Tương lai sáng của bảo hiểm nhân thọ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bảo hiểm nhân thọ tiếp tục được coi là một điểm sáng của nền kinh tế khi giữ được tốc độ tăng trưởng doanh thu phí ở mức 2 con số.
Các công ty bảo hiểm nhân thọ đang bước vào một cuộc đua mới - cuộc đua về chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Các công ty bảo hiểm nhân thọ đang bước vào một cuộc đua mới - cuộc đua về chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm ước tính, năm 2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 215.954 tỷ đồng, tăng 16,13% so với năm 2020.

Đóng góp phần lớn vào tốc độ tăng trưởng này của toàn ngành chủ yếu là nhờ khối bảo hiểm nhân thọ duy trì được tốc độ tăng hai con số suốt từ đầu năm, trong khi khối phi nhân thọ dự đoán chỉ tăng khoảng 5% trong năm nay (9 tháng đầu năm 2021 tăng trên 2%).

Khoảng trống về bảo hiểm còn rất lớn

Khách quan mà nói, dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều người nhận thấy ý nghĩa của việc có một kế hoạch tài chính từ trước và bảo vệ trước những rủi ro trong cuộc sống là cần thiết hơn bao giờ hết, điều này giúp số lượng khách hàng của không ít công ty bảo hiểm gia tăng thời gian qua. Nhưng về yếu tố chủ quan, cũng phải nhìn nhận rằng, các công ty bảo hiểm đã rất nhanh chóng và chủ động thay đổi cách thức tiếp cận khách hàng, cũng như cung cấp sản phẩm ra thị trường trong mùa dịch.

Dù khó có thể trở lại thời kỳ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm hơn 30%/năm, nhưng tốc độ tăng trưởng 2 con số vẫn khiến thị trường bảo hiểm nhân thọ hấp dẫn. Tương lai của bảo hiểm nhân thọ được nhìn nhận sẽ tươi sáng hơn.

Theo Tổ chức Swiss Re, nhu cầu bảo hiểm nhân thọ chưa được đáp ứng của Việt Nam ước tính lên tới 1.800 tỷ USD, trong khi nhu cầu bảo hiểm y tế chưa được đáp ứng khoảng 36 tỷ USD. Đó là con số ước tính năm 2017, đến nay có thể cao hơn.

Việt Nam trong những năm qua luôn được đánh giá là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng ấn tượng, nhưng đang đối mặt với nguy cơ già hóa dân số. Báo cáo năm 2019 của Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam dự báo, cứ 5 người thì sẽ có 1 người từ 60 tuổi trở lên vào năm 2035.

Việt Nam sẽ trở thành một trong 3 nước Đông Nam Á có tỷ lệ người cao tuổi trên 20%, cùng với Singapore và Thái Lan. Điều này có nghĩa, nhu cầu bảo hiểm hưu trí chưa được đáp ứng vốn đã rất lớn có thể trở nên lớn hơn nếu không có sự thúc đẩy từ các quỹ hưu trí và sự hỗ trợ của Chính phủ.

Trong khảo sát Manulife Asia Care Survey được công bố tháng 2/2021, ở Việt Nam, những lo lắng về tài chính ngày càng lan rộng và nhiều người đang tìm hiểu xem họ có đủ tiền tiết kiệm để nghỉ hưu hay không, với 79% nói rằng kế hoạch nghỉ hưu trở nên quan trọng hơn đối với họ kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện.

Trước đó, khảo sát về “Cuộc sống độc lập khi về già” mà hãng bảo hiểm Prudential Việt Nam thực hiện cuối năm ngoái cho thấy, 85% người Việt Nam mong muốn có một cuộc sống độc lập khi về già. Ngoài ra, sức khỏe thể chất là mối quan tâm hàng đầu (59%) khi về già của người Việt, theo sau là sức khỏe tinh thần (30%) và tài chính (11%). Tuy nhiên, chỉ có 4 trên 10 người Việt Nam lên kế hoạch và hành động cho cuộc sống tuổi già.

“Chúng ta có thể quan sát được những sự thay đổi đáng kể trong suy nghĩ và hành động của những người trẻ thuộc thế hệ Gen X và Gen Y về cuộc sống độc lập của họ khi về già, so với các thế hệ trước. Mặc dù có đến 85% mong muốn có một cuộc sống tuổi già độc lập, tỷ lệ người Việt đang chủ động lên kế hoạch và hành động để đạt được mong muốn này hiện chỉ ở mức 40%. Đây chính là thách thức mà bản thân mỗi người cần phải hành động ngay để đạt được một cuộc sống về già như kỳ vọng”, ông Phương Tiến Minh, CEO Prudential nhìn nhận.

Cuộc đua thương hiệu tốt nhất

Nhận thức về bảo hiểm của người dân ngày càng cao và thế hệ Millennial có xu hướng tìm đến những công ty bảo hiểm để tìm kiếm một giải pháp tài chính cho tương lai đang tạo ra nhiều lợi thế hơn cho các công ty bảo hiểm.

Dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều người nhận thấy ý nghĩa của việc có một kế hoạch tài chính từ trước và bảo vệ trước những rủi ro trong cuộc sống là cần thiết hơn bao giờ hết.

Bởi vậy, các công ty bảo hiểm nhân thọ đang chạy đua để không chỉ thay đổi cách suy nghĩ, làm việc với khách hàng sao cho hiệu quả hơn, mà còn đưa ra những dòng sản phẩm và dịch vụ khác biệt, đáp ứng nhu cầu giới trẻ.

Không khó có thể nhận sự thay đổi trẻ hóa từ bên trong (sản phẩm, dịch vụ) lẫn bên ngoài (diện mạo văn phòng đại lý, tổng đại lý) của hầu hết công ty bảo hiểm như Sun Life, FWD, Generali, Hanwha Life, Manulife, Prudential, AIA, Dai-ichi Life.

Các công ty bảo hiểm nhân thọ đang bước vào một cuộc đua mới thực chất hơn cuộc đua doanh số, đó là cuộc đua về chất lượng dịch vụ và sản phẩm.

Song song với việc nâng cấp các sản phẩm truyền thống, các công ty tập trung vào nghiên cứu và phát triển các sản phẩm kỹ thuật số đơn giản, linh hoạt và hướng đến khách hàng. Các sản phẩm được phát triển trên nền tảng thương mại điện tử để tiếp cận khách hàng dễ dàng và nhanh chóng.

Ngoài ra, phát triển hệ sinh thái số đa dạng, toàn diện, thân thiện với người dùng, nhằm mang đến những trải nghiệm khách hàng tốt hơn, quy trình mua và chi trả bảo hiểm dễ hiểu hơn là cũng điều kiện tiên quyết để thực hiện lời hứa thương hiệu tốt nhất mà các công ty bảo hiểm đang theo đuổi.

“Nhận thức về bảo hiểm của người dân ngày càng nâng cao và thế hệ Millennial của Việt Nam có xu hướng tìm đến những công ty bảo hiểm mang đến cho họ những sản phẩm đơn giản, dễ hiểu, hiệu quả. Bởi vậy, chúng tôi cần chuẩn bị thật kỹ càng để đưa ra những dòng sản phẩm khác biệt nhanh hơn bao giờ hết. Giai đoạn dịch Covid-19 là cơ hội để các công ty bảo hiểm nâng cao nhận thức về vai trò bảo vệ của bảo hiểm nhân thọ cũng như dịch vụ và sản phẩm của mình. Điều này đặc biệt quan trọng đối với một thị trường bảo hiểm đang phát triển như Việt Nam, khi tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm ở mức khiêm tốn khoảng 10,5%”, CEO Hanwha Life Việt Nam, ông Im Dong Jun nhận xét.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục