UBND TP. Đà Nẵng: Đặt cọc giữ chỗ trong hoạt động mua bán bất động sản gây thất thu thuế

(ĐTCK) Việc các chủ đầu tư thực hiện phương thức "đặt cọc giữ chỗ" với các điều khoản đầy đủ giống hợp đồng mua bán không chỉ phát sinh nguy cơ xảy ra tranh chấp, khiếu kiện, mà còn gây ra thất thu thuế của nhà nước.
Hình thức đặt cọc giữ chỗ không chỉ gây ra thất thu thuế nhà nước mà còn dễ xảy ra các nguy cơ về tranh chấp trong hoạt động mua bán bất động sản. Hình thức đặt cọc giữ chỗ không chỉ gây ra thất thu thuế nhà nước mà còn dễ xảy ra các nguy cơ về tranh chấp trong hoạt động mua bán bất động sản.

Đó là nội dung được đề cập đến trong báo cáo của UBND TP.Đà Nẵng với Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách Nhà ở và Thị trường bất động sản liên quan đến các chính sách nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Theo UBND TP.Đà Nẵng, hiện nay, trên địa bàn Thành phố có rất nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản tiến hành rao bán các dự án, sản phẩm bất động sản khi chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định pháp luật.

Qua kiểm tra, đa số các chủ đầu tư chưa ký kết hợp đồng mua bán bất động sản (có sẵn hoặc hình thành trong tương lai), mà thực hiện việc ký hợp đồng đặt cọc giữ chỗ với khách hàng với đầy đủ các nội dung như một hợp đồng mua bán bất động sản (như: đặc điểm bất động sản tiến độ nộp tiền, …). Sau đó khách hàng này tiến hành “chuyển cọc" qua nhiều khách hàng thứ cấp để “hưởng chênh lệch".

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đánh giá:“ Đây là vấn đề không chỉ ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản, gây thất thu thuế của Nhà nước, mà còn phát sinh nguy cơ xảy ra tranh chấp, khiếu kiện làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, việc kiểm tra xử lý hết sức khó khăn do hợp đồng đặt cọc giữ chỗ chỉ là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy định pháp luật về dân sự”.

Tại báo cáo này, UBND TP. Đà Nẵng cũng đã kiến nghị Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản có ý kiến trình Chính phủ sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định đối với các dự án đầu tư căn hộ khách sạn (condotel) và biệt thự du lịch (tourist villa) nhằm khắc phục những bất cập đang tồn tại đối với  dòng sản phẩm này.

Theo ông Tuấn, hiện nay, các dự án condotel và tourist villa đang phát triển rất nhanh về số lượng lẫn quy mô các dự án. Tuy nhiên, loại hình bất động sản này chưa được quy định điều chỉnh trong các văn bản quy phạm pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với công trình xây dựng. 

Báo cáo chung của UBND TP. Đà Nẵng cho biết, tính đến nay, trên Thành phố đã đầu tư xây dựng 223 khối nhà với 15.544 căn hộ nhằm giải quyết chỗ ở cho người thu nhập thấp.

Về nhà ở thương mại, trên địa bàn Thành phố có 56 dự án đang triển khai xây dựng. Cùng với đó là có 16 dự án chung cư nhà ở xã hội và chung cư thương mại đã xây dựng và đưa vào sử dụng.

Ngọc Tân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục