Nhiều yếu tố xác nhận tín hiệu tỷ giá tăng…
Ðánh giá một số yếu tố tác động đến tỷ giá những phiên gần đây, có thể thấy một số tín hiệu dịch chuyển đáng chú ý theo chiều hướng gây áp lực cho tỷ giá.
Thứ nhất, tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do đang có xu hướng tăng đột biến: Tỷ giá “chợ đen” đã tăng rất mạnh khoảng 300-400 USD/VND chỉ trong 2 ngày 16-17/3, lên mức 23.530-23.630 USD/VND, qua đó nới rộng chênh lệch tỷ giá tự do và liên ngân hàng lên khoảng 350-400 USD/VND.
Tuy không có số liệu thống kê chính thức, nhưng diễn biến này có thể xuất phát từ việc đẩy mạnh nhập khẩu vàng do giá vàng trong nước đang khá rẻ so với thế giới (khoảng 3-4 triệu đồng/lượng).
Ngoài ra, một số cửa khẩu tại miền Bắc như Ðồng Quan, Thanh Thủy, Tân Thanh… được thông quan trở lại với Trung Quốc cũng góp phần đẩy mạnh nhu cầu ngoại tệ trên thị trường tự do trong ngắn hạn.
Thứ hai, áp lực trên thị trường ngoại hối quốc tế gia tăng: Dịch Covid-19 đang lây lan rộng tại các nước châu Âu và Mỹ, kéo theo những biến động của thị trường ngoại hối quốc tế.
Chỉ số DXY tăng khoảng 2,5% chỉ trong 1 tuần kéo theo xu hướng giảm giá của các đồng tiền so với USD, chẳng hạn EUR (-1,9%), CNY (-0,6%), KRW (-4,7%), THB (-2,1%)…
Mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đẩy nhanh tốc độ nới lỏng tiền tệ với 2 lần hạ lãi suất khẩn cấp thời gian qua, song USD vẫn duy trì được sức mạnh khi là đồng tiền trú ẩn an toàn trong bối cảnh kinh tế Mỹ tiếp tục cho thấy sự tích cực so với một số nền kinh tế khác như EU hay Trung Quốc.
Thứ ba, tâm lý thị trường chuyển dịch từ trạng thái ổn định sang thận trọng, lo ngại: Bối cảnh rủi ro từ môi trường quốc tế gia tăng, thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh (nhà đầu tư nước ngoài bán ròng tới hơn 5.000 tỷ đồng trong 25 phiên liên tiếp) và môi trường trong nước cũng xuất hiện những bất ổn (số ca nhiễm Covid-19 tăng lên) đã tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường và gián tiếp gây áp lực lên tỷ giá.
… Nhưng mức độ sẽ không lớn
Có thể thấy, các yếu tố gia tăng áp lực lên tỷ giá đã xuất hiện, trong đó nổi bật nhất là hiện tượng tăng đột biến của chênh lệch giá vàng thế giới - trong nước (lên đến hơn 3 triệu đồng/lượng) đã kéo theo xu hướng tăng mạnh của tỷ giá trên thị trường tự do.
Trong quá khứ, khi chênh lệch tỷ giá tự do - liên ngân hàng vượt qua 100 USD/VND, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng thường chịu áp lực lớn và hiện mức chênh lệch này đang là hơn 200 USD/VND.
Mức chênh lệch cao của giá vàng trong nước và thế giới có thể sẽ được duy trì trong một thời gian ngắn nữa và sau đó mới giảm nhanh trở lại khi nguồn cung đã được bổ sung thêm từ nhập khẩu, trong khi vàng chưa thực sự thu hút mạnh dòng tiền đầu tư.
Cộng hưởng với yếu tố tâm lý, tỷ giá nhiều khả năng sẽ chịu áp lực tăng nhiều hơn là giảm trong nửa cuối tháng 3.
Mặc dù vậy, áp lực này được dự báo chưa quá lớn trong bối cảnh tỷ giá vẫn được hỗ trợ bởi một số yếu tố cơ bản: (i) Cung - cầu ngoại tệ của nền kinh tế dự kiến tiếp tục khả quan khi cán cân thương mại trong nửa sau tháng 3 có thể thặng dư khoảng 500 triệu USD; (ii) Chênh lệch lãi suất VND-USD trên thị trường liên ngân hàng dự kiến vẫn ở mức khá cao (kỳ hạn 1 tuần quanh mức 1-2%/năm), qua đó hạn chế nhu cầu nắm giữ USD trên thị trường. Trên cơ sở đó, dự báo tỷ giá liên ngân hàng sẽ dao động trong khoảng 23.250-23.350 USD/VND.
Từ nay đến cuối năm, nhóm yếu tố gây rủi ro cho tỷ giá đang ngày một rõ nét hơn, đó là khả năng suy thoái của nền kinh tế thế giới, nguồn cung ngoại tệ giảm bớt mức độ dồi dào hay tâm lý thận trọng.
Nhìn chung, về cơ bản, kịch bản cơ sở cho tỷ giá trong năm nay vẫn tương đối ổn định, nhưng mức biến động sẽ mạnh hơn so với năm 2019, quanh mức 1-2%.