Việc tổ chức để người ứng cử tiếp xúc, gặp gỡ cử tri và thực hiện quyền vận động bầu cử sẽ là một trong những nội dung nằm trong kế hoạch giám sát đợt 3 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành kế hoạch giám sát, kiểm tra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (đợt 2 và đợt 3).
Theo đó, Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo việc chỉ đạo triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cuối tháng 4 và tháng 5 năm 2021.
Cụ thể, tại phiên họp cuối tháng 4/2021, nội dung báo cáo gồm kết quả hội nghị hiệp thương lần thứ ba; kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trong cuộc bầu cử; việc đảm bảo an ninh cho cuộc bầu cử; kết quả giám sát đợt II của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử quốc gia; công tác đảm bảo an ninh, công tác tuyên truyền.
Còn tại phiên họp cuối tháng 5/2021 nội dung báo cáo là kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Kết quả giám sát đợt III của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử quốc gia.
Trên cơ sở những nội dung giám sát, kiểm tra nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử quốc gia tổ chức thành lập các Đoàn giám sát, kiểm tra các địa phương do Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia hoặc thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm trưởng đoàn, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh trùng lắp.
Trong đợt 2 ừ ngày 13/ 4 đến 25/4/ 2021 nội dung giám sát có việc tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba và lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; việc lập và niêm yết danh sách cử tri; việc chia khu vực bỏ phiếu.
Đợt này còn giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về công tác bầu cử, về những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; công tác thông tin, tuyên truyền trong cuộc bầu cử; Công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, y tế (nhất là các phương án phòng, chống dịch Covid-19) trong cuộc bầu cử; những vấn đề nổi lên và những ý kiến, kiến nghị của địa phương.
Theo kế hoạch, giám sát đợt 3 được tiến hành từ ngày 5/ 5 đến ngày 18/5/2021.
Nội dung giám sát đầu tiên là việc tổ chức để người ứng cử tiếp xúc, gặp gỡ cử tri và thực hiện quyền vận động bầu cử.
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định, việc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở đơn vị bầu cử nào thì thực hiện vận động bầu cử tại đơn vị bầu cử đó. Các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của các tổ chức này không được vận động cho người ứng cử.
Thời gian vận động bầu cử được bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức (chậm nhất là ngày 28/4) những người ứng cử và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ (trước 7 giờ sáng ngày 22/5/2021).
Việc vận động bầu cử của người ứng cử được tiến hành bằng các hình thức gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử và thông qua phương tiện thông tin đại chúng.
Bên cạnh vận động bầu cử, nội dung giám sát đợt 3 còn có việc niêm yết danh sách những người ứng cử ở đơn vị bầu cử; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về công tác bầu cử, về những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; công tác thông tin, tuyên truyền trong cuộc bầu cử; công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử.
Công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn, y tế (nhất là các phương án phòng, chống dịch Covid-19) trong cuộc bầu cử cũng nằm trong nội dung giám sát của đợt này.
Theo quyết định của Quốc hội, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ diễn ra vào ngày 23/5/2021.