Gói hỗ trợ lãi suất 2%: Băn khoăn chuyển nguồn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi các doanh nghiệp khát vốn thì gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2% sau gần 1 năm chính thức giải ngân chưa cho vay được 1%.
Chính sách cần hỗ trợ lĩnh vực sản xuất - kinh doanh phục hồi sau đại dịch Covid-19 Chính sách cần hỗ trợ lĩnh vực sản xuất - kinh doanh phục hồi sau đại dịch Covid-19

Gạo chưa thể thành cơm

Gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ lãi suất 2% với nguồn kinh phí từ ngân sách 40.000 tỷ đồng ban hành năm 2022 (theo Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 và Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022) được doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hết sức trông chờ, nhưng đến nay mới giải ngân được 330 tỷ đồng.

Ngày 13/4/2023, tại cuộc họp bàn về giải ngân vốn đầu tư công do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Tổ trưởng Tổ công tác số 1 của Thủ tướng Chính phủ về đốc thúc giải ngân đầu tư công chủ trì, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, quá trình giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại không được như mong muốn do quy định chưa cụ thể, trong khi điều kiện thực tiễn đã thay đổi.

Chẳng hạn, Nghị quyết 43/2022/QH15 quy định tiêu chí cứng “có khả năng phục hồi” là điều kiện để được hưởng chính sách ưu đãi, nhưng cả ngân hàng thương mại và doanh nghiệp đều gặp khó khăn khi xác định tiêu chí này. Ngân hàng Nhà nước đề xuất chuyển nguồn hỗ trợ lãi suất 2% sang các chính sách khác, những lĩnh vực đang thiếu vốn để tận dụng nguồn lực dôi dư.

Quan điểm của Chính phủ là giải ngân tối đa gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng trước khi tính đến giải pháp chuyển nguồn.

Trước đó, tại Lễ công bố Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 ngày 11/4/2023, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Giám đốc Dự án PCI cho hay, theo kết quả khảo sát 12.000 doanh nghiệp tham gia PCI 2022, hầu hết doanh nghiệp gặp khó khăn, trở ngại khi tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Cụ thể, 74,8% doanh nghiệp cho biết, điều kiện cho vay khó khăn là trở ngại lớn nhất; 12,3% doanh nghiệp phản ánh về sự thiếu minh bạch trong quy trình thủ tục; 5,6% doanh nghiệp cho rằng, thời hạn cho vay ngắn và 7,5% doanh nghiệp gặp những khó khăn khác trong quá trình thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay.

Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân năm 2023 do Hiệp hội Kinh tế tư nhân tổ chức ngày 2/4, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Tập đoàn Bất động sản Đông Á, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá nhận xét, thiếu vốn, thủ tục hành chính rườm rà, chính sách không nhất quán, thanh kiểm tra nhiều..., khiến đa số doanh nghiệp Thanh Hoá “ốm yếu”; trong khi đó, các gói tín dụng hỗ trợ không đến được doanh nghiệp do vướng nhiều rào cản, thủ tục, nhất là gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Bên lề Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp năm 2023 do Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá tổ chức hôm 31/3, chủ tịch hội đồng quản trị một công ty sản xuất ở Sầm Sơn chia sẻ, là đối tượng cần được hỗ trợ phục hồi sau đại dịch Covid-19, nhưng doanh nghiệp không thể tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất do ngân hàng yêu cầu các tiêu chí doanh thu, sản lượng, triển vọng phục hồi phải tích cực, trong khi kinh tế toàn cầu khó khăn, lạm phát cao…

Dự kiến giải ngân tối đa cũng chỉ đạt 6,2%

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp bàn về giải ngân vốn đầu tư công ngày 13/4/2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhìn nhận, “doanh nghiệp có khả năng phục hồi” là tiêu chí trừu tượng, khó đánh giá, nên quá trình triển khai gói 40.000 tỷ đồng nảy sinh vướng mắc.

Phó Thủ tướng yêu cầu, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại “giải ngân tối đa có thể” nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Nếu chuyển sang sử dụng cho chính sách khác thì phải làm rõ chính sách gì để đề xuất phương án cụ thể.

Như vậy, quan điểm của Chính phủ là giải ngân tối đa trước khi tính đến giải pháp chuyển nguồn. Tuy nhiên, trước đó, khi trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 31/2022/NĐ-CP để tạo điều kiện triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% thuận lợi hơn, Ngân hàng Nhà nước dự kiến, sau khi Nghị định được sửa đổi, con số giải ngân cũng chỉ khiêm tốn là 2.345 tỷ đồng trong năm 2023, vẫn còn tới 37.521 tỷ đồng dự kiến không giải ngân hết.

Không nên vì sự tắc nghẽn ở chỗ này mà đẩy dòng vốn sang chỗ khác, vốn không được thiết kế chính sách ngay từ đầu, sẽ gây méo mó chính sách.

Đến thời điểm này, có không ít ý kiến đề xuất chuyển nguồn gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng, thậm chí chuyển sang lĩnh vực bất động sản để tạo hiệu ứng lan toả cho nền kinh tế phục hồi và phát triển.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, có 3 nguyên nhân chính khiến gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2% triển khai rất chậm: một là, khó xác định tiêu chí “có khả năng phục hồi”; hai là, chưa có quy định chi tiết xác định đối tượng thụ hưởng; tâm lý sợ bị thanh tra, kiểm tra sau đó, nhất là kiểm toán.

“Cần phải khơi thông được cả 3 vướng mắc. Nếu thật sự cảm thấy bế tắc thì có thể tính đến phương án chuyển đổi khoản hỗ trợ sang mục đích khác, ví dụ cho vay để phát triển nhà ở xã hội, hoặc cho vay đối với một số lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ”, ông Lực nói.

Về ý kiến chuyển nguồn hỗ trợ sang lĩnh vực bất động sản, ông Lực nhìn nhận, việc này không thiết thực và không khả thi, bởi vì khó khăn lớn nhất của lĩnh vực bất động sản hiện nay là vấn đề pháp lý, nên kể cả có tiền mà không tháo gỡ vướng mắc pháp lý thì cũng không giải ngân được.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội khuyến nghị, nên triệt để gỡ vướng điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng. Vướng ở điều kiện, thủ tục thì gỡ vướng điều kiện, thủ tục, còn vướng ở hậu kiểm thì nới lỏng hậu kiểm…, tạo thuận lợi cho ngân hàng giải ngân. Chỗ này chính là thể hiện tinh thần đột phá, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của Ngân hàng Nhà nước và cơ quan thực thi chính sách. Không nên vì sự tắc nghẽn ở chỗ này mà đẩy dòng vốn sang chỗ khác, vốn không được thiết kế chính sách ngay từ đầu, sẽ gây méo mó chính sách.

Trường hợp buộc phải chuyển nguồn, ông Việt cho rằng, nên chuyển vào chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, vốn áp dụng rất tốt trong năm 2022 (thuế suất giảm từ 10% xuống 8%). Có thể làm một đề xuất trực tiếp giống như đề xuất giảm thuế xăng dầu năm ngoái của Bộ Tài chính, vừa nhanh gọn, đơn giản, không cần thêm điều kiện, mà lại đúng mục tiêu chính sách từ đầu là hỗ trợ lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, đối tượng ưu tiên phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục