Thị trường thiết bị y tế, khẩu trang: “Nóng” về giá, khan nguồn hàng

38 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế cùng nhiều đơn vị nhập khẩu vật tư, thiết bị y tế đang vận hành tối đa công suất nhằm “hạ nhiệt” thị trường trước đại dịch Corona.
Người dân xếp hàng trước cửa nhà thuốc để chờ mua khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn... Ảnh: Đức Thanh Người dân xếp hàng trước cửa nhà thuốc để chờ mua khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn... Ảnh: Đức Thanh

Thiếu hàng khắp các tỉnh, thành phố

Virus Corona bùng phát tại Trung Quốc và lan sang nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, khiến thị trường thiết bị y tế, khẩu trang nóng lên chưa từng thấy. Có thời điểm, hàng hóa bị thổi giá gấp cả chục lần, nhiều cơ sở kinh doanh trữ hàng để tăng giá bán… khiến Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) phải ra quân tổng kiểm tra, xử lý.

Chỉ trong 3 ngày ra quân (từ ngày 31/1 đến ngày 2/2/2020), lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 1.221 vụ vi phạm về giá tại các cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế trên địa bàn cả nước, xử phạt các cơ sở kinh doanh hàng trăm triệu đồng với vi phạm về giá bán.

Ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, sau khi triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, hiện tượng thu gom khẩu trang y tế và các sản phẩm sát trùng đã giảm so với những ngày trước. Tuy nhiên, ngay tại Hà Nội vẫn xảy ra hiện tượng thiếu hàng, tăng giá các mặt hàng khẩu trang, nước sát trùng và găng tay y tế phục vụ phòng bệnh; nhiều cửa hàng báo hết hàng hoặc chỉ còn số lượng ít, chỉ bán 1 - 2 hộp cho mỗi khách hàng.

Không riêng tại các chợ thuốc, nhiều nhà thuốc bệnh viện cũng báo hết khẩu trang y tế, nước sát khuẩn để bán. Đặc  biệt là đầu tuần này, nhiều hiệu thuốc ở chợ thuốc Hapulico (Hà Nội) còn trưng biển “không bán khẩu trang”,  “không bán nước rửa tay  khô”, “không bán thuốc sát trùng”, khiến nhiều khách hàng bức xúc. Nhân viên của nhiều cửa hàng còn khẳng định: “chưa biết khi nào mới có hàng lại”.

Báo cáo của lực lượng quản lý thị trường 2 ngày qua cũng ghi nhận, tại nhiều địa phương, mặt hàng khẩu trang, nước sát khuẩn đang khan hiếm; các nhà thuốc báo số lượng còn lại trong kho rất ít. Nguồn cung hạn chế, trong khi cầu tăng cao, hầu hết các cửa hàng còn rất ít hàng và bán ra với số lượng hạn chế, giá bán tăng.

Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, khẩu trang không nằm trong diện mặt hàng bình ổn giá hoặc Nhà nước định giá. Tuy nhiên, hành động cố tình găm hàng, đầu cơ cũng có thể bị xem xét xử lý theo quy định pháp luật.

Đo năng lực sản xuất

Thông tin từ Bộ Y tế, hiện có 38 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế, trong đó có khoảng 11 đơn vị sản xuất quy mô lớn với năng lực sản xuất 1,245 triệu chiếc/ngày. Dù vậy, trước tâm điểm dịch, các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế đang lo thiếu nguyên liệu.

Do nhu cầu của người dân tăng cao, tại thời điểm này, các cơ sở kinh doanh thiết bị y tế tại nhiều địa phương như Quảng Bình, Nghệ An, Lạng Sơn… đều bị thiếu hụt lượng khẩu trang y tế và sản phẩm sát trùng; một số quầy thuốc vẫn còn khẩu trang để bán, nhưng số lượng ít. Các cơ sở kinh doanh niêm yết giá cao hơn so với thời điểm ngày 1/2/2020, giá mặt hàng khẩu trang y tế dao động từ 100.000 đồng - 130.000 đồng/hộp 50 chiếc (tùy loại).    

Công ty CP Tanaphar là một trong số ít doanh nghiệp có dây chuyền thiết bị đồng bộ với năng lực sản suất khoảng 50.0000 - 60.000 sản phẩm khẩu trang y tế/ngày.

Ông Đào Đình Khoa, Giám đốc Tanaphar cho biết: “Tanaphar đang sản xuất 2 loại khẩu trang là khẩu trang thông thường và khẩu trang tiệt trùng (có 4 lớp, gồm 2 lớp vải không dệt, 1 lớp vải không dệt kháng khuẩn và 1 lớp vải tẩm than hoạt tính). Trong đợt cao điểm phòng, chống dịch Corona, Công ty huy động tối đa công suất dây chuyền thiết bị và toàn bộ nhân lực làm việc 24/24 giờ/ngày nhằm đảm bảo đáp ứng tối đa nhu cầu khẩu trang phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh”.

Với việc vận hành tối đa công suất, các đơn vị sản xuất trong nước đang lo ngại, nguồn cung nguyên liệu sẽ ngày càng khó khăn và đắt đỏ hơn. Theo đại diện Tanaphar, nguyên liệu chính để sản xuất khẩu trang gồm vải không dệt, vải lọc kháng khuẩn và than hoạt tính, trong đó, vải không dệt trong nước đã sản xuất được, nhưng hai loại nguyên liệu còn lại đều phải nhập khẩu.

Tanaphar nhập khẩu vải lọc kháng khuẩn từ Trung Quốc, nhưng hiện không thể nhập được do nước này cấm xuất khẩu cả sản phẩm, nguyên liệu và máy móc sản xuất khẩu trang. Công ty đã liên hệ nhập khẩu nguyên liệu từ Ấn Độ, nhưng đang gặp khó khăn trong giao dịch và giá nhập khẩu cũng tăng mạnh.

Ông Ngô Khải Hoàn, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho hay, trước diễn biến phức tạp và nguy cơ lan rộng của dịch nCoV, hiện nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp hạn chế, thậm chí là cấm xuất khẩu sản phẩm và nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế nói riêng, các sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch nói chung. “Vì vậy, ở tầm vĩ mô và lâu dài, trên cơ sở những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, Bộ Công thương sẽ có báo cáo và tham mưu cho Chính phủ có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Hoàn nói.

Nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thị trường hiện nay, ông Trần Việt, Tổng giám đốc Công ty Dệt kim Đông Xuân khẳng định, Công ty hoàn toàn có thể mở rộng quy mô để sản xuất khẩu trang kháng khuẩn với sản lượng lên đến 300.000 chiếc/ngày, thay vì mức 50.000 chiếc/ngày như hiện tại.

Đại diện Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cũng xác nhận, trong 10 ngày tới, sẽ cung ứng ra thị trường nửa triệu chiếc khẩu trang do các doanh nghiệp thành viên sản xuất. “Toàn bộ số khẩu trang này chúng tôi sản xuất và sẽ phát miễn phí tới tay người dân”, đại diện Vinatex nói.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục