Tức đến cổ với… cổ tức

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mỗi mùa đại hội, lại có những doanh nghiệp làm cổ đông tức anh ách với chuyện trả cổ tức.
Lịch trả cổ tức năm 2016, 2017 của Sudico được giãn đến ngày 30/12/2022. Lịch trả cổ tức năm 2016, 2017 của Sudico được giãn đến ngày 30/12/2022.

Khất lần

Để nhận được cổ tức các năm 2011, 2013, các cổ đông của Công ty cổ phần Simco Sông Đà (mã chứng khoán SDA) có thể phải chờ thêm ít nhất 2 năm nữa (tức ngày 13/12/2024), hoặc lâu hơn nếu Công ty tiếp tục khất lần.

Lẽ ra cổ đông Simco Sông Đà đã được thanh toán khoản cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 13% của hai năm 2011 và 2013 vào ngày 14/12/2021, song chỉ một ngày trước khi đến lịch chi trả, Hội đồng quản trị Công ty ban hành nghị quyết xin gia hạn thời gian.

Về lý do, Công ty cho biết, việc chi trả cổ tức năm 2011 và 2013 đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2012 và 2014 thông qua. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2013 - 2018 đã dùng nguồn tiền trả cổ tức này để đầu tư vào dự án khai thác và chế biến đá marbale tại Myamar.

“Dự án đang gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai nên chưa thu hồi vốn đầu tư, do vậy, hiện công ty chưa thu xếp được nguồn tiền để thanh toán cổ tức năm 2011 và 2013 cho cổ đông”, Công ty cho hay.

Báo cáo tài chính năm 2021 đã kiểm toán của Simco Sông Đà cho thấy, dù kết quả kinh doanh năm qua có sự cải thiện rõ rệt so với năm 2020, với mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 100% và 652%, nhưng con số tuyệt đối khá khiêm tốn. Cụ thể, năm qua, Công ty ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 46,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 23,3 tỷ đồng.

Việc kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ từ các năm trước khiến khoản mục lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm cuối năm 2021 của Công ty chỉ ghi nhận 723,8 triệu đồng. Số dư tiền và tương đương tiền chỉ vỏn vẹn 526 triệu đồng.

Thông báo của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cũng thể hiện đây là lần thứ 5, Simco Sông Đà thay đổi thời gian trả cổ tức năm 2011, 2013.

Anh Nguyễn Văn Trung (ở Hà Nội) bức xúc, việc doanh nghiệp “năm lần bảy lượt” khất lần trả cổ tức thể hiện sự coi thường cổ đông. Bởi lẽ, nguồn tiền để chi trả cổ tức đã được đại hội đồng cổ đông thông qua và doanh nghiệp không thể lấy cớ sử dụng nguồn tiền này để sử dụng vào mục đích khác.

Sau nhiều năm trì hoãn, ngày 30/3/2022, cổ đông của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển du lịch Vinaconex (mã VCR) mới nhận được cổ tức bằng tiền mặt năm 2012 (1.500 đồng/cổ phiếu). Tức là sau 9 năm kể từ khi chính sách cổ tức được đại hội cổ đông thông qua, cổ đông của Công ty mới được cầm cổ tức.

Cổ đông Công ty cổ phần Kỹ thuật điện Sông Đà bị khất nợ cổ tức năm 2011,2012 tới lần thứ… 15.

Trong khi đó, cổ đông Công ty cổ phần Kỹ thuật điện Sông Đà (mã SDE) lại kém may mắn hơn khi bị khất nợ cổ tức tới lần thứ… 15. Đáng nhẽ nhà đầu tư được nhận cổ tức năm 2011 và 2012 vào ngày 30/6/2020 thì theo thông báo của VSD, Công ty điều chỉnh ngày thanh toán đến 30/6/2022.

Một doanh nghiệp cùng “họ” là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico, mã SJS) mới đây lại khất nợ cổ tức năm 2016, 2017 (tỷ lệ 10% bằng tiền mặt) đến ngày 30/12/2022. Công ty hứa hẹn, trong trường hợp thu xếp được nguồn tiền sẽ thanh toán cho các cổ đông sớm hơn thời gian thông báo trên.

Có rất nhiều nguyên nhân được doanh nghiệp đưa ra để lý giải cho việc trì hoãn nhưng tựu trung lại là “do thiếu tiền”. Chẳng hạn, Công ty Kỹ thuật điện Sông Đà giải trình, nguồn tiền chi trả cổ tức phụ thuộc vào nguồn thanh toán khối lượng xây lắp hoàn thành từ phía chủ đầu tư nhưng việc thanh toán từ phía chủ đầu tư chậm hơn so với dự kiến và đang trong quá trình hoàn tất thủ tục để giải ngân nên ảnh hưởng đến kế hoạch chi trả cổ tức.

Nhà đầu tư không dễ khởi kiện với doanh nghiệp "khất lần" cổ tức.

Nhà đầu tư không dễ khởi kiện với doanh nghiệp "khất lần" cổ tức.

Khởi kiện cũng lắm gian nan

Theo khoản 4, Điều 135, Luật Doanh nghiệp 2020, cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày kết thúc họp đại hội đồng cổ đông thường niên. Tuy nhiên, pháp luật không có quy định về xử lý trường hợp doanh nghiệp vi phạm thời hạn trên. Với những trường hợp chậm trả cổ tức, cơ quan quản lý - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - chỉ có văn bản nhắc nhở, mà không có quy định xử phạt khắt khe.

Về lý thuyết, cổ đông có quyền khởi kiện doanh nghiệp ra tòa án để yêu cầu thanh toán cổ tức. Nhưng trên thực tế, việc khởi kiện cũng lắm gian nan.

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines, mã chứng khoán MVN) mất nhiều năm để khởi kiện Công ty cổ phần Container phía Nam (Viconship Saigon, mã chứng khoán VSG) để đòi khoản cổ tức các năm 2007, 2008.

Theo hồ sơ, Viconship Saigon được cổ phần hóa từ năm 1999 và vốn góp của Vinalines là 30 tỷ đồng, tương ứng với 30% vốn điều lệ. Theo các nghị quyết của đại hội đồng cổ đông của Viconship Saigon về việc chia cổ tức thì Vinalines được hưởng cổ tức năm 2007, 2008 là hơn 4,6 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/11/2015, Viconship Saigon mới thanh toán cho Vinalines 1,5 tỷ đồng. Các bên đã đối chiếu công nợ và xác nhận Viconship Saigon còn nợ Vinalines hơn 3,1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau đó, Viconship chỉ đồng ý trả cổ tức năm 2007 là hơn 1,8 tỷ đồng và không đồng ý trả cổ tức năm 2008 với lý do báo cáo tài chính năm 2008 thể hiện lợi nhuận sau thuế là hơn 8,7 tỷ đồng nhưng Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông lại xác định lợi nhuận sau thuế là hơn 11 tỷ đồng và trả cổ tức năm 2008 theo mức lợi nhuận này dẫn đến VSG bị lỗ sau khi chia cổ tức. Theo VSG, việc chia lợi tức theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông năm 2008 là trái pháp luật (!?).

Mặc dù số lượng doanh nghiệp chây ỳ cổ tức chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ bị ảnh hưởng lớn. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng cơ quan quản lý cần có biện pháp mạnh tay hơn để bảo vệ quyền lợi của cổ đông.

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục