Theo đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn ứng cử tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ứng cử tại TP.HCM (lần gần nhất ông ứng cử tại Hải Phòng), Thủ tướng Phạm Minh Chính ứng cử tại Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ứng cử tại Hải Phòng.
Sau Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã ban hành nghị quyết phân bổ người ứng cử ở Trung ương về địa phương ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV.
TP.HCM là nơi được phân bổ nhiều ứng cử viên trung ương nhất với 13 người, Hà Nội 12 người, Thanh Hóa 7 người, Nghệ An, Bình Dương, Đồng Nai mỗi tỉnh 6 người, còn lại các tỉnh, thành khác được phân bổ từ 2 - 4 người.
11 ứng cử viên thuộc cơ quan Đảng, ngoài Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục ứng cử tại Hà Nội, các ứng cử viên còn lại được phân bổ ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Ông Võ Văn Thưởng ứng cử tại Đà Nẵng, ông Trần Cẩm Tú ở Lào Cai, ông Nguyễn Xuân Thắng tại Quảng Ninh, bà Trương Thị Mai ứng cử ở Hòa Bình, ông Lê Minh Hưng tại Hà Tĩnh, ông Trần Tuấn Anh ở Khánh Hòa, ông Lê Hoài Trung tại Thừa Thiên Huế, bà Bùi Thị Minh Hoài ở Đắk Lắk, ông Phan Đình Trạc tại Lâm Đồng và ông Nguyễn Trọng Nghĩa ứng cử ở Tây Ninh.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ứng cử tại TP.HCM, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân ứng cử tại An Giang, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải ứng cử tại Nam Định.
Khối Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ứng cử tại Cần Thơ. Phó thủ tướng Phạm Bình Minh ứng cử tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Một số vị Bộ trưởng vẫn ứng cử tại địa bàn cũ như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Quảng Trị), Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung (Thanh Hóa).
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long ứng cử tại Kiên Giang và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ứng cử tại Vĩnh Long. Bộ trưởng Bộ Nông nghiêp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan ứng cử tại Đồng Tháp, nơi ông từng làm Bí thư Tỉnh ủy.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm ứng cử tại Hưng Yên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên ở Hải Phòng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn ứng cử tại Vĩnh Phúc. Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng ứng cử tại Kon Tum, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc ở Bình Định, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang tại Thái Nguyên và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ứng cử tại Yên Bái, nơi bà từng làm Bí thư Tỉnh ủy.
Ở khối Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn về Hậu Giang, Phó chủ tịch Nguyễn Khắc Định ứng cử ở Thái Bình, Phó chủ tịch Nguyễn Đức Hải về quê hương Quảng Nam và thượng tướng Trần Quang Phương ứng cử tại Quảng Ngãi.
Trưởng ban Dân Nguyện Dương Thanh Bình ứng cử tại chỗ cũ là Cà Mau, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng về Sóc Trăng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối Ngoại Vũ Hải Hà ở Đồng Nai, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm ứng cử tại Gia Lai, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban Công tác đại biểu vẫn ứng cử tại Ninh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga về Hà Nam, Tổng thư ký Bùi Văn Cường ở Hải Dương. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế ông Vũ Hồng Thanh vẫn về Quảng Ninh ứng cử, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh ở Phú Thọ, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Nguyễn Đắc Vinh ở Tuyên Quang, Trung tướng Trần Hồng Minh ứng cử tại Lai Châu.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến ứng cử tại Nghệ An, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Đại tướng Lương Cường tại Thanh Hóa, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình ở Bắc Giang (khoá XIV ông ứng cử ở Quảng Ngãi) và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí vẫn ứng cử tại TP.HCM, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh cũng vẫn ứng cử tại nơi cũ là Lạng Sơn.
Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc ứng cử tại Hà Nội thay vì ở Thái Bình như nhiệm kỳ trước.
Sau khi được phân bổ, các ứng viên ở Trung ương sẽ về tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử tại đơn vị bầu cử đã được sắp xếp.