Kênh huy động vốn quan trọng
Ngay sau khi chính thức hoạt động vào tháng 4/1997, UBCK đã tích cực chuẩn bị các điều kiện về pháp lý, kỹ thuật, con người, hàng hóa... cho việc ra đời của TTCK. Ngày 20/7/2000, UBCK đã đưa TTCK chính thức vào hoạt động với việc khai trương hoạt động của Trung tâm GDCK TP. HCM.
Theo Chủ tịch UBCK Vũ Bằng, TTCK đi vào hoạt động đã góp phần hoàn thiện cơ cấu của thị trường tài chính và tạo ra một kênh huy động vốn dài hạn cho đầu tư phát triển, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đây là dấu mốc quan trọng trong đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, là sự bổ sung cần thiết cho hoàn thiện cơ cấu thị trường tài chính của nước ta trong quá trình hội nhập với bên ngoài...
"Tổng giá trị vốn huy động qua TTCK từ khi mở cửa hoạt động đến nay đạt gần 2 triệu tỷ đồng, huy động khoảng 15 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp".
Thống kê của UBCK cho thấy, trải qua 15 năm vận hành TTCK, từ mốc sơ khởi chỉ có 2 DN niêm yết với vốn hóa thị trường chỉ đạt 986 tỷ đồng, đến nay, TTCK đã có 678 công ty niêm yết trên 2 sở GDCK (chưa kể hơn 200 công ty đăng ký giao dịch trên UPCoM), quy mô niêm yết tăng 339 lần.
Giá trị giao dịch cổ phiếu bình quân hiện nay đạt 5.000 tỷ đồng/phiên, tăng hơn 3.571 lần so với năm 2000. Vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 1.430 lần so với năm 2000, chiếm khoảng 33,3% GDP, gấp 119 lần so với năm 2000. Vốn hóa thị trường trái phiếu đạt 23% GDP. Tính chung, quy mô TTCK chiếm khoảng 56% GDP. Điều này cho thấy, TTCK đang ngày càng khẳng định rõ vai trò và vị thế trong nền kinh tế, trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho đầu tư phát triển.
Tổng giá trị vốn huy động qua TTCK từ khi mở cửa hoạt động đến nay đạt gần 2 triệu tỷ đồng, huy động khoảng 15 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp. Tính riêng trong 10 năm trở lại đây, quy mô huy động vốn qua TTCK đáp ứng khoảng 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Đặc biệt, TTCK đã trở thành kênh phân phối chính của hoạt động phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP), huy động vốn cho ngân sách nhà nước. Lượng vốn huy động từ các đợt đấu thầu TPCP từ năm 2005 tới nay ước đạt 833.000 tỷ đồng.
Nhờ vào sự phát triển của TTCK, các ngân hàng thương mại (NHTM) huy động được lượng vốn lớn qua phát hành cổ phiếu, để đáp ứng yêu cầu tăng vốn điều lệ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong tiến trình tái cấu trúc các NHTM. Từ năm 2005 đến nay, thông qua TTCK, các NHTM đại chúng đã huy động được hơn 252.000 tỷ đồng qua phát hành cổ phiếu, tổng vốn điều lệ tăng từ 20.600 tỷ đồng lên 272.600 tỷ đồng.
Thúc đẩy cổ phần hóa
TTCK có vai trò quan trọng đối với công tác tái cấu trúc các DNNN, đặc biệt là hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn. Theo UBCK, từ năm 2005 đến nay, tổng giá trị đấu giá cổ phần qua 2 sở GDCK đạt 101.117 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2014 hoạt động đấu giá trên 2 sở và qua các CTCK đã tăng mạnh với tổng giá trị đạt hơn 13.000 tỷ đồng, gấp 4 lần so với năm 2013. Nhiều DN niêm yết sau cổ phần hóa có quy mô, hiệu quả hoạt động, chất lượng quản trị được nâng cao nhờ mở rộng sản xuất, kinh doanh hiệu quả, huy động được vốn qua TTCK...
Hầu hết các DNNN cổ phần hóa sau niêm yết đều hoạt động kinh doanh có lãi qua các năm, có sự tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận. Theo báo cáo tài chính của các công ty niêm yết sau cổ phần hóa, tổng tài sản tăng bình quân 12%/năm, tổng vốn chủ sở hữu tăng 16%/năm, tổng vốn đầu tư của chủ sở hữu tăng 18%/năm, lợi nhuận tăng 8,6% năm.
Sự phát triển của TTCK còn hỗ trợ tái cấu trúc nền kinh tế. Cụ thể, đối với đầu tư công, TTCK đã trở thành kênh huy động vốn trọng yếu của Chính phủ. Giai đoạn 2010 - 2015, Chính phủ đã huy động gần 795.830 tỷ đồng thông qua các đợt đấu thầu TPCP trên TTCK, tăng 18 lần so với giai đoạn 2005 - 2010.
Mức độ tăng trưởng của thị trường TPCP Việt Nam đạt tốc độ bình quân 23%/năm, dẫn đầu các nền kinh tế mới nổi trong khu vực Đông Á, cũng như khu vực ASEAN+ 3. TTCK cũng hỗ trợ tích cực cho quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng được giảm thiểu khi các NHTM lên niêm yết phải minh bạch cơ cấu cổ đông, hoạt động giao dịch của các cổ đông, hoạt động quản trị công ty...
Kỳ 3: Thúc đẩy TTCK phát triển theo chiều sâu
Ngoài việc trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế, TTCK ngày càng khẳng định vị thế của một kênh đầu tư hấp dẫn, quan trọng đối với công chúng đầu tư trong và ngoài nước. Hiện tổng số tài khoản giao dịch đạt trên 1,5 triệu tài khoản, tăng gần 50% so với đầu năm 2010. Quy mô giao dịch cũng tăng trưởng liên tục qua các năm. Giai đoạn 2010 - 2015, giá trị giao dịch bình quân đạt 3.266 tỷ đồng/phiên, tăng gấp đôi so với giai đoạn 2005 - 2010.