UBCK và dấu ấn 19 năm ngành chứng khoán

(ĐTCK) Tháng 11 này đánh dấu 19 năm phát triển của ngành chứng khoán Việt Nam, tính từ sự kiện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được thành lập theo Nghị định 75/NĐ-CP ngày 28/11/1996 của Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu Xuân Ất Mùi 2015 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu Xuân Ất Mùi 2015

Nhìn nhận về sự phát triển của ngành chứng khoán, phát biểu tại phiên giao dịch chứng khoán đầu Xuân Ất Mùi – 2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: TTCK đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong chặng đường vừa qua, trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế. Sự phát triển của TTCK góp phần tích cực vào hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam. TTCK cũng đóng góp tích cực vào tiến trình cổ phần hóa DNNN, thúc đẩy hình thành khối DN cổ phần và xã hội hóa việc huy động vốn, góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế...

Kỳ 1: Xây dựng “luật chơi” cho thị trường

Ngay từ những ngày đầu thành lập, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã tích cực, chủ động xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành và ngày càng hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động của TTCK trong bối cảnh Nhà nước đang sửa đổi, hoàn chỉnh thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong thời gian đầu, khung pháp lý cao nhất cho thị trường dừng ở mức nghị định và các thông tư hướng dẫn. Sau 6 năm TTCK hoạt động, UBCK đã xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền trình Quốc hội thông qua Luật Chứng khoán đầu tiên của Việt Nam vào ngày 29/6/2006, có hiệu lực từ ngày 1/1/2007.

“Luật Chứng khoán ra đời đã được công chúng đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao, tạo một bước tiến vượt bậc trong việc nâng cao tính minh bạch của thị trường, tạo lập khuôn khổ pháp lý cao cho hoạt động của TTCK…”, Chủ tịch UBCK Vũ Bằng cho biết và chia sẻ thêm, cùng với luật, các văn bản hướng dẫn đã được hoàn chỉnh theo sự phát triển của thị trường, góp phần hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về TTCK, cơ bản loại bỏ những mâu thuẫn, xung đột với các văn bản pháp luật có liên quan; tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với TTCK nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NĐT và các tổ chức tham gia thị trường.

Khung pháp lý còn tạo cơ sở chặt chẽ, minh bạch cho hoạt động giám sát, cưỡng chế thực thi, bảo đảm các DN tham gia thị trường hoạt động công khai, từ đó góp phần minh bạch hóa nền kinh tế, tạo điều kiện cho TTCK Việt Nam chủ động hội nhập với thị trường vốn quốc tế và khu vực.

Để tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động và phát triển của TTCK, năm 2010, UBCK, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán vào ngày 24/11/2010, đồng thời xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục các vướng mắc trong thực tiễn hoạt động của TTCK và thực tế thi hành Luật Chứng khoán 2006, nhằm phát triển thị trường theo đúng mục tiêu đề ra, từng bước tiếp cận với quy chuẩn và thông lệ quốc tế, cũng như tăng cường sự quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực chứng khoán.

Theo ông Vũ Bằng, thời gian qua, hoàn thiện khung pháp lý là một trong những nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm của UBCK nhằm thúc đẩy tái cấu trúc TTCK theo hướng bền vững, tăng cường huy động vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ Chính phủ trong công tác tái cấu trúc DNNN, hệ thống ngân hàng và tái cấu trúc đầu tư công.

Trong giai đoạn 2010-2015, UBCK đã phối hợp với các cơ quan liên quan soạn thảo, trình Bộ Tài chính, trình Thủ tướng ban hành, trình Quốc hội thông qua một khối lượng lớn các văn bản pháp luật gồm: 1 luật, 8 nghị định và 36 thông tư. UBCK còn trình Thủ tướng ban hành 1 chỉ thị và phê duyệt 4 đề án gồm: Đề án Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011-2020; Đề án quản lý vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài; Đề án tái cấu trúc TTCK và doanh nghiệp bảo hiểm; Đề án xây dựng và phát triển TTCK phái sinh Việt Nam...

Đặc biệt, ngày 26/6/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 60/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012 hướng dẫn Luật Chứng khoán. Nghị định 60/2015 có ý nghĩa quan trọng đối với TTCK, không chỉ vì mở ra cơ chế tăng tỷ lệ sở hữu cho NĐT nước ngoài tham gia TTCK Việt Nam, mà còn tạo bước cải cách về cơ chế liên quan đến các hoạt động chào mua, bán chứng khoán, đặc biệt là thể chế hóa Quyết định 51/2014 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó yêu cầu bắt buộc các DN đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM theo quy định. Các bước cải cách này góp phần đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, minh bạch hóa hoạt động của DN và bảo vệ quyền lợi của NĐT.

“Đến nay, hệ thống văn bản pháp lý phục vụ cho sự phát triển của TTCK đã cơ bản đầy đủ. Tuy nhiên, UBCK luôn chú trọng sửa đổi, bổ sung cho hoàn thiện, phù hợp trong từng giai đoạn, từng bước tiếp cận với thông lệ quốc tế, từ đó giúp cho TTCK phát triển bền vững, đảm bảo minh bạch, hiệu quả và an toàn hơn…”, ông Bằng nói.

Kỳ 2: Ấn tượng từ những con số

Hữu Đạo

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục