Ứng phó với tình trạng thiếu nguồn cung nguyên liệu

Nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc đang bị đình trệ do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp công nghệ cao, dệt may, sản xuất hàng tiêu dùng… đối mặt thách thức không nhỏ cùng bài toán tìm kiếm thị trường thay thế.
Đo thân nhiệt, phát khẩu trang cho công nhân tại Công ty Bowker Việt Nam (Hồng Kông) tại tỉnh Bình Dương. Đo thân nhiệt, phát khẩu trang cho công nhân tại Công ty Bowker Việt Nam (Hồng Kông) tại tỉnh Bình Dương.

Thiếu nguyên liệu sản xuất

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Hồ Thị Thu Uyên, Chi hội trưởng Chi hội Doanh nghiệp khu công nghệ cao (SBA), Chi hội vừa có văn bản gửi tới Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) và Hiệp hội Doanh nghiệp khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM về việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, phụ tùng giữa Việt Nam và Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Covid-19.

Lý do là bởi, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản thông báo hủy toàn bộ phép bay đã cấp và tạm dừng cấp phép các chuyến bay mới cho các hãng hàng không Việt Nam và hãng hàng không nước ngoài khai thác giữa Việt Nam và Trung Quốc từ thời điểm 13h00 ngày 1/2/2020.

SBA nhận thấy, nhu cầu vận chuyển hàng hóa (bao gồm cả nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, phụ tùng) giữa Việt Nam và Trung Quốc nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp hội viên là rất lớn.

“Thiếu hụt nguyên vật liệu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Các đơn hàng đã lên kế hoạch cho quý I/2020 bị đình trệ sẽ khiến một lượng lớn người lao động bị thiếu việc làm trong tháng 2 và tháng 3/2020”, bà Uyên nói.

Đơn cử, với Công ty Intel Việt Nam (Mỹ) tại SHTP, hiện nay, doanh nghiệp FDI này có khoảng 2.500 lao động; diện tích, quy mô lớn nhất trong các nhà máy của Tập đoàn Intel ở khu vực châu Á.

Bà Uyên nhấn mạnh, trong chuỗi sản xuất toàn cầu của Intel, nhà máy tại Việt Nam có vị trí rất quan trọng khi thực hiện công đoạn kiểm nghiệm và hoàn chỉnh sản phẩm cuối Chip-Intel. Những sản phẩm, máy móc, thiết bị được đưa đến Việt Nam để phục vụ sản xuất, trong đó có những loại đến từ nhà máy tại Trung Quốc, bằng cả đường hàng không và đường biển.

Đại diện Intel Việt Nam cho biết, Công ty luôn có những kế hoạch để chủ động ứng phó với những tình huống xấu, ảnh hưởng đến sản xuất, nên chưa bị tác động quá lớn do tạm dừng cấp phép các chuyến bay, nhưng cũng thừa nhận, nếu việc vận chuyển hàng hóa tiếp tục gặp khó khăn trong thời gian tới, thì chắc chắn, doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng dây chuyền.

Một doanh nghiệp FDI khác đang hoạt động tại SHTP là Công ty Datalogic Việt Nam (Italia) cũng đang đối mặt thách thức lớn về nguyên liệu. Datalogic Việt Nam được cấp phép năm 2009 với vốn đầu tư đăng ký 46 triệu USD, sản phẩm chủ lực là máy đọc mã vạch cầm tay, máy đọc mã vạch để bàn, máy tính di động…

Ông Đặng Văn Chung, Giám đốc Datalogic Việt Nam cho biết, việc sản xuất của doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào nguồn linh phụ kiện nhập từ Trung Quốc. Linh kiện được nhập về hàng tuần, thậm chí là hàng ngày. Hiện nay, số linh kiện dự trữ của doanh nghiệp chỉ có thể đủ cho sản xuất đến hết tuần này. Nếu nhà cung cấp tại Trung Quốc vẫn chưa hoạt động và các chuyến bay vẫn chưa được nối lại, thì nguy cơ doanh nghiệp phải dừng sản xuất là rất cao.

Thường trực nhiều nỗi lo cũng là chia sẻ của ông Đỗ Long, Tổng giám đốc Công ty Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tân - doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giày dép chất lượng cao. Theo ông Long, từ khi dịch nCoV bùng phát đến nay, bên cạnh công tác phòng chống dịch bệnh cho toàn thể người lao động, doanh nghiệp không chỉ lo thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất, mà còn lo hàng hóa tiêu thụ chậm hoặc không tiêu thụ được ở các địa phương đang khoanh vùng chống dịch.

Chủ động ứng phó

Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết, nhằm chủ động phòng, chống dịch nCoV, Ban đã có văn bản gửi đến các doanh nghiệp yêu cầu báo cáo  tình hình lao động người nước ngoài đang làm việc tại doanh nghiệp, về nước nghỉ lễ nhân dịp Tết Nguyên đán 2020 và chuẩn bị quay trở lại Việt Nam làm việc, đặc biệt là trở về từ các vùng đã công bố có dịch của Trung Quốc…

Các ngành chức năng của Bình Dương cũng tiến hành kiểm tra tại các doanh nghiệp có nhiều chuyên gia nước ngoài làm việc, nhất là chuyên gia Trung Quốc. Kết quả kiểm tra tại các công ty: Happy Smart, Kaiser, Chánh Dương trong ngày 7/2 cho thấy, tất cả các chuyên gia Trung Quốc đều đang được cách ly, theo dõi tại ký túc xá của các doanh nghiệp trong vòng 14 ngày theo quy định.

Theo ông Lê Hồng Phoa, Chủ tịch Hiệp hội May mặc tỉnh Bình Dương, ngành dệt may Việt Nam đang có quan hệ thương mại 2 chiều rất lớn với Trung Quốc. Nguyên phụ liệu dệt may, xơ sợi, vải đang được nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc với lượng lớn. Do ảnh hưởng của dịch nCoV, nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc bị gián đoạn đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp dệt may.

Để hạn chế những tác động tiêu cực, ông Phoa nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần tập trung khai thác nguồn nguyên liệu, phụ liệu trong nước hoặc từ các thị trường khác để thay thế nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc, bảo đảm duy trì sản xuất, kinh doanh và đời sống của người lao động.

Về phía SBA, bà Uyên cho biết, Chi hội đã đề xuất SHTP và Hiệp hội Doanh nghiệp khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM có kiến nghị đến cơ quan, ban, ngành chức năng nhằm đảm bảo việc lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất giữa Việt Nam và Trung Quốc. Các doanh nghiệp cũng cam kết, việc vận chuyển này sẽ đảm bảo tuân thủ tuyệt đối các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh.

Đối với ngành công nghiệp thép tiền chế, việc duy trì đủ lượng tồn kho đóng vai trò quan trọng nhằm cung cấp hàng hóa nhanh chóng cho khách hàng trong thị trường xây dựng.

Với 25 năm kinh nghiệm tại thị trường Việt Nam, PEB Steel thường có xu hướng giữ lượng hàng lớn hơn bình thường trong dịp Tết Nguyên đán, vì dự đoán các lô hàng từ Trung Quốc sẽ giảm trong kỳ nghỉ Tết. Dịch Conora xảy ra, nhưng PEB Steel vẫn có đủ nguồn dự trữ nguyên liệu cho hoạt động sản xuất trong vài tháng tới.

Thật khó để dự đoán tình hình trong dài hạn, vì dịch Conora đang lây lan với tốc độ nhanh gấp 6 lần so với SARS và có thể gây ra nhiều thách thức cho chúng tôi cũng như khách hàng, vì họ là các công ty toàn cầu dựa vào các nhà cung cấp ở Trung Quốc. Các doanh nghiệp tại Trung Quốc đóng cửa càng lâu, thì việc kinh doanh toàn cầu càng phức tạp hơn.

Ông Sami Kteily, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhà thép PEB Steel

Hồng Sơn - Thành Vân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục