Từ sự thay đổi thái độ của Danila Medvedev
Danila Medvedev, một nhà hoạt động đối lập lâu năm ở Moscow, là người vốn không ủng hộ Tổng thống Vladimir Putin. Từng kịch liệt lên án tình trạng tham nhũng ở điện Kremlin, Medvedev cảm thấy phấn khích khi thấy các cuộc biểu tình nở rộ ở Kiev chống lại Tổng thống đương nhiệm Viktor Yanukovich hồi năm ngoái. Nhìn thấy điểm tương đồng với những cuộc biểu tình chống Putin ở Moscow, ông Medvedev đã quyết định đi đến quảng trường Maidan ở Kiev - trung tâm của làn sóng biểu tình - hồi tháng 1 và coi phong trào ở đó là của chính mình. “Tôi ủng hộ những gì đang diễn ra ở đó”, Medvedev nói.
Trong những tháng sau đó, tình hình trở nên nghiêm trọng. Ông Medvedev cảm thấy thất vọng với các lãnh đạo mới của Ukraine, những người mà ông cho là chả hơn gì ông Yanukovich. Medvedev cũng đi đến niềm tin rằng, phương Tây đang điều khiển các sự kiện theo những gì có lợi cho mình.
Thời điểm dẫn đến sự thay đổi trong suy nghĩ của Medvedev, theo ông, là ngày 2/5, khi hàng tá người ly khai ủng hộ Nga bị chết trong biển lửa ở Odessa khi va chạm với những fan hâm mộ bóng đá ủng hộ Ukraine. Sau đó, ông bắt đầu làm việc như một nhà hoạt động cho phong trào “Novorossiya” - “Nước Nga mới”, một cụm từ lịch sử mà ông Putin đã viện dẫn khi nói về các phong trào ở miền Nam và Đông Nam Ukraine hồi đầu năm nay. Medvedev đang giúp các nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk thiết lập hệ thống ngân hàng cho riêng mình.
“Người Nga đã nhìn thấy một dấu hiệu từ những sự kiện ở Ukraine”, ông Medvedev nói. “Mặc dù không ưa ông Putin một chút nào, nhưng tôi thích suy nghĩ của ông ta, rằng Mỹ sẽ tạo nên một Serbia, Libya hay Syria khác”.
Đến sự ủng hộ của người dân Moscow
Trong khi các tin tức đang xoáy vào các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga và biện pháp cấm vận của Nga đối với các thực phẩm phương Tây, cuộc sống ở Moscow vẫn diễn ra như bình thường. Các nhà hàng vẫn chật khách và các cửa hàng tạp hóa vẫn chất đầy hàng. Thay đổi thực sự là về mặt thái độ.
Vào đầu tháng 8, tỷ lệ người dân ủng hộ ông Putin là 87%, theo một cuộc thăm dò ý kiến được tôn trọng của trung tâm Levada Centre. Đó là một tỷ lệ ủng hộ cao chưa từng có dành cho vị tổng thống có sự nghiệp chính trị 14 năm của họ.
3 năm trước, hàng ngàn người thuộc tầng lớp thượng lưu ở Moscow đã cùng nhau phản đối Kremlin trong cái gọi là “cuộc cách mạng thỏa mãn”. Ngày nay, nhiều người trong số họ vui vẻ từ bỏ món pho-mát Camembert yêu thích và chấp nhận nhịn món lườn bò nướng New York sành điệu, coi đó là sự hy sinh cần thiết để đấu tranh cho mục tiêu địa chính trị rộng lớn hơn.
Hãy hỏi những người đi sắm tại các cửa hàng cao cấp ở Moscow rằng, có phải họ nghĩ là Chính phủ đã làm đúng khi cấm nhập khẩu hầu hết các loại thịt, sản phẩm sữa và thực phẩm khác từ EU và Mỹ, và nhiều người sẽ nói đúng vậy, ngay cả khi những món đồ mà họ vừa lèn chặt trên xe đẩy sẽ sớm không còn.
Thậm chí một số chủ nhà hàng và nhà phân phối thực phẩm, những người chịu ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt mới, cũng gạt đi những hậu quả tiềm tàng. Boris Zarkov, chủ sở hữu nhà hàng Thỏ Trắng (White Rabbit) nổi tiếng, chuyên về hàu và các cao lương nhập khẩu, cũng tuyên bố rằng, phản ứng của Nga với các biện pháp trừng phạt “sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến hoạt động kinh doanh nhà hàng”. “Rõ ràng là một số thứ sẽ cần phải thay đổi, nhưng điều đó chẳng có gì ghê gớm”, Zarkov nói với báo mạng Interfax.
Một nhà phân phối các sản phẩm thịt từ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cho biết, bà cũng ủng hộ lệnh cấm nhập khẩu. Mặc dù điều này là không tốt cho kinh doanh, nhưng lệnh cấm là một phản ứng cần thiết đối với phương Tây, nhà phân phối này nói và ví tác động của lệnh cấm đối với nước Nga chỉ như “que gậy đập bao kẹo”. Bà nói bà sẽ tìm đến các nước khác để nhập khẩu thịt.
Thái độ này cũng được phản ánh giữa các lãnh đạo đối lập với Tổng thống Putin. Eduard Limonov, một lãnh đạo phong trào phản đối Kremlin lâu năm, đã ủng hộ việc can thiệp quân sự trực tiếp của Nga vào miền Đông Ukraine. Một lãnh đạo khác trong đảng chính trị của ông Limonov tuyên bố rằng, phong trào “Nước Nga khác” sẽ tạm thời gác lại khẩu hiệu “Nước Nga không cần Putin” từng dùng nhiều năm.
Khó khăn còn ở phía trước
Ông Medvedev nói ông đã sẵn sàng với các biện pháp trừng phạt hiện tại và trong tương lai. “Chúng tôi từng chịu được hoàn cảnh tồi tệ hơn nhiều”, ông nói. Nhưng một bộ phận trong số 84% người Nga ủng hộ ông Putin có thể bắt đầu cảm thấy sự khác biệt khi mùa hè kết thúc.
Ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế Nga có thể không hiển hiện trong những tháng tới, nhưng rốt cuộc sẽ làm nền kinh tế này từ từ chậm lại, lệnh cấm nhập khẩu và việc đồng rouble mất giá có thể trở thành áp lực lớn. Món pho-mát Camembert và lườn bò nướng có thể hy sinh chứ lạm phát và giá thực phẩm lên cao thì khó mà làm ngơ được.