Lực đẩy bancassurance

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Độ nóng của các thương vụ độc quyền phân phối bảo hiểm nhân thọ giá trị nghìn tỷ được các công ty bảo hiểm ký kết với ngân hàng năm qua bắt đầu lan tỏa lên tốc độ tăng trưởng phí bảo hiểm mới năm nay.
Ảnh: Dũng Minh Ảnh: Dũng Minh

Tỷ trọng doanh thu bancassurance ngày một tăng

Theo số liệu thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, trong 2 tháng đầu năm 2021, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới đến từ kênh bancassurance của toàn thị trường tăng tới 80% so với cùng kỳ năm 2020. Góp phần vào đà tăng trưởng mạnh mẽ này có thể kể đến các tên tuổi như FWD Việt Nam, Sun Life Việt Nam, Prudential Việt Nam, Manulife Việt Nam… là những hãng bảo hiểm đã công bố các thương vụ hợp tác độc quyền đình đám với các ngân hàng đối tác trong năm 2020.

Doanh thu phí mới đến từ kênh bancassurance được nhìn nhận sẽ còn tăng lên, khi các thương vụ độc quyền phân phối lớn đã ký kết từ năm trước bắt đầu được đẩy mạnh khai thác. Đối với các ngân hàng, trong bối cảnh doanh thu từ nhiều mảng kinh doanh như tín dụng, ngoại hối… dự báo sụt giảm do tác động từ dịch Covid-19, cho nên bancassurance sẽ là mảng kinh doanh trọng tâm trong thời gian tới (đặc biệt là hoạt động bán chéo các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ). Ước tính, các ngân hàng hiện lãi ròng khoảng 70% từ kênh bancassurance, còn doanh thu từ kênh này cũng chiếm tỷ trọng ngày một lớn trong tổng doanh thu phí của doanh nghiệp bảo hiểm, cho nên đây là kênh sẽ được khai thác mạnh hơn trong năm nay cũng như những năm tới.

Tất nhiên, bán bảo hiểm qua ngân hàng chưa thể so sánh với kênh đại lý cả về quy mô và hợp đồng, nhưng nhờ còn nhiều tiềm năng khai thác, nên bancassurance được kỳ vọng sẽ giúp nhà bảo hiểm vừa giảm dần sự lệ thuộc vào kênh đại lý, vừa đa dạng hóa các kênh bán hàng và tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, đặc biệt là phân khúc khách hàng trung và thượng lưu.

Ở nhiều thị trường châu Á như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc hay Hồng Kông, doanh thu từ bancassurance chiếm khoảng 30-60% doanh thu của các công ty bảo hiểm nhân thọ và được xem là kênh phân phối chính đóng góp vào sự phát triển của bảo hiểm nhân thọ ở các thị trường này.

Tại Việt Nam, theo số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua kênh bancassurance trong năm 2019 chiếm 29% tổng doanh thu phí bảo hiểm mới, tăng nhanh từ mức 10% của năm 2016. Năm 2020, thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm cho thấy, doanh thu phí đến từ kênh bancassurance vẫn tiếp tục tăng và chiếm hơn 30% tổng doanh thu phí bảo hiểm mới.

Liên tiếp tung ra khuyến mãi “khủng”

Sau giai đoạn chuyển giao và bắt đầu triển khai hợp tác thỏa thuận hợp tác độc quyền với giá trị thương vụ lên đến 370 triệu USD với ACB, hãng bảo hiểm Sun Life Việt Nam liên tiếp đưa ra những chương trình khuyến mãi “khủng”, với tổng giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng.

Cụ thể, vừa kết thúc chương trình khuyến mại “Khai lộc vàng, sáng tương lai” dành cho khách hàng tham gia hợp đồng bảo hiểm mới và khách hàng giới thiệu khách hàng mới tham gia bảo hiểm của Sun Life Việt Nam thông qua kênh phân phối của ACB với tổng giá trị quà tặng lên đến hơn 9 tỷ đồng, hãng bảo hiểm này tiếp tục tung ra một chương trình mới từ đầu tháng 4 đến hết ngày 30/6/2021 với tổng giá trị quà tặng lớn gấp đôi, lên tới hơn 20 tỷ đồng.

Thực tế, hai hợp đồng độc quyền ký với TPBank cuối năm 2019 (độc quyền 15 năm ) và hợp đồng độc quyền với ACB hồi cuối năm 2020 không chỉ đóng góp vào sự tăng trưởng chung của Sun Life Việt Nam trong năm 2020, mà còn đưa tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancassurance của hãng bảo hiểm này trong 2 tháng đầu năm 2021 lên mức cao nhất thị trường.

Một hãng bảo hiểm khác cũng sở hữu “deal” độc quyền với ngân hàng với giá trị lớn là FWD Việt Nam cũng bắt đầu các chương trình đẩy “sale” với sản phẩm “FWD - Nâng tầm vị thế” được phân phối độc quyền qua gần 600 điểm giao dịch của Vietcombank trên toàn quốc. Ngoài ra, nhân dịp sinh nhật lần thứ 58 của Vietcombank và chào mừng 1 năm triển khai hợp tác phân phối bảo hiểm, Vietcombank và FWD còn phối hợp thực hiện chương trình khuyến mãi đến hết ngày 30/4/2021 dành cho khách hàng cá nhân với cơ hội nhận vàng SJC và hàng ngàn phiếu mua hàng…

Trong khi đó, sau khi chính thức gia hạn mối quan hệ hợp tác chiến lược phân phối bảo hiểm thông qua ngân hàng trong vòng 15 năm và trở thành đối tác duy nhất của MSB trên toàn quốc, Prudential Việt Nam vừa tung ra chương trình thúc đẩy bán hàng tại nhà băng này với sản phẩm PRU - Đầu tư linh hoạt và các sản phẩm bổ trợ đi kèm. Theo đó, khách hàng sẽ được tham gia chương trình quay số trúng thưởng với giải Đặc biệt là một chiếc xe hơi Honda City 1.5l 2021…

Manulife Việt Nam với “deal” M&A “bom tấn” mua lại Aviva Việt Nam cũng đang có nhiều kế hoạch cho kênh bancassurance liên quan đến thương vụ này. Như một phần của giao dịch, Manulife Việt Nam sẽ ký kết thỏa thuận phân phối mới với đối tác bancassurance độc quyền hiện tại của Aviva Việt Nam là VietinBank. Giao dịch này sẽ tuân thủ các quy định, phê duyệt của pháp luật Việt Nam và dự kiến hoàn tất vào nửa cuối năm 2021.

Theo đại diện Manulife Việt Nam, ngay sau khi có sự đồng thuận của các cơ quan có thẩm quyền, Công ty sẽ tiến hành phân phối sản phẩm cho VietinBank. Tính đến nay, nhà bảo hiểm này có 3 đối tác phân phối độc quyền là Techcombank, SCB và VietinBank. Manulife Việt Nam tham vọng sẽ dẫn đầu kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng, đồng thời các đối tác bancassurance của Công ty cũng sẽ dẫn dầu thị trường về doanh thu phí bảo hiểm. Được biết, năm 2020, doanh thu phí mới qua kênh bancassurance của Manulife Việt Nam đứng thứ hai thị trường, chỉ sau Prudential Việt Nam (theo thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm).

Trong 5 năm gần đây, thị trường bancassurance ở Việt Nam phát triển nhanh chóng với nhiều mối quan hệ độc quyền. Theo đánh giá của Bộ Tài chính và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, phí bảo hiểm khai thác mới của khối nhân thọ sẽ tăng trưởng ở mức khoảng 20% mỗi năm. Riêng kênh bancassurance, phí bảo hiểm khai thác mới được các doanh nghiệp dự báo sẽ tăng trưởng cao hơn con số này.

“Nhiều ngân hàng đang đẩy doanh số lên cao để hoàn thành mục tiêu bán hàng những năm đầu sau khi ký hợp đồng độc quyền hoặc lấy được hợp đồng tốt với công ty bảo hiểm. Chính vì vậy, bancassurance sẽ còn tăng trưởng cao trong thời gian tới”, tổng giám đốc (CEO) một công ty bảo hiểm nhân thọ thuộc tốp đầu thị trường nhìn nhận.

Dù được đánh giá là kênh đang tăng trưởng rất tốt, thế nhưng bán bảo hiểm qua ngân hàng thời gian qua cũng nhận được nhiều lời phàn nàn vì bị ép mua bảo hiểm mới được vay vốn. Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán xung quanh những nghi ngại về việc tăng trưởng quá nhanh có thể khiến chất lượng tư vấn cũng như tỷ lệ tái tục hợp đồng thấp, vị CEO trên nhìn nhận, khi qua giai đoạn tăng trưởng “nóng”, kênh bancassurance sẽ phát triển thực chất hơn trong một vài năm tới.

Để cải thiện tốc độ tăng trưởng phí bảo hiểm khai thác mới, đại diện Manulife Việt Nam cho rằng, các công ty bảo hiểm cần tiếp tục phát triển mạng lưới kênh phân phối nói chung, kênh bancassurance nói riêng, tăng cường áp dụng chuyển đổi số cũng như đơn giản hóa quy trình giao dịch. Song song với đó, cần nâng cao chất lượng nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên và tư vấn viên, giúp họ hiểu rõ tầm quan trọng của việc đặt khách hàng là trọng tâm.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục