụ trọng tâm, tập trung triển khai đồng bộ nhiều biện pháp xử lý các khoản nợ đã mua như: đôn đốc thu hồi nợ, cơ cấu lại nợ, bán nợ và bán tài sản bảo đảm (TSBĐ), tổ chức đấu giá tài sản, hợp tác toàn diện với các TCTD... Lũy kế đến 31/5/2023, VAMC đã xử lý và phối hợp với các TCTD xử lý ước đạt 333.482 tỷ đồng dư nợ gốc. Từ thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực đến nay, kết quả thu hồi nợ của VAMC chiếm 66% tổng giá trị thu hồi nợ.
Ông Đoàn Văn Thắng, Tổng giám đốc VAMC chia sẻ kết quả hoạt động kinh doanh chặng đường 10 năm của VAMC |
“Đặc biệt, nhằm thúc đẩy sự phát triển thị trường mua bán nợ, VAMC luôn chủ động, tích cực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, góp phần hình thành thị trường mua bán nợ. Hoạt động của Sàn giao dịch nợ VAMC đã góp phần minh bạch hóa thông tin nợ xấu, thúc đẩy thanh khoản trên thị trường, kết nối Nhà đầu tư, TCTD và VAMC trong hoạt động mua bán nợ, thu hút nhiều sự quan tâm và tham gia”, ông Thắng nói.
Được biết, đến 31/5/2023 đã có 189 khách hàng đăng ký thành viên Sàn giao dịch; triển khai 20 hợp đồng nguyên tắc môi giới bán khoản nợ xấu/TSBĐ và 13 hợp đồng tư vấn khoản nợ/TSBĐ; niêm yết khoản nợ/TSBĐ trên website của Sàn với tổng giá trị khoản nợ là 40.333 tỷ đồng và tổng giá trị TSBĐ là 1.169 tỷ đồng; hỗ trợ TCTD xử lý thành công 315 khoản nợ/TSBĐ với giá trị 697 tỷ đồng thông qua đăng thông tin trên website, hướng tới mục tiêu đưa VAMC trở thành trung tâm cung cấp thông tin về nợ xấu của các TCTD.
Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả VAMC đã đạt được trong 10 năm hình thành và phát triển, Phó Thống đốc Dũng nói: “Qua chỉ đạo và theo dõi trong 10 năm qua, VAMC đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tâm, khẳng định vai trò là công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong xử lý nợ xấu và giảm thiểu rủi ro cho hệ thống TCTD; đồng thời bảo toàn vốn và thực hiện tốt nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước”.
Cũng theo Phó Thống đốc, giai đoạn tới dự báo nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng như ngành Ngân hàng nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn do chịu tác động từ tình hình bất ổn của thế giới và hậu Covid-19. Để tiếp tục phát huy vai trò của VAMC là công cụ của Chính phủ và NHNN trong quá trình xử lý nợ xấu, đồng thời xây dựng VAMC trở thành trung tâm của thị trường mua bán nợ Việt Nam, ông Dũng đề nghị VAMC tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Thứ nhất, nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về mua bán, xử lý nợ xấu; đồng thời tiếp tục hoàn thiện quy chế nội bộ của VAMC phù hợp với các quy định mới của pháp luật để triển khai nhanh và có hiệu quả hoạt động mua bán và xử lý nợ.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả hoạt động mua bán và xử lý nợ: Đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ theo GTTT, tăng cường phối hợp với TCTD trong việc xử lý nợ xấu đã mua bằng TPĐB.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện mục tiêu tạo lập thị trường mua bán nợ xấu tập trung mà trong đó VAMC đóng vai trò là trung tâm của thị trường thông qua việc đẩy mạnh hoạt động của Sàn giao dịch nợ VAMC và tích cực duy trì hoạt động Câu lạc bộ Xử lý nợ.
Thứ tư, tích cực thực hiện các giải pháp nêu tại Chiến lược phát triển của VAMC đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được NHNNVN phê duyệt. Đẩy mạnh triển khai các nghiệp vụ mới như tái cấu trúc, mua bán sát nhập các doanh nghiệp, bảo lãnh... nhằm duy trì, phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời mở rộng hoạt động theo nguyên tắc thị trường đảm bảo vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường, vừa tăng tính bền vững trong hoạt động của VAMC.
Thứ năm, tăng cường năng lực tài chính cho VAMC để đạt mức 10.000 tỷ đồng Vốn điều lệ theo Quyết định 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” nhằm nâng cao năng lực tài chính và hiệu quả hoạt động của VAMC.
Thứ sáu, tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động, nâng cao năng lực quản trị rủi ro, gắn với tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới.
Phó Thống đốc nhấn mạnh: “Công cuộc xây dựng và hội nhập quốc tế của đất nước đang chuyển sang giai đoạn phát triển mới, đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với ngành Ngân hàng, trong đó có VAMC. Tôi mong muốn và tin tưởng trong giai đoạn tiếp theo, VAMC sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy những thành tựu và truyền thống tốt đẹp đã đạt được trong 10 năm qua. Với bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, đóng góp tích cực vào kết quả thực hiện nhiệm vụ chung của ngành Ngân hàng”.