Ủy ban Kinh tế nói gì về gói chính sách tài khoá, tiền tệ hơn 300.000 tỷ đồng?

0:00 / 0:00
0:00
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Chính phủ dự kiến hỗ trợ tiền tệ khoảng 46.000 tỷ đồng (Ảnh minh hoạ của Duy Linh) Chính phủ dự kiến hỗ trợ tiền tệ khoảng 46.000 tỷ đồng (Ảnh minh hoạ của Duy Linh)

Chính sách tiền tệ cần phải được lượng hóa cụ thể hơn để đánh giá tác động đến nền kinh tế, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu quan điểm khi thẩm tra Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Làm rõ tổng quy mô của các chính sách hỗ trợ

Vừa hoàn thành ngày 3/1/2022, báo cáo thẩm tra nội dung trên đã được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, phục vụ kỳ họp bất thường lần thứ nhất, khai mạc sáng 4/1.

Báo cáo thẩm tra nêu rõ, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với sự cần thiết thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Tờ trình của Chính phủ, tổng quy mô hỗ trợ của Chương trình gồm hỗ trợ tài khóa 291.000 tỷ đồng, hỗ trợ tiền tệ khoảng 46.000 tỷ đồng, hỗ trợ qua các quỹ khác 10.000 tỷ đồng và một số giải pháp hỗ trợ dự kiến triển khai nhưng chưa được tính toán cụ thể.

Như hỗ trợ qua chính sách tiền tệ (giải pháp giảm lãi suất cho vay, gia hạn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách Xã hội…) và các chính sách khác như giảm tiền điện, nước, cước viễn thông... (như đã tính toán năm 2021) .

Theo đó, ước tính năm 2021 đã giảm 1,5-2%/năm các mức lãi suất; cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ khoảng 600.000 tỷ đồng; miễn, giảm lãi suất cho 3,81 triệu tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng; thực hiện các chính sách miễn, giảm cước phí viễn thông, học phí, tiền điện và chi hỗ trợ từ các quỹ bảo hiểm với tổng quy mô 83.480 tỷ đồng.

Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc tính toán được quy mô hỗ trợ cụ thể của cả các chính sách tiền tệ và chính sách khác bên cạnh chính sách tài khóa sẽ thể hiện sự quan tâm và cam kết với doanh nghiệp, người dân trong quá trình triển khai Chương trình.

Do vậy, đề nghị Chính phủ bổ sung, tính toán lại số liệu để làm rõ tổng quy mô của các chính sách hỗ trợ.

Ngoài ra, cơ quan thẩm tra còn đề nghị đánh giá tác động đầy đủ, nhiều chiều của việc thực hiện các chính sách nêu trên đến tăng trưởng kinh tế, cân đối vĩ mô, lạm phát, nợ xấu… Ví dụ như phân tích rõ hơn về nhận định “tốc độ tăng trưởng GDP tăng thêm khoảng 2,9% năm 2022 và 0,2% năm 2023” có phải so với chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế mà Quốc hội thông qua tại Nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội hàng năm (như vậy, GDP năm 2022 có thể tăng tới 8,9% - 9,4% có khả thi hay không?). Đồng thời, tác động đến lạm phát chưa được phân tích số liệu cụ thể; chưa có đánh giá đối với tình hình nợ xấu trong thời gian tới.

Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng cần tính toán kỹ dư địa chính sách trong thời gian triển khai Chương trình và trong cả giai đoạn 2021-2025 để làm rõ khả năng ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an ninh tài chính quốc gia.

Tăng thuế đối với giao dịch chứng khoán, bất động sản

Tại tờ trình, Chính phủ trình Quốc hội quyết định việc cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam cho đến khi cơ quan có thẩm quyền công bố hết dịch Covid-19 theo một trong 2 phương án.

Phương án 1: Cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam cho đến khi cơ quan có thẩm quyền công bố hết dịch Covid-19. Đối với khoản đóng góp bằng hiện vật phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của Bộ Tài chính.

Phương án 2: Chỉ cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức bằng tiền cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam cho đến khi cơ quan có thẩm quyền công bố hết dịch Covid-19.

Đa số ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng vấn đề huy động xã hội hóa trong giai đoạn tới chưa được đánh giá kỹ lưỡng, việc tính toán chi phí thực tế được khấu trừ có nhiều rủi ro như giá kit test xét nghiệm hoặc giá trị tài trợ thông qua vật tư, thiết bị y tế bị đẩy giá lên cao thời gian vừa qua…, do đó, đề nghị thực hiện theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Một số ý kiến cho rằng, chính sách này thể hiện sự động viên, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức tiếp tục ủng hộ, tài trợ nhằm thu hút thêm nguồn lực cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, do vậy nhất trí với đề xuất của Chính phủ, tuy nhiên cần giới hạn trong phạm vi những khoản ủng hộ, tài trợ bằng tiền (phương án 2).

Ngoài ra, cơ quan thẩm ra cũng đề nghị cân nhắc quy mô, liều lượng của việc miễn, giảm thuế trong khi những biện pháp hỗ trợ thông qua thuế sẽ có tác dụng ngay đến doanh nghiệp và người dân.

Nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu biện pháp cho trừ bổ sung theo tỷ lệ nhất định trên cơ sở chi phí thực tế để tính thuế thu nhập doanh nghiệp, áp dụng trong ngắn hạn (chi phí tạo tài sản cố định trong 2 năm 2022 - 2023 và chi phí lao động năm 2022); tăng thuế đối với giao dịch chứng khoán, bất động sản, lĩnh vực kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số hoặc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng cần hạn chế tiêu dùng, báo cáo thẩm tra phản ánh.

Sau khi nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra, ngay chiều 4/1, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục