Mở rộng Công viên APEC, khó nhưng không phải không thể

(ĐTCK) Việc chuyển đổi quy hoạch khu vực bờ Tây sông Hàn, đoạn nối tiếp cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý (quận Hải Châu, Đà Nẵng) và mở rộng Công viên APEC cần sự quyết tâm và đồng lòng giữa người dân, chính quyền và doanh nghiệp.
Công viên APEC Công viên APEC

Một dấu ấn tại APEC

Được xây dựng với mục tiêu tạo dấu ấn riêng cho Đà Nẵng trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, đến nay, Công viên APEC đã thực sự trở thành một điểm nhấn bên bờ sông Hàn, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua.

Được khai trương vào ngày 9/11/2017, Công viên APEC có vị trí nằm phía đối diện Bảo tàng điêu khắc Chăm, thuộc khu bờ Tây sông Hàn, sát cạnh cầu Rồng về phía Nam (phường Bình Hiên, quận Hải Châu). Dự án công cộng này được xây dựng trên diện tích hơn 3.000 m2, trong đó sân gạch và lối đi bộ có diện tích 752 m2 (chiếm 24,7%), khoảng đất còn lại trồng cây xanh, thảm cỏ. Điểm nhấn của công viên chính là các tượng đá thể hiện đặc trưng của các nền kinh tế thành viên APEC và do chính các nền kinh tế gửi tặng Việt Nam.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh từng đánh giá Công viên APEC là một trong những nỗ lực góp phần mở rộng và làm sâu sắc hiểu biết của người dân về APEC, kết nối người dân trong khu vực và thúc đẩy giao lưu văn hóa. Đồng thời, trong đó cũng hội tụ những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, thể hiện bản sắc văn hóa phong phú của khu vực cũng như chủ đề của Năm APEC 2017 “tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.

Theo Phó thủ tướng, Công viên  nằm ở vị trí trung tâm TP.Đà Nẵng, là món quà Việt Nam gửi đến các vị khách quý, các nền kinh tế thành viên cũng như người dân APEC. Phó thủ tướng cũng bày tỏ tin tưởng Công viên sẽ trở thành biểu tượng cho sức sáng tạo, sức sống và tinh thần hợp tác của APEC và là một điểm du lịch hấp dẫn của TP. Đà Nẵng.

Khu vực mở rộng của Công viên APEC

Với ý nghĩa nói trên, sau khi APEC kết thúc, nhiều người dân Đà Nẵng và các chuyên gia, đặc biệt là giới kiến trúc sư tại Đà thành đã thêm lần nữa gợi lại mong muốn về việc giữ nguyên vệt đất khu vực bờ Tây sông Hàn, nối tiếp giữa cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý làm không gian dành cho công cộng, cũng như mở rộng Công viên APEC.

Giá trị còn lại

Theo kiến trúc sư Phạm Phú Bình, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đà Nẵng, việc xây dựng quy hoạch trục cảnh quan ven sông Hàn là rất quan trọng và cần thiết đối với không gian đô thị của Thành phố. Đồng thời, các công trình dọc ven sông Hàn cũng nên hướng đến và ưu tiên các công trình dịch vụ, khách sạn, du lịch, văn hóa và phải hạn chế các công trình hành chính.

Khu đất thuộc bờ Tây sông Hàn đoạn tiếp nối giữa cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý  

Tuy nhiên, do thực tế hiện nay, phần lớn các công trình dọc hai bên sông Hàn đã đi vào ổn định, nên hiệu quả chỉnh trang cũng bị hạn chế. Chính vì thế, chính quyền TP. Đà Nẵng cần nỗ lực hết sức để giữ lại khu vực vệt đất thuộc khu Nhà máy sông Thu cũ, cũng như toàn bộ vệt đất thuộc bờ Tây sông Hàn, kéo dài từ cầu Rồng đến cầu Trần Thị Lý và dành không gian này cho công viên cây xanh và công cộng.

Ông Phạm Phú Bình đánh giá, quỹ đất này có giá trị nối kết cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý trở thành một không gian công viên xanh và các dịch vụ của cộng đồng thống nhất, kết nối được công viên khu vực Sun Group phía Nam cầu Trần Thị Lý.

Ngoài ra, khu vực sông Hàn vị trí này có đặc điểm lõm vào thành vịnh nên dòng nước không chảy xiết, có thể xây dựng không gian dịch vụ du lịch sông nước an toàn. Và cuối cùng, đây cũng chính là vệt đất còn lại để hình thành nên công viên cộng đồng tốt nhất của Đà Nẵng, tăng tối đa tỷ lệ cây xanh vốn rất thấp.

“Mặc dù khu đất này đã bán cho nhà đầu tư, nhưng đây chính là khu đất thuận lợi nhất còn lại để tổ chức không gian cây xanh, phục vụ cộng đồng và khách du lịch còn sót lại. Nếu thành phố chuyển đổi được, làm được điều này thì người dân chắc chắn sẽ ủng hộ. Theo tôi, việc này cũng có những thuận lợi vì nhà đầu tư chưa xây dựng công trình.

Do vậy, việc đền bù giải tỏa chỉ là đền bù về phần đất chứ không phải đập phá công trình. Ngoài ra, việc này hướng đến cộng đồng nên nhà đầu tư cũng dễ đồng thuận vì cái chung nếu được bù đắp một quỹ đất tương xứng”, kiến trúc sư Phạm Phú Bình nhấn mạnh.

Theo ông Bình, một thuận lợi nữa là Hội đồng Nhân dân TP. Đà Nẵng hiện nay cũng đã quan tâm và có ý kiến về việc này, chẳng hạn như tìm quỹ đất khác đền bù cho nhà đầu tư. Vừa qua cũng đã có nhà đầu tư đồng ý nối tiếp khoảng 6.000m2 cho Công viên APEC, điều này cũng sẽ góp phần tạo ra hiệu ứng đồng thuận vì cái chung cho những nhà đầu tư còn lại.

Tầm nhìn dài hạn

Tại kỳ họp thứ 6, Hội đồng Nhân dân TP.Đà Nẵng khóa IX diễn ra vào tháng 12/2017 vừa qua, Chủ tịch UBND Thành phố, ông Huỳnh Đức Thơ cho rằng, ý tưởng đưa vệt đất dọc bờ Tây sông Hàn, nối tiếp từ Công viên APEC cạnh cầu Rồng đến cầu Trần Thị Lý trở thành công viên, quảng trường không phải là không thể làm được.

Tuy nhiên, khu vực này đã giao hết cho nhà đầu tư nên muốn thu hồi lại để chuyển đổi thì trước hết cần sự đồng thuận của nhà đầu tư và sau đó phải cân đối ngân sách vì giá trị lô đất có thể lên đến 9.000 - 10.000 tỷ đồng.

Khu vực Công viên APEC phía Nam cầu Rồng, quận Hải Châu 

Luật sư Đỗ Pháp, Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp (quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho rằng, nếu thực hiện việc này, chính quyền TP. Đà Nẵng cần lưu ý đến quan hệ pháp lý, đó là chủ sở hữu hợp pháp những khu đất tại đây cũng như đảm bảo được lợi ích cho nhà đầu tư.

“Thành phố cần gấp rút làm việc với nhà đầu tư để thương lượng việc giao lại quỹ đất trên cơ sở nhà đầu tư không bị thiệt hại về lợi ích và nhà đầu tư cũng góp phần vào phục vụ lợi ích cộng đồng”, luật sư Đỗ Pháp nhấn mạnh.

Trao đổi với phóng viên Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó tổng giám đốc điều hành Furama Resort Đà Nẵng tỏ ra đồng tình với ý tưởng trên. Tuy nhiên, ông Quỳnh cho rằng, điều quan trọng là TP. Đà Nẵng cần có một định hướng lâu dài để tất cả nơi nào có thể (đủ điều kiện) cần phải được trồng cây xanh; hay quy hoạch những khu dân cư mới phải trồng nhiều cây xanh hơn để giảm bớt tỷ lệ bê tông hóa. Hướng đến việc trở thành một đô thị “xanh - sạch - đẹp”, phát triển bền vững.

“Hiện nay, tại Quần thể Du lịch Quốc tế Ariyana (bao gồm Khu nghỉ mát Furama Đà Nẵng, Ariyana Beach Resort & Suites, Cung Hội nghị Quốc tế Ariyana - ADECC), chúng tôi quy hoạch tỷ lệ cây xanh lên đến 83%, trong đó nơi nào còn dư đất là được trồng cây, mà chủ yếu là cây xanh tự nhiên chứ không phải cây cảnh được cắt tỉa.

Theo tôi, ở cụm công viên dọc bờ sông Hàn hiện nay là cây nhưng chỉ mới là cây cảnh thôi. Nếu được quy hoạch cây xanh thì nên phát triển loại cây xanh tự nhiên, cao, nhiều tầng, nhiều lán, tạo thành một khu rừng thì mới thanh lọc không khí tốt”, ông Quỳnh đề xuất.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Ngọc Tân
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục