Tăng trưởng của kinh tế Mỹ được dự báo khá yếu trong quý II, tuy nhiên mức độ cụ thể vẫn chưa rõ ràng trước diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19.
Ðộng thái quyết liệt trên của Fed chưa đủ để trấn an tâm lý thị trường khi làm gia tăng lo ngại rằng, tác động của dịch bệnh lên nền kinh tế có thể sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều so với dự đoán trước đó.
Thị trường tài chính thế giới tiếp tục biến động với biên độ khá rộng khi mở cửa trở lại vào đầu tuần.
Chỉ số chứng khoán S&P 500 và Dow Jones Future giảm khoảng 5% và tiếp tục ngừng giao dịch ngay trong phiên đầu tuần, sau khi phục hồi hơn 9% vào cuối tuần trước.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ 10 năm giảm mạnh từ mức 0,96%/năm cuối tuần trước xuống mức 0,64%/năm ngay khi thị trường mở cửa trở lại.
Giá dầu WTI tiếp tục giảm mạnh về mức 29,8 USD/thùng và sau đó hồi phục lại mức 31 USD/thùng, tuy nhiên, hiện vẫn thấp hơn khoảng 2% so với mức đóng cửa tuần trước. Giá vàng mở cửa tăng vọt gần 3% lên mức 1.572 USD/ounce, tuy nhiên sau đó đã hạ nhiệt trở lại và hiện đang giao dịch ở mức khoảng 1.546 USD/ounce.
Chỉ số Dollar Index (DXY) đã giảm khoảng 1,2% xuống mức khoảng 97,60 sau tin Fed cắt giảm lãi suất, nhưng đã nhanh chóng phục hồi trở lại ngay sau đó. Ðồng Yên Nhật đang được hưởng lợi nhiều nhất khi đã tăng giá khoảng 1% so với đồng USD, lên mức khoảng 106,8.
Thị trường ngoại hối trong nước cũng biến động trong phiên ngày hôm nay do áp lực quốc tế gia tăng.
Tỷ giá USD/VND liên ngân hàng đã tăng khoảng 40 - 50 điểm so với mức cuối tuần trước, lên mức 23.240 - 23.250 đồng/USD. Trong khi đó, tỷ giá thị trường tự do cũng đã tăng mạnh 250 - 300 điểm, dao động ở mức khoảng 23.470 - 23.530 đồng/USD.
Ðộng thái của Fed trong thời gian vừa qua được đánh giá là quyết liệt hơn nhiều so với kỳ vọng khi đã 2 lần cắt giảm khẩn cấp lãi suất điều hành với mức tổng cộng là 1,5% chỉ trong vòng 2 tuần.
Chu kỳ tăng lãi suất kể từ năm 2016 của Fed đã phải dừng lại sớm hơn dự kiến khi lãi suất hiện đã quay trở lại tiệm cận với mức 0%. Tuy nhiên, nếu xét về tốc độ cắt giảm lãi suất thì hành động lần này của Fed thậm chí còn nhanh hơn so với hồi năm 2008 do yếu tố bất ngờ của dịch bệnh Covid-19.
Mặc dù tránh đề cập trong thông báo chính thức, những biện pháp sử dụng lần này của Fed là khá tương đồng giai đoạn khủng hoảng hồi năm 2008 và khiến cho lo ngại ngày càng gia tăng về một cuộc khủng hoảng kinh tế mới với quy mô tương tự.
Ðộng thái nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương trên thế giới nhiều khả năng sẽ là chưa đủ để có thể đảo chiều tâm lý rủi ro của thị trường trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại châu Âu và Mỹ vẫn đang rất căng thẳng.
Trong những giai đoạn mà thị trường tài chính có nhiều biến động khó lường như hiện tại, nhu cầu nắm giữ tiền mặt có thể sẽ có xu hướng gia tăng, đặc biệt là những đồng tiền có tính thanh khoản cao như USD.
Ðà tăng của DXY có thể sẽ quay trở lại, trong khi đà bán tháo trên thị trường chứng khoán vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi tâm lý rủi ro hiện vẫn đang bao trùm.
Thị trường ngoại hối trong nước thời gian tới dự kiến sẽ tiếp tục chịu sức ép từ thị trường quốc tế, tỷ giá USD/VND có thể sẽ dao động trong biên độ rộng hơn ở mức khoảng 23.200 - 23.300.