Bất chấp một năm biến động, TTCK thế giới thể hiện những diện mạo rất khác nhau. Tại Mỹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones ghi nhận mức tăng trung bình 7,5%, đánh dấu năm tăng thứ 6 liên tiếp, với 38 ngày chốt phiên cao kỷ lục. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 tăng trung bình 11,4%, đánh dấu năm thứ 3 liên tiếp chỉ số này ghi nhận mức tăng trên 10%, với 53 ngày chốt phiên cao kỷ lục; chỉ số công nghệ Nasdaq cũng tăng tới 13,4%.
Trên phương diện lợi nhuận, nhóm cổ phiếu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tăng mạnh nhất trong cả năm 2014, lên tới 26%, nhờ sự phát triển của các công ty công nghệ sinh học và các vụ mua bán sáp nhập đình đám (như thương vụ Allergan Inc mua lại công ty Actavis Plc với giá khổng lồ 66 tỷ USD). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tiện ích cũng là những người được hưởng lợi từ chính sách lãi suất cực thấp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Cổ phiếu năng lượng là nhóm duy nhất ghi nhận tình trạng sụt giảm trong năm 2014 do giá dầu mỏ tụt dốc không phanh. Trên sàn giao dịch chứng khoán New York, chỉ số S&P 500 của nhóm các công ty năng lượng hàng đầu đã giảm 7,3% trong năm 2014, đồng thời năng lượng cũng là nhóm duy nhất giảm giá trong 11 nhóm cổ phiếu chủ chốt của S&P. Thiệt hại thậm chí còn tồi tệ hơn đối với một số lĩnh vực có liên quan, khi giá cổ phiếu các công ty cung cấp dịch vụ khoan dầu khí giảm tới 43,1% và các công ty thăm dò giảm trên 10%.
Trong khi đó, các TTCK khác trên thế giới chứng kiến sự sụt giảm đáng kể trong năm 2014. Chỉ số MSCI EAFE (thước đo các TTCK phát triển trừ Mỹ và Canada) đã giảm 4,9% và chỉ số MSCI các thị trường đang nổi giảm 2,19%.
Dưới đây là một số điểm nhấn tác động tới TTCK thế giới trong năm qua:
1. Kinh tế Mỹ tăng trưởng cao, kết thúc QE3 và chưa tăng lãi suất
Có lẽ các nhà đầu tư nên cảm ơn Fed khi Ngân hàng Trung ương Mỹ đã duy trì chính sách nới lỏng định lượng và lãi suất ở mức gần 0% trong một thời gian dài. Nhờ có gói nới lỏng định lượng thứ 3 (QE3), kinh tế Mỹ đã không rơi vào suy thoái trong năm 2013. GDP của Mỹ đạt mức tăng trưởng tới 4,6% và 5% trong quý II và III/2014, con số cao nhất trong 11 năm qua.
Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ cũng đã giảm từ mức 7,8% từ khi bắt đầu có gói kích thích này, xuống mức 5,9% khi QE3 kết thúc vào ngày 29/10/2014. Giới phân tích cho rằng, các loại tài sản rủi ro như cổ phiếu đã được tiếp đà rất lớn từ các chính sách tiền tệ nới lỏng của Fed. Tuy nhiên, việc Fed kết thúc chương trình QE3 là một dấu hiệu cho thấy ngân hàng trung ương nước này sẽ “rất kiên nhẫn” trước các khả năng tăng lãi suất trong năm 2015, ít nhất cho tới tháng 6 tới.
2. Giá dầu mỏ sụt giảm mạnh
Giá dầu đã giảm gần 60% trong giai đoạn nửa cuối năm 2014, từ mức 106 USD/thùng hồi tháng 6 xuống chỉ còn dưới 50 USD, do nguồn cung dư thừa quá mức so với nhu cầu, khi sản lượng dầu mỏ của Mỹ tăng mạnh nhất kể từ năm 1986, trong khi Tổ chức
Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) kiên quyết không cắt giảm sản lượng. Giá dầu tụt dốc không phanh đã ảnh hưởng tới các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ, đặc biệt là Nga. Đây cũng là nhân tố “tâm lý” khiến các TTCK chao đảo trong năm vừa qua.
3. Biến động tiền tệ
4. Khủng hoảng Ukraine và sự suy yếu của các TTCK châu Âu
2014 dường như cũng là năm thất bát đối với TTCK châu Âu khi Bồ Đào Nha, Áo, Hungary, Na Uy và Phần Lan đều nằm trong danh sách 10 TTCK có lợi nhuận trên cổ phiếu thấp nhất thế giới trong năm qua. Lợi nhuận trên cổ phiếu tại Bồ Đào Nha là -37,2%. Giới đầu tư bắt đầu tháo chạy khỏi TTCK Bồ Đào Nha kể từ sau khủng hoảng Ngân hàng Banco Espírito Santo - ngân hàng có giá trị tài sản lớn nhất nước này. TTCK Bồ Đào Nha cũng bị ảnh hưởng lớn trước tình hình giảm phát của khu vực Eurozone và chính sách thắt lưng buộc bụng của Chính phủ.
Trong khi đó, TTCK Áo và Hungary lại chịu thiệt hại nặng do bế tắc địa chính trị giữa Nga và Ukraine với lợi nhuận trên cổ phiếu lần lượt là -29% và -26,9% (tính theo USD).
Bên cạnh đó, rắc rối chính trị tại Hy Lạp, bất đồng về các chính sách khi liệu quốc gia này sẽ kiên trì theo đuổi các biện pháp thắt lưng buộc bụng hay rời khỏi Eurozone, đặt tương lai khu vực đồng tiền chung châu Âu trước những rủi ro bất định. Giới đầu tư đổ xô tìm kiếm các thiên đường đầu tư an toàn là các nhân tố đẩy TTCK đứng trước những đợt bán tháo và biến động.
Điều gì chờ đón TTCK thế giới năm 2015?
Tuy nhiên, những “cơn gió ngược” vẫn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Điều được các nhà đầu tư quan tâm nhất hiện nay là, liệu giá dầu sẽ tiếp tục sụt giảm xuống mức bao nhiêu, hay tình trạng giá dầu sẽ giữ ở mức dưới 50 USD/thùng trong thời gian bao lâu vẫn là mối quan ngại chính. Bên cạnh đó, khu vực châu Âu đang vật lộn với nguy cơ suy thoái, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, khả năng Fed tăng lãi suất vào giữa năm nay là những chỉ dấu quan trọng mà giới đầu tư dõi theo trước khi đặt cược vào TTCK năm nay.