Doanh nghiệp nhân thọ hái “quả ngọt” bancassurance

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 8 tháng qua, trong khi doanh thu phí mới từ kênh đại lý chỉ tăng trưởng khoảng 7%, thì kênh hợp tác với ngân hàng (bancassurance) tăng tới gần 40% - là “quả ngọt” của khối này.
Việc đầu tư mạnh cho bancassurance thời gian qua đang giúp các doanh nghiệp nhân thọ hái quả ngọt. Ảnh: Dũng Minh Việc đầu tư mạnh cho bancassurance thời gian qua đang giúp các doanh nghiệp nhân thọ hái quả ngọt. Ảnh: Dũng Minh

Thực tế, những doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm mới cao trên 20% trong 8 tháng đầu năm 2021 như Manulife, Dai-ichi Life, MB Ageas Life, Sun Life hay FWD đều là những doanh nghiệp đang có mối quan hệ hợp tác với các đối tác ngân hàng lớn.

Đơn cử, tại Sun Life Việt Nam, sau khi ký hợp tác độc quyền với ACB và liên tục đưa ra các chương trình ưu đãi “khủng” cho khách mua qua kênh này, doanh số đến từ bancassurance của nhà bảo hiểm này đã tăng vọt, cao hơn khoảng 6 lần so với kênh đại lý. Trong đó, doanh thu phí mới tính đến tháng 8/2021 tăng tới hơn 700% - cao nhất thị trường.

Hay tại Dai-ichi Life Việt Nam, tính đến tháng 8/2021, doanh thu đến từ kênh bancassurance ghi nhận mức tăng khoảng 50%, xấp xỉ doanh thu đến từ kênh đại lý. Sự tăng trưởng vượt bậc của kênh bancassurance là một trong những yếu tố chính giúp nhà bảo hiểm này trở lại “đường đua” thị phần doanh thu cao nhất thị trường năm nay.

Với Manulife Việt Nam, theo con số chính thức được nhà bảo hiểm này công bố, chỉ trong nửa đầu năm 2021, doanh thu phí bảo hiểm năm đầu tiên (FYP) qua kênh bancassurance đã tăng trưởng tới 229% và theo thống kê sơ bộ đến tháng 8/2021, doanh thu từ kênh này vẫn ở mức cao trên 50%. Ông Hoe Shin Koh, Giám đốc điều hành Kênh phân phối thông qua đối tác, Manulife Việt Nam cho biết, sự tăng trưởng ấn tượng này đến từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

“Về yếu tố khách quan, dịch bệnh khiến nhiều người nhận thấy ý nghĩa của việc đã có một kế hoạch tài chính từ trước và bảo vệ trước những rủi ro trong cuộc sống là cần thiết hơn bao giờ hết, điều này giúp số lượng khách hàng của chúng tôi gia tăng nhanh chóng thời gian qua. Còn về yếu tố chủ quan, đó là sự chủ động thay đổi cách thức tiếp cận khách hàng cũng như cung cấp sản phẩm ra thị trường trong mùa dịch khi đều được thực hiện trên môi trường kỹ thuật số, các sản phẩm được thiết kế đơn giản, dễ hiểu, giúp khách hàng dễ dàng tương tác và ra quyết định”.

Dù tháng 9 và các tháng tiếp theo doanh thu phí mới có thể có sự sụt giảm vì bắt đầu “ngấm” suy thoái kinh tế, nhưng theo ông Hoe Shin Koh, đó chỉ là khó khăn ngắn hạn và nền kinh tế Việt Nam sẽ sớm phục hồi, ngành bảo hiểm sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể và kênh bancassurance cũng vậy.

“Với đà tăng tích cực từ đầu năm, thị trường bancassurance được dự báo sẽ tăng trưởng hơn 30% trong năm nay và tại Manulife Việt Nam, kênh này có thể tăng cao hơn thị trường chung”, ông Hoe Shin Koh nhấn mạnh.

Được biết, tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ doanh thu phí khai thác mới qua kênh bancassurance chiếm 31% tổng doanh thu phí, tăng gấp 5 lần chỉ trong vòng 6 năm. Tốc độ tăng trưởng cao là vậy, nhưng tỷ lệ thâm nhập của bancassurance tại Việt Nam chỉ đạt khoảng 19% tổng phí toàn thị trường, thấp hơn nhiều so với mức trung bình khoảng 60% của các quốc gia đang phát triển. Vì thế, theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), bancassurance sẽ vẫn là kênh phân phối chủ đạo của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ trong thời gian tới.

Lan Ngọc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục