“Tự động hóa” có thực sự toàn màu hồng?

Ứng dụng công nghệ, tự động hóa vào sản xuất là vấn đề mà có lẽ hầu như doanh nghiệp nào cũng sẽ trải qua trong thời cách mạng công nghiệp 4.0. Nhưng làm thế nào để không “đau đầu vì tự động hóa” lại cần có chiến lược bài bản và cụ thể.
Doanh nhân Nguyễn Ngọc Thắng là người chơi ở vị trí CEO tuần này Doanh nhân Nguyễn Ngọc Thắng là người chơi ở vị trí CEO tuần này
Lần đầu tiên công khai kể chuyện ứng dụng công nghệ vào sản xuất tại một diễn đàn hồi cuối tháng 10, ông Lý Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Gốm sứ Minh Long khiến không ít người bất ngờ khi tiết lộ, Minh Long chỉ cần sử dụng 15 lao động để sản xuất các sản phẩm gốm sứ cao cấp.

“Công nghệ cũ 400 người làm việc, công nghệ mới còn 150 người, tự động hóa còn 15 người làm việc và đến nay gần như không còn con người. Quy trình sản xuất từ 1 cục đất ra sản phẩm hoàn chỉnh của Minh Long mất khoảng 20 giờ, nhanh gấp 3 - 4 lần so với các nhà sản xuất gốm sứ khác trên thế giới”, ông Minh bật mí.

Sự đột phá trong sản xuất mang lại hiệu quả lớn, nhưng cũng tạo ra thách thức.  Ông Minh cho biết, công nghệ chỉ là một phần, yếu tố quyết định thành công của việc chuyển đổi công nghệ chính là kỹ thuật. Chưa kể, khi hiệu suất tăng cao, doanh nghiệp còn phải giải bài toán đầu ra, nếu không sẽ đau đầu vì tự động hóa.

Có thể nói, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi cách thức sản xuất của doanh nghiệp, không chỉ Minh Long mà nhiều doanh nghiệp khác cũng phải nghĩ đến việc áp dụng tự động hóa. Câu chuyện của Thắng Phát - một doanh nghiệp có 18 năm trong ngành sản xuất và phân phối vật liệu xây dựng là một ví dụ.

Nhờ những thế mạnh riêng, Thắng Phát vẫn duy trì dây chuyền công nghệ sản xuất truyền thống dựa vào công nhân vận hành thủ công. Sau thời gian du học nước ngoài và trở về tiếp quản công việc, CEO của doanh nghiệp đã nhận thấy, nên ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 vào trong sản xuất. Sau khi nghiên cứu, CEO đề xuất với HĐQT kế hoạch đầu tư vào dây chuyền tự động hóa thay thế dây chuyền sản xuất hiện tại.

CEO cho rằng, nếu triển khai thành công, kế hoạch trên sẽ góp phần nâng cao năng suất, cho ra sản phẩm có chất lượng cao và đồng đều hơn. Hiệu quả tăng lên rõ rệt mà còn giảm được chi phí sản xuất, tăng ưu thế cạnh tranh so với đối thủ.

Đáng tiếc, đề xuất của CEO đã vấp phải sự phản đối của các HĐQT. Các thành viên HĐQT cho rằng, nên giữ nguyên dây chuyền sản xuất hiện tại do vẫn vận hành tốt. Việc chuyển đổi sang tự động hóa vừa tốn chi phí đầu tư, vừa phí phạm nguồn nhân lực đã đào tạo. 

CEO vẫn cố gắng thuyết phục rằng, tự động hóa sẽ giúp con người không phải tốn thời gian và sức lực vào những công việc có tính lặp đi lặp lại thủ công mà máy móc sẽ thay thế, đảm bảo sức khỏe cho người lao động vì không phải làm việc trong môi trường độc hại. 

Phản biện ý kiến này, HĐQT lập luận, nếu đầu tư dây chuyền tự động hóa, doanh nghiệp sẽ phải cắt giảm số lượng lớn nhân sự gắn bó với công ty. Điều này liên quan đến cam kết tạo việc làm cho lao động giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp. Chưa kể, việc đầu tư nâng cấp cũng khiến doanh nghiệp phải tuyển dụng thêm nhân sự có trình độ chuyên môn, kéo theo thay đổi bộ máy nội bộ. 

Bảo vệ đến cùng kế hoạch của mình, CEO khẳng định, chuyển dịch sang phương thức sản xuất tự động hóa giúp quản trị doanh nghiệp dễ dàng hơn, cũng là cơ hội để nhân sự phải nỗ lực nâng cao hơn nữa năng lực chuyên môn.

Sự xung đột vẫn tiếp tục nảy sinh, do hai bên không tìm được tiếng nói chung. Vậy đâu mới là lời giải thoả đáng cho doanh nghiệp? Câu trả lời sẽ được tìm ra trong Chương trình CEO Chìa khóa thành công, với chủ đề “Doanh nghiệp 4.0: Nhân sự thời tự động hóa”. CEO tham gia giải quyết tình huống của Chương trình là ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị Nội thất Minh Phương - người sẽ xuất hiện trong chuyên mục Gương mặt doanh nhân kỳ này của Báo Đầu tư.


baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục