Ngày 3/9, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) nhận định một lượng vắcxin ngừa COVID-19 nhiều chưa từng thấy có thể được 28 hãng dược phẩm tại 10 quốc gia sản xuất trong vòng 2 năm tới.
UNICEF cam kết sẽ hỗ trợ các nỗ lực mua và phân phối vắcxin ngừa COVID-19. Theo đó, UNICEF cho biết 28 hãng sản xuất vắcxin đã chia sẻ các kế hoạch sản xuất vắcxin ngừa COVID-19 hằng năm đến hết năm 2023.
Một báo cáo đánh giá thị trường của UNICEF cho thấy các nhà sản xuất vắcxin sẵn sàng chung nhau sản xuất một lượng vắcxin ngừa COVID-19 lớn chưa từng thấy trong 1 đến 2 năm tới.
Tuy nhiên, các hãng dược phẩm cho rằng kế hoạch sản xuất này phụ thuộc nhiều vào một số yếu tố như sự thành công của các thử nghiệm lâm sàng, thỏa thuận đặt mua vắcxin, cam kết tài chính, quy định và thuận lợi trong quy trình đăng ký cấp phép.
Hiện UNICEF và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang cùng dẫn đầu kế hoạch phân bổ vắcxin và thuốc điều trị bệnh COVID-19 mang tên COVAX. Kế hoạch này nhằm đảm bảo các nước được mua và tiếp cận công bằng các vắcxin phòng COVID-19.
Vai trò của UNICEF trong kế hoạch COVAX xuất phát từ thực tế tổ chức này là khách hàng mua vắcxin lớn nhất thế giới.
UNICEF cho biết hằng năm tổ chức này thay mặt gần 100 quốc gia trên thế giới mua hơn 2 tỷ liều vắcxin phục vụ chủng ngừa định kỳ và ứng phó với dịch bệnh.
COVAX được coi là một nỗ lực toàn cầu nhằm tìm lời giải cho bài toán làm sao để có thể phân bổ rộng rãi vắcxin ngừa COVID-19 với mức chi phí vừa phải, để mọi người dân trên thế giới đều có cơ hội tiếp cận "vũ khí" phòng bệnh này.
Tuy nhiên, việc thực hiện kế hoạch có thể gặp khó khăn nếu không có sự cam kết từ các nước lớn và giàu có trên thế giới. WHO cho biết đã có 76 quốc gia giàu có trên thế giới cam kết tham gia kế hoạch COVAX.
Tuy nhiên, ngày 1/9 vừa qua, Mỹ gây lo ngại với thông báo sẽ không tham gia kế hoạch COVAX do chính quyền của Tổng thống Donald Trump phản đối WHO.