Vừa qua, Tập đoàn SK (Hàn Quốc) vừa hoàn tất giao dịch mua lại hơn 109 triệu cổ phiếu quỹ của Masan Group với giá 100.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị giao dịch là khoảng 470 triệu USD (11.000 tỷ đồng).
Tuy đây không phải là lần đầu tiên SK Group xuất hiện tại Việt Nam (trước đó công ty đã vào mảng vào viễn thông và dầu khí) nhưng đây là khoản đầu tư chiến lược đầu tiên của một tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc vào Masan, theo chân các nhà đầu tư từ Mỹ, Singapore và Thái Lan.
Việc mua lại số cổ phiếu này của Masan với giá 100.000 đồng/cổ phiếu cho thấy niềm tin của SK vào tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn của Masan. Nhiều báo cáo phân tích doanh nghiệp về Masan của Yuanta Securities hay Chứng khoán Bản Việt đều đưa ra khuyến nghị mua cho cổ phiếu MSN, với mức sinh lời trên 20% do hoạt động các mảng kinh doanh cốt lõi khả quan và đòn bẩy tài chính giảm.
Thị trường thịt - đích đến mới của SK và Masan
Ông Woncheol Park, Giám đốc đại diện của SK tại Đông Nam Á từng phát biểu về mối quan hệ hợp tác giữa SK và Masan: “Việt Nam là nền tảng quan trọng trong chiến lược phát triển dài hạn tại khu vực Đông Nam Á của chúng tôi.
Chúng tôi tin rằng mô hình hợp tác chiến lược sẽ mang lại thành công tại đây và Masan Group là đối tác lý tưởng nhất cho kế hoạch phát triển đó”.
Nhờ vào việc trở thành cổ đông chiến lược của Masan, SK đang thể hiện rõ ràng hơn chiến lược đẩy mạnh hơn vào mảng nông nghiệp. Tại Hàn Quốc và trên thế giới, SK được biết đến nhiều hơn với tư cách là một công ty dầu khí, năng lượng, viễn thông và chip nhớ hơn là một công ty làm nông nghiệp.
Chắc hẳn ít người biết rằng SK đã đầu tư 27% cổ phần vào Công ty Kerchin Cattle Industry, công ty chế biến thịt bò lớn thứ ba tại Trung Quốc.
Bản thân Masan Group cũng làm thị trường bất ngờ khi công bố tham gia mảng thức ăn chăn nuôi, và biến mảng này thành bước đệm để gia nhập thị trường thịt heo tại Việt Nam mà doanh nghiệp này định giá là 10,2 tỷ USD.
Kể từ khi gia nhập thị trường vào năm 2015, Masan Nutri Science – công ty con về mảng nông nghiệp của Masan, đã nhanh chóng chiếm 36% thị phần thức ăn cho heo (chưa tính trại gia công), vừa đưa trang trại nuôi heo công nghệ cao tại Nghệ An vào hoạt động, hiện đang xây dựng tổ hợp chế biến thịt tại Hà Nam và sẽ tung ra sản phẩm thịt tươi, ngon và an toàn ra thị trường vào cuối năm 2018.
Masan đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường chăn nuôi, và đối tác SK có thể cung cấp những công nghệ và nhân sự hàng đầu để tiếp thêm sức mạnh cho Masan trong một lĩnh vực mà cả hai đều nhìn thấy tiềm năng. Sản phẩm thịt của Masan có thể được SK xuất khẩu sang Trung Quốc, điều này hoàn toàn có thể xảy ra.
Từ vonfram của Masan đến chip nhớ của SK
Hiện SK Hynix đang là nhà sản xuất chip nhớ lớn thứ hai trên thế giới sau Samsung Electronics. Mảng sản xuất chip nhớ của SK cần đến nhiều loại khí công nghiệp tiêu biểu là NF3 (Nitrogen triflouride) và WF6 (Tungsten hexaflouride), có thành phần florit và vonfram và đều là sản phẩm từ Masan Resources.
Do đó, có khả năng SK sẽ trở thành đối tác bao tiêu các sản phẩm này, nhất là trong bối cảnh Masan Resources đang nỗ lực trở thành nhà chế biến sâu. Trong tương lại, với nhà máy chế biến sâu ngay tại Việt Nam, Masan Resources có thể cung cấp nguyên liệu cho SK.
SK cũng là doanh nghiệp hàng đầu về dầu khí của Hàn Quốc và sở hữu nhiều mỏ dầu trên thế giới. Vonfram của Masan còn có thể được ứng dụng vào chế tạo các mũi khoan dầu của SK, vì đây là loại kim loại duy nhất đủ cứng để có thể khoan sâu vào lòng đất.
Như vậy, SK và Masan sẽ được lợi rất lớn từ mối quan hệ hợp tác này vì các ngành sản xuất của SK và sản phẩm của Masan đều có thể tận dụng nguồn lực của nhau.
Đầu tư vào Masan chỉ có lời
SK là doanh nghiệp lớn nhất đầu tư lớn vào Masan Group với mục tiêu mở rộng thị trường ra khu vực Đông Nam Á. Trước đó, các nhà đầu tư của Masan Group chủ yếu là các nhà đầu tư tài chính nước ngoài và khi nắm giữ cổ phiếu tại Masan Group thì đều đạt mức sinh lời cao bất ngờ.
Theo Bloomberg, chỉ vài ngày sau khi hoàn tất giao dịch giữa SK và Masan, Quỹ đầu tư KKR đã bất ngờ thoái vốn từ khoản đầu tư vào Masan Group và thu về 209 triệu USD. Trước đó, vào tháng 4/2017, KKR đã chi 100 triệu USD mua lại số cổ phần này tại Masan Group từ PENM Partners.
Giá mua vào của KKR năm 2017 là 42.000 đồng/cổ phiếu và giá bán ra là 89.200 đồng/cổ phiếu. Như vậy, chỉ sau một năm, KKR đã có lời hơn 100% từ khoản đầu tư vào Masan Group.
Quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore mua lại 1/2 số cổ phiếu Masan mà KKR bán ra. Tính đến cuối tháng 7/2018, GIC nắm giữ 52,6 triệu cổ phiếu MSN, tương đương 4,5% vốn điều lệ của Masan. GIC vốn là nhà đầu tư lớn của Masan từ năm 2016 và nay họ đầu tư thêm, thể hiện niềm tin vào việc tầm nhìn và chiến lược dài hạn của Tập đoàn.
Hiện Quỹ đầu tư KKR vẫn còn sở hữu 7,5% cổ phần với giá trị tương đương 150 triệu USD tại Masan Nutri-Science và đặt “cửa” vào lĩnh vực đạm động vật còn rất nhiều tiềm năng.
Trước KKR, nhiều nhà đầu tư cũng đã đạt tỷ lệ sinh lời rất cao từ các khoản đầu tư vào Masan Group. Nhà đầu tư từ Bắc Âu PENM (Bank Invest) cũng đã từng lãi “khủng” khi đầu tư vào Masan vào thời điểm doanh nghiệp mới lên sàn vào năm 2009.
Khi đó, BankInvest đang nắm giữ khoảng 48 triệu cổ phiếu MSN được phát hành riêng lẻ vào tháng 10/2009. Sau đó, vào tháng 12/2009, BankInvest đã mua thêm khoảng 6,3 triệu cổ phiếu và tổng mức đầu tư của BankInvest tính đến thời điểm đó là gần 2.000 tỷ đồng.
Năm 2011, BankInvest bán ra 4 triệu cổ phiếu MSN với mức giá 151.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với tổng giá trị là 604 tỷ đồng (gần 30 triệu USD). Chỉ với 4 triệu cổ phiếu bán ra này, BankInvest đã có lãi gần 460 tỷ đồng, tức khoảng 4,2 lần so với mức đầu tư ban đầu.
Với lịch sử như vậy, hai cổ đông nước ngoài lớn nhất hiện nay là SK Group và GIC hoàn toàn có thể yên tâm vào khả năng sinh lời của cổ phiếu MSN. Chiến lược của SK Group là đi dài hạn, do đó mức đầu tư 470 triệu USD có thể chỉ là bước khởi đầu. Khi nhân sự của SK và Masan bắt đầu làm việc sâu sát với nhau, có thể sẽ phát sinh ra nhiều cơ hội đầu tư nữa, không chỉ tại Masan Group mà còn vào các công ty con của Masan.