Vấn đề đang được quan tâm là chủ thể này sẽ triển khai các hoạt động đầu tư trong phạm vi nào, NĐT trong nước có được sử dụng dịch vụ của các công ty này để triển khai các hoạt động đầu tư chứng khoán ở nước ngoài hay không…
Quy định khung về hoạt động đầu tư ra nước ngoài của tổ chức kinh doanh chứng khoán Việt Nam đã được quy định tại Nghị định 58/2012 hướng dẫn Luật Chứng khoán.
Theo đó, tổ chức kinh doanh chứng khoán khi lập chi nhánh, văn phòng đại diện tại nước ngoài, đầu tư ra nước ngoài phải được UBCK chấp thuận theo quy định của Bộ Tài chính. Sau khi có văn bản chấp thuận của UBCK, tổ chức kinh doanh chứng khoán thực hiện việc lập chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài và đầu tư ra nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư và quản lý ngoại hối...
Để đưa ra hướng dẫn chi tiết cho quy định khung trên, lần đầu tiên UBCK đề xuất bổ sung nội dung này vào dự thảo lần 2 thông tư sửa đổi Thông tư 210/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn thành lập và hoạt động CTCK.
Liên quan đến quy chuẩn để được triển khai các hoạt động đầu tư ra nước ngoài, UBCK đề xuất, CTCK muốn lập chi nhánh, văn phòng đại diện, đầu tư ra nước ngoài phải đáp ứng 4 yêu cầu: có dự án lập chi nhánh, văn phòng đại diện, đầu tư ra nước ngoài đã được ĐHCĐ, HĐTV, chủ sở hữu chấp thuận bằng văn bản; đáp ứng quy định về an toàn tài chính sau khi trừ đi vốn cấp cho chi nhánh, chi phí thành lập văn phòng đại diện, vốn đầu tư ra nước ngoài; đảm bảo duy trì vốn chủ sở hữu sau khi trừ đi vốn cấp cho chi nhánh, chi phí thành lập văn phòng đại diện, vốn đầu tư ra nước ngoài không thấp hơn vốn pháp định cho các nghiệp vụ kinh doanh đang được cấp phép; phạm vi hoạt động, lĩnh vực đầu tư phải trong phạm vi kinh doanh theo giấy phép thành lập và hoạt động của CTCK thành lập tại Việt Nam…
Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của CTCK, UBCK có văn bản chấp thuận đề nghị của CTCK…
Trên thực tế, một số CTCK nội đã manh nha vươn ra hoạt động ở nước ngoài. Năm 2010, CTCK Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín thành lập CTCK tại Campuchia. CTCK Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) cũng có ý định mở văn phòng hoạt động tại Myanmar…
Câu hỏi đặt ra là, tại sao chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết về hoạt động đầu tư ra nước ngoài, nhưng đã có CTCK Việt Nam mở văn phòng đại diện ở nước ngoài? Việc này tuân theo quy định nào? Tới đây, khi Bộ Tài chính ban hành thông tư sửa đổi Thông tư 210/2012 thì có áp dụng hồi tố không?
Đại diện UBCK cho biết, một số hoạt động đầu tư ra nước ngoài mà CTCK Việt Nam tiến hành trong thời gian qua được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư ra nước ngoài và quản lý ngoại hối.
Vì chứng khoán là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, nên để đảm bảo quản lý chặt chẽ, bên cạnh phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư ra nước ngoài và quản lý ngoại hối như hiện hành, tới đây, khi Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn mới, CTCK còn phải được UBCK chấp thuận trước khi triển khai các hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
Liên quan đến cách thức, phạm vi triển khai các hoạt động đầu tư của CTCK Việt Nam tại nước ngoài; khi công ty này đã có văn phòng hoạt động ở nước ngoài, NĐT trong nước có thể sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của văn phòng này để triển khai các hoạt động đầu tư ở nước ngoài không, đại diện UBCK cho biết, ngoài việc phải tuân thủ quy định pháp luật của nước sở tại, CTCK còn phải tuân thủ các quy định tại giấy phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam.
NĐT có thể sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của CTCK ở nước ngoài để triển khai hoạt động đầu tư ngoài lãnh thổ Việt Nam, nhưng bên cạnh đó phải tuân thủ các quy định của pháp luật về chứng khoán, còn phải chấp hành các quy định về đầu tư ra nước ngoài và quản lý ngoại hối.
Về cơ chế giám sát, minh bạch thông tin hoạt động đầu tư ở nước ngoài của CTCK, UBCK đề xuất cơ chế: trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cho phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc phê duyệt dự án đầu tư ở nước ngoài, hoặc chấp thuận cho phép chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, CTCK phải báo cáo UBCK thông tin về địa điểm đặt trụ sở, nhân sự của chi nhánh, giá trị vốn đầu tư kèm theo các văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư và quản lý ngoại hối; hồ sơ nộp cho cơ quan quản lý nhà nước ở nước ngoài, kèm theo bản sao hợp lệ giấy phép chấp thuận hoặc tài liệu tương đương do cơ quan quản lý có thẩm quyền ở nước ngoài cấp...