Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%

0:00 / 0:00
0:00
Một trong những mục tiêu được đặt ra trong chương trình hành động của Chính phủ là tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%.
Dãy nhà ở cao cấp trong Khu đô thị Tây Bắc trên địa bàn thành phố Rạch Giá (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN) Dãy nhà ở cao cấp trong Khu đô thị Tây Bắc trên địa bàn thành phố Rạch Giá (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Bộ Xây dựng cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 148/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nhiều mục tiêu được đặt ra trong chương trình hành động của Chính phủ như tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%; tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,5-1,9% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 1,9-2,3%.

Số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2025 khoảng 950-1.000 đô thị, đến năm 2030 khoảng 1.000-1.200 đô thị.

Đến năm 2025, mục tiêu 100% các đô thị hiện có và đô thị mới có quy hoạch tổng thể, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị; bảo đảm tối thiểu 100% đô thị loại 3 trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hoá cấp đô thị.

Đến năm 2030, hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN.

Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt khoảng 11-16% vào năm 2025 và 16-26% vào năm 2030.

Diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 6-8m2 vào năm 2025, khoảng 8-10m2 vào năm 2030.

Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt tối thiểu 28m2 vào năm 2025, đến năm 2030 đạt tối thiểu 32m2.

Hạ tầng kinh tế-xã hội hiện đại trong Thành phố mới Bình Dương. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Hạ tầng kinh tế-xã hội hiện đại trong Thành phố mới Bình Dương. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Năm 2025, mục tiêu hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình tại đô thị, phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G và điện thoại thông minh; tỷ lệ dân số trưởng thành tại đô thị có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 80%.

Đến năm 2030, phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang, phổ cập dịch vụ mạng di động 5G, tỷ lệ dân số trưởng thành tại đô thị có tài khoản thanh toán điện tử đạt 100%.

Về kinh tế, Chương trình hành động đặt mục tiêu khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030.

Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của các đô thị trực thuộc trung ương đạt bình quân 25-30% vào năm 2025, 35-40% vào năm 2030; xây dựng được mạng lưới đô thị thông minh trung tâm cấp quốc gia và cấp vùng kết nối quốc tế và 3-5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế vào năm 2030.

Xét đến tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam phấn đấu tỷ lệ đô thị hoá thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á.

Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh.

Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế.

Cơ cấu kinh tế khu vực đô thị phát triển theo hướng hiện đại với các ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm tỷ trọng lớn.

Theo Bộ Xây dựng, tại Nghị quyết 148, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt, bám sát nội dung Nghị quyết số 06-NQ/TW, Chương trình hành động này và chức năng, nhiệm vụ được phân công..., có báo cáo định kỳ hàng năm và chuyển Bộ Xây dựng theo dõi, tổng hợp.

Bộ Xây dựng cho biết Chính phủ giao Bộ này là cơ quan đầu mối phối hợp các bộ, ngành và địa phương, tổng hợp đề xuất, xây dựng Chương trình Quốc gia về xây dựng, cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị và phát triển đô thị; báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhu cầu cần trung ương hỗ trợ để hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu về phát triển đô thị đề ra tại Nghị quyết số 06-NQ/TW; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cùng các địa phương trong bố trí, vận động thu hút đa dạng hóa nguồn lực để thống nhất thực hiện đầu tư có trọng tâm trọng điểm, đảm bảo đạt được mục tiêu Chương trình hành động đề ra.

Cùng đó, Bộ Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương điều phối, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu theo yêu cầu của Nghị quyết số 06-NQ/TW tại các tỉnh, thành phố; chủ trì hướng dẫn các địa phương thực hiện Chương trình hành động, tổng hợp kiến nghị, đề xuất để báo cáo cấp có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng còn là đầu mối tổ chức nghiên cứu, tổng kết lý luận và thực tiễn, bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn các biện pháp tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 06-NQ/TW; định kỳ báo cáo và kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cần thiết đảm bảo việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển đô thị quốc gia theo từng giai đoạn đến năm 2025 và năm 2030./.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục