Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá thẳng thắn về gói hỗ trợ lãi suất 2%

0:00 / 0:00
0:00
Theo cơ quan của Quốc hội, việc chậm triển khai giải ngân gói hỗ trợ lãi suất đã bỏ lỡ cơ hội hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, đồng thời gây lãng phí nguồn lực ngân sách nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp.

Sáng 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4.

Tham gia thẩm tra nội dung trên, với việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban Kinh tế nêu nhiều con số từ báo cáo của Chính phủ.

Cụ thể là, thống kê sơ bộ, ước giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình đến nay đạt hơn 92.800 tỷ đồng, đạt khoảng 31% tổng quy mô nguồn lực của Chương trình. Trong đó, đến ngày 30/6/2023, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) ước giải ngân 5/5 chương trình tín dụng chính sách của Chương trình, đạt 19.090 tỷ đồng. Đến 30/6/2023, NHCSXH giải ngân số vốn vay các chương trình tín dụng chính sách được hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 36/2022/NĐ-CP đạt hơn 139.000 tỷ đồng, cho trên 3.300 khách hàng; thực hiện hỗ trợ lãi suất với tổng số tiền là 1.940 tỷ đồng.

Giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đã thực hiện giải ngân khoảng 3.679,3 tỷ đồng; các ngân hàng thương mại đã thực hiện hỗ trợ lãi suất khoảng 500 tỷ đồng đối với đối với chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho các khoản vay thông qua ngân hàng thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Miễn, giảm các loại thuế, phí là 60.201 tỷ đồng; đã gia hạn các loại thuế, tiền thuê đất theo các nghị định của Chính phủ là 114.523 tỷ đồng. Chi phí cơ hội hỗ trợ thông qua các chính sách gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất là 7.400 tỷ đồng.

Nhìn chung, sau 1,5 năm thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đã chủ động, nỗ lực xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chương trình, cơ quan thẩm tra đánh giá.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, một số nhiệm vụ triển khai còn chậm, ảnh hưởng đến hiệu quả của Chương trình.

Trong đó nổi bật là, về giao kế hoạch vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình, tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Quốc hội đã quyết nghị tăng chi từ nguồn NSNN tối đa 176.000 tỷ đồng với thời gian thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 và 2023 để hỗ trợ, đầu tư các nhiệm vụ, dự án trong từng ngành, lĩnh vực.

Mặc dù vậy, đến tháng 9/2022, Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Quyết định số 1113/QĐ-TTg ngày 21/9/2022 giao 147.138 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn NSTW của Chương trình; tháng 3/2023, ban hành Quyết định số 202/QĐ-TTg ngày 08/3/2023 giao 14.710,315 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn NSTW của Chương trình; tháng 7/2023, ban hành Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 24/7/2023 giao nốt số vốn của Chương trình là 13.369,468 tỷ đồng cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để triển khai thực hiện.

Theo báo cáo của Chính phủ, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình đến hết ngày 30/6/2023 đạt khoảng 24.281 tỷ đồng, mới đạt khoảng 15% số vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao chi tiết cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, đây là tỷ lệ giải ngân rất thấp, làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn, tạo áp lực giải ngân lớn đến hết kế hoạch năm 2023. Trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, tổng cầu suy giảm, đề nghị Chính phủ triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án quan trọng quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhằm hỗ trợ tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Việc triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất, Ủy ban Kinh tế nêu rõ, tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Quốc hội đã quyết nghị sử dụng tối đa 40.000 tỷ đồng từ NSNN để hỗ trợ lãi suất (2%/năm) cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thông qua hệ thống ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, đến hết tháng 5/2023 thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất mới đạt khoảng 500 tỷ đồng, tương đương 1,25% tổng nguồn lực, rất chậm so với yêu cầu đề ra.

“Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng trong bối cảnh doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khó khăn về tiếp cận tín dụng, việc chậm triển khai giải ngân chính sách hỗ trợ lãi suất đã bỏ lỡ cơ hội hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, đồng thời gây lãng phí nguồn lực NSNN. Đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện, thẳng thắn nguyên nhân chủ quan, khách quan để rút ra bài học kinh nghiệm cho việc xây dựng, ban hành, thực thi chính sách hỗ trợ lãi suất trong tương lai”, báo cáo thẩm tra nêu.

Liên quan đến Nghị quyết 43, nhiều chuyên gia cũng quan tâm đến việc tổ chức triển khai thực hiện. Bên cạnh những mặt tích cực ở phần phòng, chống dịch thì các nội dung về đầu tư chuẩn bị cho phục hồi và phát triển cũng còn khá chậm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh khi tham gia thảo luận.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục