Tỷ giá tăng có đáng ngại?

(ĐTCK) Tỷ giá đã bật tăng mạnh trong khoảng gần 1 tháng trở lại đây. Hiện tượng này đặt ra cho nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu liên quan tới ngoại tệ những lo ngại nhất định.
Tỷ giá tăng có đáng ngại?

Nếu như ngày 6/3, tỷ giá mua vào - bán ra tại Vietcombank là 23.100-23.270 đồng/USD, thì tới ngày 25/3 đã tăng lên 23.485-23.675 đồng/USD, tương đương tăng 1,67% và 1,74%.

Diễn biến này trái ngược với xu hướng năm 2019 khi tỷ giá giảm từ 23.400 đồng/USD về 23.170 đồng/USD.

Tuy nhiên, mức tăng này nhẹ hơn so với mức tăng của chỉ số US Dollar-Index, cũng như của nhiều quốc gia trong khu vực như Indonesia (+21,17%), Thái Lan (+10,18%), Malaysia (+10), Singapore (+7,46%)… so với giai đoạn trước đó.

Việc USD tăng giá mạnh so với nhiều đồng tiền khác được cho là bởi các tổ chức, nhà đầu tư trên thế giới tăng nhu cầu dự trữ tiền mặt vì lo ngại diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 có thể đẩy nền kinh tế tới cuộc khủng hoảng tiếp theo.

Lo ngại cho sự bất ổn và thực hiện chiến lược “Tiền mặt là vua” để phòng ngừa là động thái rất khác của giới đầu tư so với các giai đoạn trước đó. Nếu như khủng hoảng năm 2008 bắt nguồn từ nợ dưới chuẩn ở Mỹ và lan ra toàn cầu, thì lần này Covid-19 làm gián đoạn nguồn cung và tổng cầu hàng hoá suy giảm rõ rệt.

Mặc dù các chính phủ đã thực hiện kích cầu bằng cách bơm tiền ra thị trường, nhưng nếu doanh nghiệp chưa nhận thấy tổng cầu được khôi phục thì việc mở rộng sản xuất để tạo công ăn việc làm chưa thể diễn ra.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư tài chính đã thực hiện bán tài sản khác để chuyển đổi sang nắm giữ USD hoặc mua trái phiếu chính phủ Mỹ khi lợi tức nhiều trái phiếu kỳ hạn ngắn gần như bằng 0.

Ðiều này càng khẳng định thêm xu hướng giới đầu tư và tổ chức đang ưu tiên USD để phòng ngừa khủng hoảng có thể xảy ra do tác động của bệnh dịch.

Trong ngắn hạn, tình hình này vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống khi các tổ chức, doanh nghiệp và nhà đầu tư vẫn đang hành động như là cuộc khủng hoảng chuẩn bị xảy ra. Chính vì vậy, xu hướng này gần như sẽ chưa thể thay đổi và USD còn khả năng tiếp tục tăng giá.

Ðánh giá về diễn biến tỷ giá, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng cho rằng, tại Việt Nam, sự ổn định của tỷ giá như hiện tại là thành công lớn của nhà điều hành chính sách, bởi so với nhiều nước, tỷ lệ giảm giá của VND so với USD đang thấp hơn đáng kể.

Theo ông Khánh, do nhiều chính phủ đóng cửa biên giới nhằm nhanh chóng khống chế dịch khiến hoạt động giao thương gặp khó khăn trong ngắn hạn, nhưng việc tỷ giá tăng chưa ảnh hưởng nhiều tới các doanh nghiệp.

Trong hoạt động đầu tư, các tổ chức nước ngoài thường có xu hướng ưa thích các quốc gia có tỷ giá ổn định bởi giúp ước lượng được chi phí, doanh thu trong quyết định đầu tư, thay vì sự biến động khó lường của tỷ giá.

Chính vì yếu tố này, hiện tại, VND được xem là một trong những đồng tiền ổn định nhất trong khu vực.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam có thể tận dụng việc VND lên giá để mua hàng hóa rẻ hơn đối với các quốc gia có sự mất giá lớn so với USD. Nếu biết tận dụng lợi thế này, doanh nghiệp có thể hạ giá thành sản phẩm khi sản xuất tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, so với nhiều quốc gia đang thực hiện chính sách tỷ giá thả nổi, Việt Nam thực hiện chính sách thả nổi có biên độ +-3% so với tỷ giá trung tâm, cho nên tỷ giá VND cũng không thể biến động quá biên độ trong năm,  cho dù thị trường khu vực và thế giới có biến động.

Nếu như trong thời gian tới USD tiếp tục tăng giá so với VND, Ngân hàng Nhà nước khả năng sẽ bán USD ra thị trường để ổn định tỷ giá. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đạt khoảng 83 tỷ USD, tương đương 32% GDP.

Ở thời điểm hiện tại, áp lực dòng vốn ngoại bị rút ra một phần do bất ổn tài chính toàn cầu, các nhà đầu tư vào các quỹ muốn nhanh chóng chuyển đổi thành tiền mặt, buộc các quỹ đầu tư phải rút vốn trả lại nhà đầu tư bản địa, trong khi các doanh nghiệp FDI cũng chịu áp lực hút vốn về của công ty mẹ ở nước ngoài…

Tuy nhiên, áp lực này có thể giảm bớt khi các quốc gia dần khôi phục sản xuất hậu Covid-19, đặc biệt là tâm lý nhà đầu tư đã ổn định hơn sau khi Pháp công bố thuốc điều trị trong 5 ngày đối với bệnh nhân nhiễm bệnh. Ngoài ra, nhờ quỹ dự trữ ngoại hối lớn hiện tại của Việt Nam, áp lực dòng vốn rút ra tới tỷ giá sẽ không quá lớn.   

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm tới ngày 15/3, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hoá cả nước đạt 97,85 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2019, tương đương tăng 4,11 tỷ USD. Tính luỹ kế từ đầu năm tới ngày 15/3, tổng giá trị xuất khẩu đạt 50,29 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ; tổng giá trị nhập khẩu đạt 47,55 tỷ USD, tăng 1,9%. Cán cân thương mại hàng hoá của Việt Nam kỳ 1 tháng 3/2020 có mức thặng dư 882 triệu USD, nâng tổng mức thặng dư từ đầu năm lên 2,74 tỷ USD. Đây là lượng ngoại tệ nhất định để bổ sung cho nhu cầu ngoại tệ tăng cao thời gian gần đây.

Hạc Hiên

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục