Ứng viên ĐBQH ở Trung ương phân bổ về địa phương theo nguyên tắc nào?

0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Quốc hội khoá XIV tái cử cơ bản tiếp tục giới thiệu ứng cử tại địa phương đang là đại biểu.
Các vị Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư được phân bổ đồng đều theo 8 khu vực trên cả nước (Trong ảnh, lãnh đạo nhà nước bỏ phiếu kiện toàn nhân sự tại kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khoá XIV - Ảnh: Quochoi.vn) Các vị Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư được phân bổ đồng đều theo 8 khu vực trên cả nước (Trong ảnh, lãnh đạo nhà nước bỏ phiếu kiện toàn nhân sự tại kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khoá XIV - Ảnh: Quochoi.vn)

Các vị Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư được phân bổ đồng đều theo 8 khu vực trên cả nước, quan tâm các tỉnh trọng điểm của vùng, những tỉnh điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, phức tạp về an ninh trật tự, yêu cầu cao về quốc phòng.

Như Báo Đầu tư đã thông tin, sau Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã gửi danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội ở trung ương phân bổ về các tỉnh, thành trong cả nước.

Đáng chú ý là danh sách được chốt tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba là 205 người đã giảm xuống còn 203 người. Hai người không có tên trong danh sách phân bổ là ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- an ninh của Quốc hội khoá XIV và bà Phạm Thị Bích Ngọc, hàm vụ trưởng, Văn phòng Quốc hội.

Kết quả phân bổ, TP.HCM là nơi có nhiều ứng cử viên trung ương về ứng cử nhất với 13 người, Hà Nội 12 người, Thanh Hóa 7 người, các tỉnh Nghệ An, Bình Dương, Đồng Nai mỗi địa phương 6 người, còn lại các tỉnh, thành khác được phân bổ từ 2 - 4 người.

Vậy việc phân bổ này được thực hiện theo nguyên tắc nào? Theo nghị quyết của Hội đồng Bầu cử quốc gia, về nguyên tắc chung, đối với các tỉnh, thành phố được bầu 6, 7, 8 đại biểu (có 2, 3 đại biểu Trung ương) thì xem xét giới thiệu 1 ứng cử viên là Ủy viên Trung ương ứng cử.

Đối với các tỉnh, thành phố được bầu từ 8 đại biểu trở lên (có ít nhất 4 đại biểu Trung ương) mà Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội không là Ủy viên Trung ương thì có thể giới thiệu 2 Ủy viên Trung ương về ứng cử.

Nghị quyết cũng nêu rõ, các lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước được giới thiệu ứng cử ở 5 thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng.

Kết quả phân bổ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ứng cử tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ứng cử tại TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính ứng cử tại Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ứng cử tại Hải Phòng và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ứng cử tại Đà Nẵng.

Các vị Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư được phân bổ đồng đều theo 8 khu vực trên cả nước (gồm Đông Bắc, Tây Bắc Bộ, Đồng bằng sông Hồng và duyên hải bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ), quan tâm các tỉnh trọng điểm của vùng, những tỉnh điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, phức tạp về an ninh trật tự, yêu cầu cao về quốc phòng.

Các ứng viên là Ủy viên Trung ương cần được giới thiệu về các vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, có cân nhắc để phù hợp với lĩnh vực quản lý của ngành, theo yêu cầu của Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Nghị quyết cũng nêu rõ không bố trí 2 Ủy viên Trung ương cùng khối công tác về cùng một địa phương (trừ Hà Nội và TP.HCM).

Đối với đại biểu tái cử, người ứng cử đang công tác tại địa phương, nguyên tắc là đại biểu khoá XIV tái cử cơ bản tiếp tục giới thiệu ứng cử tại địa phương đang là đại biểu. Đại biểu đã ứng cử hai nhiệm kỳ trở lên ở cùng địa phương, nếu có nguyện vọng thì được xem xét giới thiệu ứng cử tại địa phương khác.

Theo nguyên tắc này, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga sau hai nhiệm kỳ ứng cử tại Thái Nguyên đã về ứng cử tại Hà Nam. Rất nhiều đại biểu tái cử được phân bổ về các địa bàn quen thuộc. Trong các ứng viên mới nhận được nhiều sự quan tâm qua các vòng hiệp thương, hai anh em ruột Lò Việt Phương và Lò Thị Việt Hà một người ứng cử tại Sơn La, còn một người ứng cử tại Tuyên Quang.

Nghị quyết cũng yêu cầu, người ứng cử đang công tác ở địa phương được giới thiệu ứng cử để chuyển về Trung ương công tác thì ứng cử ngay tại địa phương đó.

Với nguyên tắc này, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân được phân bổ về An Giang, nơi bà làm Bí thư Tỉnh ủy.

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân quy định, chm nht là ngày 28/4/2021 (25 ngày trước ngày bầu cử) sẽ phải công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp. Sau đó các ứng viên sẽ tiến hành vận động bầu cử.

Ngày 23/5/2021 là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục