Cổ phiếu của 2 công ty Goldin Financial Holdings Ltd và Goldin Properties Holdings Ldt do tỷ phú Pan Sutong điều hành, đã giảm hơn 40% giá trị hôm 21/5 vừa qua. Một ngày trước đó, cổ phiếu của Hanergy Thin Film Power Group Ltd của tỷ phú Li Hejun cũng chịu chung số phận, giảm giá tới 47% chỉ trong vòng 24 phút, trước khi các cổ phiếu của công ty năng lượng mặt trời Trung Quốc này bị đình chỉ.
Cụ thể, cổ phiếu của Goldin Financial giảm 43%, khiến giá trị vốn hóa thị trường mất đi 12 tỷ USD, trong khi Goldin Properties, giảm 44%, mất đi 4,6 tỷ USD. Riêng giá trị vốn hóa thị trường của Hanergy mất 19 tỷ USD, khiến ông chủ Li Hejun mất đi 15 tỷ USD, từ người giàu nhất Trung Quốc tụt xuống hạng thứ 4 trong vòng 24 phút.
Sau khi xảy ra sự cố, Goldin Financial và Goldin Properties đã giải trình với Ủy ban Chứng khoán Hong Kong và khẳng định, họ không hề biết nguyên nhân tại sao giá cổ phiếu biến động mạnh như vậy. Phía tập đoàn Goldin nhấn mạnh, hoạt động kinh doanh, điều hành của họ vẫn hoàn toàn bình thường và tình hình tài chính của Tập đoàn vẫn tốt.
Trước đó, nhờ dòng tiền từ Trung Quốc đại lục chảy mạnh vào HKEx thông qua mối liên kết giữa sàn Hong Kong và Thượng Hải, cổ phiếu của các công ty Goldin Financial và Goldin Properties đã tăng tới 356% kể từ đầu năm 2015. Hanergy còn có mức tăng ấn tượng hơn, trên 500%.
Người phát ngôn của HKEx, Scott Sapp từ chối bình luận về bất kỳ hành động cũng như biến động nào đối với sự cố thay đổi giá cổ phiếu đột ngột này.
Trước áp lực từ việc các nhà đầu tư tại thị trường Hong Kong kêu gọi nhà chức trách thành phố nên sớm điều chỉnh quy chế giám sát cũng như có thêm các quy định để hạn chế rủi ro, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Hong Kong, Carlson Tong đã cam kết sẽ tăng cường kiểm soát đối với bất kỳ “biến động bất thường nào của cổ phiếu”. Ông cũng cho rằng, vụ việc vừa rồi là hoàn toàn tự nhiên, không có lý do ẩn khuất nào phía sau.
Hiện tại, giới chức Trung Quốc đại lục đang áp dụng các quy định nghiệm khắc cũng như can thiệp sâu vào các hoạt động giao dịch trên TTCK nhằm giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, điều này lại gây khó khăn cho các nhà đầu tư mới và làm giảm bớt sức hấp dẫn của TTCK đại lục. Trong khi đó, tại Hong Kong, Uỷ ban GDCK Hong Kong cùng với HKEx khuyến khích TTCK đóng vai trò lớn trong việc kích thích sự phát triển kinh tế và ít có hành động can thiệp vào thị trường.
Tại nhiều TTCK khác, thường có quy định giới hạn biên độ dao động trong ngày của một cổ phiếu bằng cách can thiệp tạm ngừng giao dịch khi tới hạn. Tuy nhiên, Hong Kong không có quy định giới hạn này, nghĩa là về lý thuyết, giá một cổ phiếu có thể tăng gấp nhiều lần hoặc thậm chí về con số 0.
Liên kết sàn chứng khoán Hong Kong – Thượng Hải, mới được đưa vào hoạt động từ tháng 11/2014, một mặt giúp dòng tiền từ Trung Quốc đại lục chảy mạnh vào Hong Kong, nhưng mặt khác nó cũng tạo ra dao động lớn trên thị trường. Doanh thu của các cổ phiếu Hong Kong giao dịch thông qua mối liên kết này đã đạt kỷ lục 235 tỷ đô HK (30 tỷ USD) vào tháng 4/2015, cao gấp 7 lần trong tháng 3 trước đó. Theo UBS Group AG ước tính, các quỹ đầu tư cũng như các nhà đầu tư cá nhân tại đại lục sẽ tiếp tục mua khoảng 200 tỷ nhân dân tệ (32 tỷ USD) cổ phiếu Hong Kong trong 2 tới 3 quý tiếp theo.
Bên cạnh đó, Chủ tịch HKEx Chow Chung Kong trong tháng trước cho biết rằng, HKEx đang chuẩn bị để thực hiện liên kết với sàn GDCK Thâm Quyến trong nửa sau năm 2015. Nếu có thêm một mối liên kết nữa, giới chức Hong Kong sẽ có nhiều việc phải làm để tăng cường sự kiểm soát và giảm thiểu rủi ro.
Theo Niklas Hageback, người quản lý quỹ Valkyria Kapital Ltd, tính chất bất ổn của TTCK có thể làm tổn hại tới các nhà đầu tư cá nhân và các nhà làm luật Hong Kong nên có những hành động để kiềm chế sự thao túng thị trường.